14:29
Làm khoa học phải minh bạch
SGTT.VN - Trong buổi sáng 9.3, tại phòng trình diễn chiếc máy phát điện chạy bằng nước, SGTT đã gặp GS.TS Nguyễn Đăng Hưng, chuyên gia nghiên cứu về vật lý hàng không - không gian. Ông trình bày quan điểm cá nhân về những vấn đề xoay quanh “phát minh” trên.
Thưa GS, vậy chất tham gia quá trình phản ứng đó, định danh chức năng của nó gọi là gì?
GS.TS Nguyễn Đăng Hưng: Vai trò của chất này, theo tôi là trữ năng lượng hoặc là chất khử, sẽ bị tiêu hao, bớt đi khối lượng. Muốn tái tạo, phải dùng năng lượng để nạp lại năng lượng cho nó. Phải gọi đúng vai trò của nó để tránh sự nhầm lẫn cho giới khoa học. TS Khê có quyền không công bố chất đó là chất gì nhưng phải nói rõ chu trình sản xuất có khó khăn không, tốn nhiều năng lượng hay không. Giả sử dùng trấu để tạo chất đó nhưng năng lượng dùng để tạo chất đó lớn hơn năng lượng phát sinh thì không hiệu quả về kinh tế. Cần nghiên cứu khối lượng sau thời gian sử dụng còn lại như thế nào? Có tác dụng gì với môi trường, con người hay không. Nếu là chất xúc tác, sau thời gian cống hiến để phát sinh năng lượng sẽ không bị hao tổn về lượng và chức năng so với ban đầu.
GS đánh giá như thế nào về “chất bí mật” mà đến giờ này, có lẽ TS Khê sẽ không bao giờ công bố?
Chất đó là chất gì, cấu tạo như thế nào đang là vấn đề thu hút quan tâm của giới khoa học. Về nguyên tắc khoa học, chất đó phải là chất đặc biệt vì tham gia phản ứng với nước, ở nhiệt độ thấp mà sinh ra nhiệt lượng lớn để giải phóng hydro. Đây là yếu tố quan trọng mà nhiều nghiên cứu đã thất bại trước đó. Nhiều nghiên cứu trên thế giới như Nga, Nhật thất bại vì không có hóa chất an toàn và hiệu quả như mong đợi. Với thiết kế nhỏ gọn như thế này mà sinh ra lượng điện như vậy thì đây là phát minh hết sức độc đáo, mang tính “cách mạng”. Nhưng đã là khoa học, cần phải công bố rõ ràng. Tác giả có quyền giữ bí quyết công nghệ nhưng phải công bố dưới góc độ khoa học, đó là quy định bắt buộc.
Chúng tôi đã công bố nhiều công trình khoa học trên thế giới nhưng chỉ giới thiệu nó ở góc độ khoa học, còn góc độ công nghệ sẽ được che giấu. Cần phân biệt phạm trù khoa học và phạm trù công nghệ rõ ràng. Một công trình khoa học phải được công bố minh bạch, rõ ràng dưới góc độ khoa học. Hội thảo hôm nay chỉ đặt câu hỏi chứ chưa được chủ nhân (TS Khê – PV) giải đáp.
Hay là TS Khê không muốn nói nhiều đến sáng chế của mình nên mới có nhiều vấn đề chưa làm thỏa mãn các nhà khoa học?
Theo tôi, sáng chế này chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, cần nhiều thời gian và công sức để hoàn chỉnh. Sáng chế này vẫn được xem ở quy mô trong phòng thí nghiệm. Nếu chưa làm rõ thì không nên công bố vì sẽ tạo nhiều hoài nghi cho dư luận, trong đó có các nhà khoa học trong nước và trên thế giới. Tôi mong các nhà khoa học về hóa học và vật liệu mới hỗ trợ thêm TS Khê nghiên cứu đầy đủ về chất này.
TS Khê cho rằng đây là phát minh lớn. Có thể cơ sở lý thuyết của phát minh này không dựa trên nền khoa học cơ bản…
Chưa có bất kỳ một phát minh nào về năng lượng, máy móc lại vi phạm hai nguyên lý: nguyên lý bảo tồn năng lượng và nguyên lý động nhiệt học. Đây là hai nguyên lý cơ bản của lĩnh vực máy móc từ xưa đến nay. Nếu phát minh này có cải tiến hai nguyên lý trên thì đây là phát minh khoa học và công nghệ đảo lộn khoa học công nghệ thế giới, cần nghiêm túc và cẩn trọng khi nghiên cứu và công bố.
GS nghĩ thế nào về phát biểu của TS Khê khi cho rằng “không hiểu vì sao có phản ứng đó”?
Tôi ngạc nhiên rồi thất vọng khi nghe anh Khê lại nói như vậy dù với mục đích gì. Anh Khê không thể không biết quá trình phản ứng đó đã sinh ra năng lượng như thế nào. Tôi với anh Khê là bạn bè nhưng khi trao đổi khoa học, không để tình cảm chi phối.
Gia Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét