Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

12:11
Thuốc ngoại, thuốc nội cùng tăng giá theo xăng

Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược VN vừa khảo sát giá thuốc tại 3 khu vực ở TPHCM, Hà Nội và miền Trung. Trong tổng số 5.421 lượt mặt hàng được khảo sát thì đã có 14 lượt mặt hàng thuốc nhập ngoại và 23 lượt thuốc nội tăng giá...

Tăng giá nhiều nhất là các loại thuốc singulair loại 4mg, 5mg, 10 mg loại hộp và gói với giá tăng từ 345.000 lên 380.000 đồng (10%); ferovit hộp giá từ 68.000- 75.000 đồng (10%); pharmaton hộp giá từ 231,840 lên 252,140 (9%); renitex 5mg hộp giá từ 88.000 – 96.000 đồng (9%); renitex 10mg hộp giá từ 135.000 – 147.000 đồng (9%)...

Không chỉ thuốc ngoại tăng giá, nhiều loại thuốc sản xuất trong nước cũng tăng mạnh từ 3,95% đến 24%. Trong số 23 lượt mặt hàng tăng giá với tỉ lệ tăng trung bình 9,47%, nhiều loại thuốc sản xuất trong nước thông dụng như thuốc ho, cảm sốt, kháng sinh cũng tăng mạnh. Ngoài ra, sản phẩm nước súc miệng TB tăng 24%; dầu garlic tăng 23%; mimosa tăng 17%; giảo cổ lam tăng 15%; đại tràng PH tăng 10%...

Theo thông tin từ một số nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, nhiều trình dược viên của các hãng dược Anh, Đức, Ấn Độ... vừa thông báo giá một số loại thuốc nhập, đặc biệt là thuốc đặc trị như các bệnh mạn tính, ung thư, tim mạch, tiểu đường... tăng giá sau khi giá xăng tăng. Ngoài ra, các loại thuốc điều trị tiêu chảy, sốt, hô hấp, kháng sinh, ho... cũng sẽ tăng giá vì sức tiêu thụ lớn trong mùa nắng nóng đang ở đỉnh điểm của khu vực Nam Bộ.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, phần lớn các Cty nhập khẩu, nhập khẩu ủy thác cũng tiết lộ thuốc sẽ tăng giá trong thời gian gần vì tỉ giá ngoại tệ hiện đang tăng lên. Ngoài ra, đối với các DN sản xuất dược phẩm trong nước, 90% nguyên liệu đầu vào là nhập khẩu nên chắc chắn tỉ giá tăng cũng tạo sức ép lớn khiến các Cty này phải tính đến phương án điều chỉnh giá bán để tránh lỗ. Thế nhưng, một trình dược viên có thâm niên của hãng dược phẩm R. (Ấn Độ) cho rằng, giá thuốc tăng cũng một phần do những khoản chi (hoa hồng, quà cáp cho bác sĩ kê toa, cho khoa dược BV...). Ngoài ra, cộng thêm vào giá thuốc còn có chi phí quảng cáo ồ ạt, tiếp thị sản phẩm, thương hiệu góp phần “đội giá” thuốc lên nhiều lần.
(Lao Động) Võ Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét