Đưa tin sai sự thật, DN điêu đứng mà chỉ 1 lời
xin lỗi cho xong
Cập nhật lúc 09:54
Thông tin sai sự thật, DN
thiệt hại nhưng báo chỉ lặng lẽ xin lỗi, đính chính. Trách nhiệm người
cầm bút đâu chỉ “xin lỗi” hay “đính chính” là xong. DN điêu đứng, thiệt hại
hàng chục tỷ… trách nhiệm đó không thể chỉ hạ bài ‘xong rồi thôi’.
Bắt đầu từ
tháng 3/2019, chuyên trang của một vài tờ báo dồn dập đăng tải thông tin ám
chỉ “bột canh I ốt Hải Châu không có I ốt”. Các bài báo đều trích dẫn nguồn
tin từ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản tỉnh Điện Biên với kết
quả kiểm nghiệm của đơn vị này cho rằng “không phát hiện” thấy i-ốt trong mẫu
sản phẩm của Bột canh i-ốt Hải Châu. 3 chữ “không phát hiện” I ốt trong kết
quả kia là khởi nguồn cho một loạt bài khiến doanh nghiệp “hồn siêu phách
lạc”.
Đến đầu tháng 5/2019, lại một loạt bài trên các trang báo chỉ
thẳng tên doanh nghiệp với những cái tít cực sốc: “Bột canh i-ốt Hải Châu lừa
người tiêu dùng từ bao giờ và ai là người chống lưng?”.
Thông tin vẫn chỉ trích dẫn từ bảng thống kê vỏn vẹn 1 dòng của
Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tỉnh Điện Biên.
“Treo đầu dê, bán thịt chó”, “lừa dối trắng trợn”, “những thủ
đoạn gì để lừa dối người tiêu dùng”... là một trong vô số ngôn từ được sử
dụng trong bài báo để chỉ trích doanh nghiệp.
Nhưng sự thật thì sao?
Trước phản ánh
của dư luận, ngày 12/3/2019, Chi cục Quản lý chất lượng Nông nghiệp và Thủy
sản tỉnh Hưng Yên (nơi Hải Châu đặt nhà máy) có văn bản số 05/TB-ĐKT thông
báo kết quả kiểm nghiệm mẫu Bột canh I Ốt Hải Châu tại của Công ty CP Bánh
kẹo Hải Châu. Kết quả kiểm tra đã khẳng định: Sản phẩm bột canh I Ốt Hải Châu
có hàm lượng I Ốt trong ngưỡng cho phép 37,31 mg/kg - ngưỡng cho phép về hàm
lượng I Ốt theo công bố từ 20 mg/kg đến 40 mg/kg.
Tiếp đó, ngày
10/5/2019, Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu và đại diện Công ty CP dịch vụ
và thương mại tổng hợp Vincommerce đã tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên sản phẩm bột
canh I ốt do Hải Châu sản xuất đang bán tại 2 siêu thị Vinmart Time city và
Vinmart số 94 Hoàng Quốc Việt để kiểm nghiệm hàm lượng I ốt tại Viện Hàn lâm
khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Thông báo của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, kết
quả kiểm nghiệm phân tích 4 mẫu bột canh đều đảm bảo hàm lượng I ốt trong
ngưỡng cho phép theo công bố.
Doanh nghiệp được cơ quan chức năng minh oan. Thông tin đã đưa
hoàn toàn sai, mọi duy diễn dìm doanh nghiệp đều vô căn cứ.
Thế nhưng, sau loạt bài tung tin sai sự thật, đi kèm với những
thông tin gây hoang mang kiểu “Bột canh I ốt Hải Châu không có I ốt” đã phủ
sóng đầy các trang tin, mạng xã hội, gieo rắc nỗi hoang mang cho biết bao bà
nội trợ, thì tờ báo đó mới đăng thông tin phản hồi của doanh nghiệp, với
những kết quả kiểm tra nói trên.
Sau cả loạt bài hàng nghìn chữ, thì bản tin “nói lại cho rõ” ấy
chỉ vỏn vẹn hơn 700 chữ. Một số bài báo được gỡ khỏi trang. Tuy nhiên, những
con chữ mà bài báo ghim vào đầu người đọc thì không thể gỡ được.
Hậu quả là, doanh nghiệp “lĩnh đủ”. Sản phẩm bột canh I ốt Hải
Châu bị tẩy chay không thương tiếc. Nhà phân phối, điểm bán tạm dừng nhập
hàng, các siêu thị tạm khóa mã không chỉ sản phẩm bột canh mà nhiều sản phẩm
khác mang thương hiệu Hải Châu.
Thống kê của doanh nghiệp này cho thấy, chỉ tính riêng sản phẩm
bột canh, công ty đã thiệt hại nặng nề khoảng 50 tỷ đồng do sản lượng, doanh
thu tiêu thụ suy giảm mạnh. Đặc biệt trong tháng 5/2019 - thời điểm các bài
báo đồng loạt “hô to” bột canh Hải Châu, thì doanh thu đã giảm hơn 70% so với
tháng 4/2019. Công ty điêu đứng, thương hiệu lao đao, người lao động trước
nỗi lo mất việc.
Một thương hiệu uy tín có bề dày 50 năm bỗng chốc bị nhìn nhận
như “kẻ lừa dối”, “kẻ tội đồ” vì những bài báo gắn mác “phóng sự điều tra”.
Nhưng người viết lên các bản tin ấy chỉ dựa trên một dòng thông báo của chi
cục nọ ở Điện Biên hoàn toàn không chính xác để kết luận toàn bộ sản phẩm bột
canh của Hải Châu “không có I ốt”. Họ “tiêm” vào đầu người đọc một nỗi ám
ảnh, một sự khinh miệt tột cùng DN làm ra sản phẩm ấy.
Công ty Hải Châu vì một loạt bài “phóng sự điều tra” nửa vời mà
trở nên điêu đứng, thương hiệu 50 năm trời lung lay. Trong khi ấy, những nơi
xuất phát các thông tin ấy lại chỉ lẳng lặng gỡ bài, kèm theo bản tin ngắn về
phản hồi của doanh nghiệp.
Thông tin sai sự thật được đưa ra, doanh nghiệp thiệt hại, nhưng
tờ báo chỉ lặng lẽ xin lỗi, đính chính.
Trách nhiệm của người cầm bút đâu phải chỉ “xin lỗi” hay “đính
chính” là xong. Nếu ai cũng cho mình cái quyền phán xét doanh nghiệp dựa trên
những thông tin thiếu kiểm chứng, rồi lại xin lỗi khi đưa tin sai, thì phần
doanh nghiệp chịu thiệt hại ai bù đắp lại cho họ?.
Uy tín của doanh nghiệp nào phải ngày một ngày hai mà lấy lại
được sau khi bị “bôi đen” trên mặt báo. Và những thiệt hại tài chính, uy tín,
thương hiệu của một doanh nghiệp không để đổi lại một câu xin lỗi ‘ráo
hoảnh’... đó không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn đạo đức của người làm
tin.
(Theo VietNamNet) Hà Duy
|
Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét