Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

Nghệ An: Đồng loạt gắn biển 'cấm quay phim, chụp ảnh' ở trụ sở ủy ban từ xã đến huyện
 Cập nhật lúc 14:35    

Nhiều trụ sở xã ở huyện Tương Dương (Nghệ An) từ nhiều tháng nay đặt biển cấm người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại trụ sở xã để “đảm bảo bí mật nhà nước”, gây bức xúc cho người dân.


Biển cấm được đặt ở các trụ sở xã ở huyện Tương Dương. ẢNH K.HOAN

Cấm “quay phim, chụp ảnh” trụ sở từ xã đến huyện
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, những biển cấm này được đặt ở trước cổng, sân trụ sở xã, trên biển quy định nhiều điều bị cấm và đều giống nhau về nội dung. Đặc biệt, biển cấm này còn cấm người dân “quay phim, ghi âm, chụp ảnh, vẽ sơ đồ” tại khu vực trụ sở xã.
Tại trụ sở xã Tam Đình (huyện Tương Dương), ngay trước cổng ra vào trụ sở nằm cạnh quốc lộ 7, tấm biển cấm rất lớn được dựng ngay bên trụ cổng. Người dân cho biết, tấm biển này được dựng ở đây từ khoảng hơn một năm qua. 


Biển cấm tại trụ sở xã Tam Đình. ẢNH K.HOAN

Tấm biển cấm với nội dung trên cũng được UBND xã Tam Thái (huyện Tương Dương) cho dựng sát phía trong cổng ra vào trụ sở. Một người dân địa phương cho biết, tấm biển cẩm này đã có từ nhiều tháng nay. “Trụ sở xã là nơi người dân đến tiếp xúc hàng ngày, đặt lệnh cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm là cấm người dân không được giám sát cán bộ là rất vô lý”, người dân này nói.
Giải thích về việc đặt tấm biển cấm, ông Vi Viết Kiều, Chủ tịch UBND xã Tam Thái, cho rằng biển cấm này “ở cơ quan nào cũng có, tại trụ sở huyện cũng có”. Ông Kiều cho biết, huyện chỉ đạo đặt biển cấm nên xã đã dựng biển hơn 1 năm qua. “Nội dung đó là đúng vì cơ quan nhà nước phải bảo mật, người không có phận sự không được vào”, ông Kiều nói.
Ở xã Tam Quang (huyện Tương Dương), tấm biển cấm được “trói” vào gốc cây bên lối vào sân trụ sở của xã. Ông Hồ Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, lý giải tấm biển cấm này được triển khai từ huyện xuống, xã nào cũng phải làm. “Xã không tự ý đặt biển cấm mà có trong quy định công tác bảo đảm bí mật nhà nước. Cấp trên về kiểm tra thấy thiếu, nhắc nhở xã phải bổ sung. Đặt biển theo mẫu chung nên họ làm vậy, không riêng gì Tam Quang”, ông Sơn nói.


Biển cấm tại trụ sở xã Tam Quang. ẢNH K.HOAN

Ông Sơn cũng cho rằng, đặt biển cấm nhưng không phải cấm hẳn mà muốn quay phim, chụp ảnh thì phải được sự đồng ý của xã. “Ví dụ như công dân đến làm việc với công chức xã, muốn quay thì phải xin phép, nếu người đó đồng ý thì mới được quay hoặc ghi âm”, ông Sơn nói. Khi được hỏi văn bản nào quy định cho xã đặt biển cấm này thì ông Sơn nói “phải kiểm tra lại”.


Biển cấm quay phim, chụp ảnh tại trụ sở UBND huyện Tương Dương. ẢNH K.HOAN

Không những chỉ xuất hiện ở trụ sở các xã, mà ngay trước cổng trụ sở UBND huyện Tương Dương cũng có biển cấm này. Trả lời phóng viên Thanh Niên về căn cứ quy định để huyện và các xã đặt biển cấm, ông Phan Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết “sẽ cho kiểm tra lại”.

Hạn chế quyền giám sát của người dân
Ông Nguyễn Bá Hảo, Phó giám đốc Sở Thông Tin - Truyền Thông tỉnh Nghệ An, cho rằng trụ sở xã là nơi không quy định cấm công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Trong trường hợp có sự kiện liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc liên quan đến bí mật nhà nước khác thì chỉ đặt biển cấm một thời gian nhất định để tổ chức sự kiện, xong thì cất đi. Việc đặt biển cấm thường trực như vậy ở trụ sở xã là hạn chế quyền tự do của người dân trong giám sát hoạt động của các bộ, công chức trong quá trình thi hành công vụ.


Biển cấm tại trụ sở xã Tam Thái. ẢNH K.HOAN

Luật sư Thái Sỹ Oai, Trưởng Văn phòng Luật sư Nghệ Tĩnh, cho rằng Hiến pháp 2013 quy định, công dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của các bộ, công chức trong quá trình thi hành công vụ. Công dân được làm những gì pháp luật không cấm, vì thế, việc cấm người dân quay phim, chụp hình là trái với quy định của pháp luật, trái với quyền dân chủ và thực hành quyền giám sát của công dân.
Cũng theo luật sư Oai, trụ sở xã là nơi tiếp công dân, công dân có quyền ra vào để liên hệ công việc, để làm việc hoặc thực hiện công việc của mình, vì vậy trụ sở UBND không thuộc khu vực cấm, địa điểm cấm theo Quyết định số 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ ở những nơi được coi là thuộc phạm vi bí mật nhà nước như khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế thì người quay phim, chụp hình bắt buộc phải được sự cho phép của cơ quan chức năng, của đơn vị có thẩm quyền.

“Luật không có quy định cấm quay phim, chụp hình song cấm phát tán bừa bãi. Nếu người dân cố ý "quay phim, chụp ảnh" để nhằm đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức bị đăng tải, lợi dụng vào đó kích động quần chúng, lôi kéo dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động chống phá chính quyền thì đó là hành vi phạm pháp. Người vi phạm sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng hoặc có thể bị xử lý hình sự. Việc UBND các xã trưng biển cấm quay phim, chụp hình, ghi âm tại trụ sở tiếp công dân cũng dựa trên tinh thần giữ an ninh trật tự, sự tôn nghiêm tại nơi thực hiện công vụ, tuy nhiên lại triệt tiêu quyền tự do của công dân vốn không bị pháp luật cấm”, Luật sư Thái Sỹ Oai nói.
(Theo Thanh Niên) Khánh Hoan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét