Sửa một chữ để biến tà thành chính
Cập nhật lúc 08:30
Anh bạn tôi là giám đốc
doanh nghiệp tư nhân có lần tâm sự: “Các ông là cán bộ chính trị hình như vẫn
giữ quan điểm bảo thủ. Đất nước đã qua chiến tranh hơn 40 năm rồi, cũng nên
rộng lượng để tạo sự đoàn kết dân tộc, vậy mà nhắc đến lịch sử tôi lại nghe
câu ngụy quân, ngụy quyền”!
Nghe thế tôi chỉ cười và bảo “chuyện này cần hiểu đầu đuôi, không
thể vài lời là rõ được. Hẹn ông lúc nào có thời gian ta trao đổi”.
Từ ngụy (gốc Hán Việt hàm nghĩa giả tạo) được một số người coi là
cách gọi không thân thiện khi nhắc về thể chế Việt Nam cộng hòa. Với thể chế này
có người cho rằng dù sao họ cũng là một thực thể từng tồn tại, nên được thừa
nhận. Nghĩa cụ thể từ “thực thể” tức là một thể chế có thực. Một “thực thể” lại
có quân đội, cảnh sát và bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương thì
phải gọi là chính quyền mới chính xác. Đây chỉ là sự lập lờ khái niệm nhằm
đánh tráo. Chấp nhận cách gọi đó có nghĩa trên đất nước Việt Nam giai đoạn
1946-1975 song song tồn tại hai chính quyền và cuộc chiến tranh giai đoạn này
chỉ là cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Trong hai chính quyền đó sẽ phải có
một “chính” và một “tà”, không thể cả hai đều chính nghĩa!
Ngày 19/8/1945, tại
Quảng trường Nhà hát Lớn, hàng vạn người dân Thủ đô dự Lễ mít tinh chào mừng
Ủy ban Quân quản. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Vậy xem đâu là “chính”, đâu là “tà”?
Kể từ năm 1858, khi thực dân Pháp đổ bộ vào nước ta, triều đình
phong kiến đầu hàng, Việt Nam chính thức trở thành thuộc địa của Pháp. Theo
người Pháp, đây là công cuộc “khai hóa văn minh” cho một xứ sở nghèo nàn lạc
hậu. Công cuộc “khai hóa” đó để lại kết quả là đến trước tháng Tám năm 1945
có 95% người dân mù chữ dù từng là dân tộc 4.000 năm văn hiến. Còn đời sống
vật chất được minh chứng bằng hơn 2 triệu người chết đói trong khi kho thóc
của chính quyền vẫn đầy. Cuộc cách mạng tháng Tám là sự bùng nổ tất yếu khi
mâu thuẫn bị dồn nén cao độ. Chính quyền mới ra đời từ cuộc cách mạng này đã
được nhà nước phong kiến thừa nhận, trao lại quyền lực qua biểu tượng Bảo Đại
trả ấn tín và thanh gươm quyền lực cho Chính phủ lâm thời tại cố đô Huế. Câu
nói “Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân một nước độc lập…” của vị vua cuối
cùng có lẽ là lời thành thật bởi trước đó các vị vua tiến bộ như Thành Thái, Duy
Tân từng muốn thoát khỏi vòng cương tỏa của chế độ bảo hộ Pháp nhưng bất
thành. Dù được bàn giao chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm
thời vẫn rất tỉnh táo, khôn khéo khi sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc
bầu ra Quốc hội nước Việt Nam độc lập vào tháng 1/1946. Chính quyền do Quốc
hội này lập ra mang tính chính danh “quang minh, chính đại”, với thành phần
không phân biệt đảng phái, là đại diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Đông đảo nhân dân nô nức tham gia cuộc tổng
tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946.
Sẽ chẳng có cuộc chiến tranh nào nữa nếu người Pháp chấp nhận
thực tế là Việt Nam đã độc lập, đã có một chính quyền của dân, do dân. Tiếc
rằng, trong năm 1946, khi mà chính quyền còn non trẻ, đất nước đang bộn bề,
họ đã tranh thủ nhảy vào, ngụy tạo một chính quyền để hợp thức sự tái xâm
lược. Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, người Pháp đã sai lầm lần nữa khi chuyển
giao thể chế ngụy tạo ấy cho người Mỹ và để lại hệ quả một cuộc chiến tranh
hơn 20 năm hao người tốn của.
Nhiều người đã quên hoặc cố quên: Chính quyền của nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa là do Nhân dân lập nên. Chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt
Nam do nước ngoài ngụy tạo. Thừa nhận chính quyền do nước ngoài dựng lên cũng
có nghĩa chẳng có cuộc xâm lược nào của người Pháp hay người Mỹ. Điều nguy
hại là trong một số người, nhất là thế hệ trẻ đang có sự mơ hồ hoặc ngộ nhận
do tác động từ những thông tin lệch lạc.
Nhiều nhân sĩ, trí thức, công chức chế độ cũ tham gia Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
Với chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng
khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng, Nhà nước ta không bao giờ muốn “đào xới” quá
khứ đau thương của dân tộc. Cuộc hàn gắn vết thương không phải dễ dàng, khi
mà ngay tại một gia đình cũng có thể tồn tại thành viên ở hai chiến tuyến.
Thế nhưng một số thế lực thù địch lưu vong lại luôn muốn xới lại quá khứ mong
viết lại và “bẻ cong” lịch sử. Việc làm đó chỉ nhằm gỡ lại thể diện, thanh
danh cho số ít cá nhân chứ đâu phải để xây dựng khối đoàn kết dân tộc?
Sự đoàn kết vững chắc nhất phải được xây dựng dựa trên sự tôn
trọng thực tế khách quan của lịch sử. Những động cơ, hành vi nhằm xem xét lại
lịch sử chính là sự phá hoại nền móng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần
phải ngăn chặn./.
(Theo Đặc san Báo Người cao tuổi tháng 10/2019) Đinh
Hoàng
|
Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét