Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Chuyện “kỳ lạ” tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai): Công ty được thành lập 2 ngày, trúng thầu ngay khu “đất vàng”!

Cập nhật lúc 14:24    


Người dân bức xúc khi khu đài tưởng niệm của địa phương đã bị “phù phép”, “xẻ thịt” cho tư nhân thuê. Đáng nói hơn, người dân cho rằng, đứng sau lưng Công ty trúng thầu đất “vàng” 3 mặt tiền là vợ của một cán bộ huyện Cẩm Mỹ…

Vừa lập công ty 2 ngày, vớ ngay lô “đất vàng”(!?)

Hơn 20 năm qua, công viên Sông Ray là địa chỉ không gian công cộng có ý nghĩa lịch sử, văn hóa của người dân 3 xã Xuân Đông, Xuân Tây và Sông Ray. Nơi đây, từng được dựng tượng đài vinh danh những thanh niên xung phòng đã hi sinh trong chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.

Tượng đài trong công viên Sông Ray

Tuy nhiên, địa điểm mang ý nghĩa về mặt truyền thống lịch sử đã bị chính quyền địa phương “hô biến” thành địa điểm vui chơi giải trí vì nó nằm ở ngay khu… đất vàng, giáp 3 mặt tiền.

Hành trình biến đổi lô đất này công khai đến mức, nếu bất cứ ai nhìn vào cũng ngạc nhiên và thảng thốt khi thấy sự việc quá trái ngang. Hàng chục người dân bức xúc, lên án vì cách làm có phần “chéo ngoe” và lộ liễu của địa phương.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 27/4/2018, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 1432/QĐ- UBND quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Xuân Nam Giang (trụ sở tại số 74, tổ 7, ấp 8, xã Xuân Tây) thực hiện đầu tư Dự án “xây dựng hồ bơi thanh thiếu niên và khu vui chơi thiếu nhi”, diện tích thực hiện khoảng 4.156 m2, quy mô hồ bơi 456 m2, khu vui chơi thiếu nhi 424 m2, khu chiếu bóng 424 m2 và các công trình phụ trợ khác.

Dự án có thời gian hoạt động 49 năm, bằng thời gian thuê đất. Quyết định 1432/QĐ- UBND nêu: Dự án thuộc đối tượng khuyến khích xã hội hóa, nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, về đất đai theo quy định hiện hành. Như vậy, chủ đầu tư không những được thuê đất dài hạn mà còn được hưởng ưu đãi khi làm dự án.

Người dân địa phương cho rằng, ngoài việc cải tạo dự án bỏ qua ý kiến người dân, biến đất công thành tư dưới hình thức thuê đất, thì quá trình chủ đầu tư trúng thầu có nhiều “bất thường”. Cụ thể:

Ngày 9/8/2017, Phòng Kinh tế- Hạ tầng- Xây dựng có Văn bản số 365/KTHT-XD về việc đăng thông tin, kêu gọi xã hội hóa đầu tư quy hoạch công viên văn hóa Sông Ray.

Ngày 20/11/2017, Công ty Xuân Nam Giang đăng ký doanh nghiệp hoạt động với loại hình Công ty TNHH MTV. Đúng 2 ngày sau, ngày 22/11/2017, Công ty này trình đề nghị cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Ngày 31/1/2018, UBND huyện Cẩm Mỹ có ra Văn bản 172/UBND-CN về việc kết quả kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xã hội hóa vào dự án công viên văn hóa Sông Ray, chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Xuân Nam Giang tham gia đăng ký đầu tư, và “nghiễm nhiên” đơn vị này trúng thầu.

Công ty có vợ “sếp” huyện “chống lưng”?

Theo Văn bản số 803/UBND- NL ngày 28/2/2019, UBND huyện Cẩm Mỹ gửi Thanh tra tỉnh Đồng Nai cho rằng, dự án cải tạo công viên Sông Ray đều lấy ý kiến người dân và được đồng thuận. Tuy nhiên, khẳng định với phóng viên, những người dân sinh sống trong khu vực cho biết, hàng loạt đơn khiếu nại, phản ánh, tố cáo… cho đến nay không hề được giải quyết dứt điểm, đó là bằng chứng chứng minh có dấu hiệu “khuất tất” trong vụ việc trên.

Người dân bất bình tụ tập, phản đối việc biến đất công viên thành đất dự án 49 năm có kinh doanh thu tiền.

Người dân đặt vấn đề, một Công ty mới thành lập đúng 2 ngày, đã nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư rồi nhanh chóng được chấp thuận là chủ đầu tư dự án? Một dự án mà cho đến nay người dân địa phương liên tục gửi đơn khiếu nại các cấp nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo? Dư luận người dân địa phương cho rằng, sở dĩ có sự việc trên là do, sau lưng công ty trúng thầu đất “vàng” 3 mặt tiền này là vợ của một cán bộ huyện Cẩm Mỹ(!?)

Bà Phạm Thị Thược (ấp 8), Nguyễn Thị Minh (ấp 9), Nguyễn Thị Khu (ấp 8), Phạm Thị Thược (ấp 8) cho biết, tất cả người dân ở đây có nguồn gốc từ các tỉnh khác nhau. Khoảng từ năm 1986, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước thoát ly quê hương đi làm kinh tế mới. Thời kỳ đó, cuộc sống vô cùng khó khăn, người dân tằn tiện chắt góp mới mua được mảnh đất, dựng nhà sinh sống ở khu công viên Sông Ray.

Năm 1996, chính quyền huyện Xuân Lộc ra thông báo xây dựng công viên Sông Ray, đề nghị người dân giao trả nhà, đất mà không được đền bù. 34 hộ dân đang sinh sống bị ảnh hưởng, đề nghị được bồi thường. Tuy nhiên, chính quyền không đồng ý, vì cho rằng người dân lấn chiếm bất hợp pháp nên cưỡng chế trắng.

Cuộc sống người dân lúc đó bị đảo lộn, nhưng việc chính quyền huyện lấy đất làm khu công viên văn hóa mục đích chung nên cuối cùng dân cũng đồng ý. Công viên Sông Ray sau đó hình thành, với nhiều hạng mục vui chơi công cộng miễn phí. Trong đó có khu tượng đài thanh niên xung phong, tưởng niệm những người đi khai phá vùng kinh tế mới.

Nay lại có dự án Dự án “Xây dựng hồ bơi thanh thiếu niên và khu vui chơi thiếu nhi” do Công ty Công ty TNHH MTV Xuân Nam thực hiện khiến nhiều người cao tuổi và cựu chiến binh ở huyện Cẩm Mỹ cũng không đồng ý với cách làm, “hô biến” đất công thành đất tư của chính quyền địa phương sở tại. 


Đơn thư, hình ảnh,... của người dân địa phương gửi đến cơ quan chức năng phản ánh vụ việc

Việc đất công bỗng về tay tư nhân qua hình thức cải tạo công viên đã gây làn sóng bức xúc ở các xã cạnh công viên Sông Ray. Đặc biệt, những người dân trước đây có đất, nhà trên vị trí công viên hiện tại nhưng khi Nhà nước lấy đất làm công viên không được nhận bồi thường. Nay đất công vào tay tư nhân, rất nhiều đơn phản ánh, kiến nghị của dân đòi trả lại hiện trạng đất công cho khu công viên, nhưng tất cả có vẻ bị… im lặng.
Theo Báo Người cao tuổi (ngaymoionline.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét