Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

12:11

Đề xuất mua nhà thương mại làm quỹ nhà tái định cư:
Giải cứu chung cư ế?

TP - Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, đề xuất mua nhà từ các dự án thương mại để bổ sung vào quỹ tái định cư của Hà Nội và TPHCM đang được dư luận quan tâm. Nhưng liệu đề xuất này có khả thi khi mà nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.
Liệu đề xuất mua nhà thương mại cho quỹ TĐC có khả thi? Ảnh: Nguyễn Tú.
Khống chế lợi nhuận ở mức 10%
“Quỹ nhà tái định cư (TĐC) cho các dự án đang thiếu nhiều, trong khi nhiều dự án đến giai đoạn cần nhà. Vì thế, ngoài các giải pháp đang thực hiện, Sở vừa đề nghị thành phố cho xây dựng cơ chế để mua lại nhà thương mại của doanh nghiệp đã xây xong nhà, chưa bán được để bổ sung cho quỹ TĐC”, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết.
Theo Sở Xây dựng, một số doanh nghiệp đã đề nghị TP Hà Nội mua lại nhà thương mại để phục vụ nhu cầu TĐC. Tuy nhiên, để thực hiện, cần phải sớm hoàn thành cơ chế, chính sách cụ thể để trình liên ngành thông qua. “Hiện thành phố giao Sở Xây dựng rà soát lại các dự án, cơ cấu căn hộ, tính giá trị đất, xem xét chi phí hợp lý, mức lợi nhuận doanh nghiệp được hưởng, để có thể tiến tới mua nhà thương mại cho việc giải quyết bức xúc về nhà TĐC. Đặc biệt, phục vụ các dự án hạ tầng trọng điểm như các dự án giao thông trọng điểm”, đại diện Sở này nói.
“Nhiều người nói việc mua như vậy là giải cứu BĐS đang trầm lắng, đó là cách hiểu của họ, việc mua này còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Chẳng hạn, giá thành, vị trí hay việc doanh nghiệp đó có bán và việc TP có mua của họ hay không nữa chứ”, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nói.
Theo ông Tuấn, việc xây dựng cơ chế mua nhà thương mại ngoài việc tính toán giá thành hợp lý còn phải tính đến diện tích, vị trí để dự án được mua phù hợp nhu cầu TĐC. “Về cơ cấu diện tích căn hộ không đáng lo. Chẳng hạn, tiêu chuẩn TĐC theo quy định, một hộ dân có thể chỉ được mua căn hộ rộng 40m2 nhưng nếu họ có điều kiện về tài chính và có nhu cầu thì họ có thể bỏ thêm tiền mua căn hộ lớn 80 hay 100m2. Chúng ta nên thay đổi quan niệm, cần coi nhà TĐC như nhà ở thương mại cả về chất lượng lẫn điều kiện sống”, ông Tuấn nói. Theo ông, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ được giới hạn ở mức 10%, đây cũng là mức lợi nhuận mà các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội được hưởng. Sẽ có các cơ chế để giảm trừ giá thành căn hộ để người mua chấp nhận được như, giảm tiền sử dụng đất, tính toán các chi phí hợp lý do doanh nghiệp bỏ ra. Trong trường hợp này doanh nghiệp bán không thể mong lợi nhuận cao và người dân cũng không dại gì mua nhà với giá cao để ở”, ông Tuấn nói.
Cửa thoát cho doanh nghiệp?
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, giữa lúc thị trường BĐS khó khăn như hiện nay, việc đề xuất mua nhà từ các dự án thương mại để phục vụ TĐC được xem như một lối thoát. “Nhiều doanh nghiệp đang sống dở, chết dở, vì thị trường BĐS đóng băng kéo dài. Việc mua nhà ở thương mại để bổ sung cho quỹ nhà TĐC là cách làm mang lại hai lợi ích. Thứ nhất, TP chủ động hơn trong việc đáp ứng quỹ nhà TĐC. Thứ hai, sẽ giúp DN vượt qua được giai đoạn khó khăn này để có vốn tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh. Đây cũng chính là lúc doanh nghiệp và Nhà nước cùng nhau chia sẻ khó khăn”, đại diện một doanh nghiệp nói.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp băn khoăn liệu đề xuất này có khả thi khi mà tiền mua nhà là tiền ngân sách, nên thành phố sẽ phải tính toán kỹ về giá thành, chi phí hợp lý cũng như các cơ chế thông thoáng để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nhà thương mại là nhà xây xong rồi, chất lượng tốt, nếu mua lại để phục vụ TĐC thì quá tốt. Nhưng cơ chế duyệt giá, quyết toán làm sao cho hợp lý và nhanh là một vấn đề. Bởi các thủ tục liên quan đến vốn ngân sách thường phức tạp, không được giải quyết nhanh, trong khi dự án nhà thương mại, doanh nghiệp phải chịu lãi suất ngân hàng khi vay vốn và còn nhiều khoản chi phí khác nữa”, ông Trần Văn Can, Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 5 (Handico 5), nói.
Theo ông Lê Ngọc Ước, Phó giám đốc Cty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera, việc mua lại nhà từ các dự án thương mại để phục vụ TĐC, quan trọng nhất là thủ tục đơn giản, cơ chế rõ ràng. “Không chỉ đối với các dự án nhà thương mại đã xây xong, mà doanh nghiệp sẽ làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Có thể, Nhà nước phải đặt đầu bài doanh nghiệp và sẽ giới thiệu các vị trí. Chẳng hạn, chỉ khống chế mức lợi nhuận 10% của doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này. Còn người TĐC cũng có nhiều nhu cầu, không ai giống ai nên bên GPMB phải lập được danh sách người TĐC có nhu cầu nhà ở thuộc phân khúc nào, bình dân hay cao cấp. Có thế mới xóa được tâm lý về chất lượng của các dự án TĐC lâu nay”, ông Ước nói.
Nhu cầu lớn
Theo Sở Xây dựng TPHCM, thành phố đã và đang triển khai nhiều dự án lớn như: Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài cần TĐC hơn 3.000 hộ dân; khu đô thị mới Thủ Thiêm: hơn 10.400 hộ dân... Theo thống kê, đến năm 2015, TPHCM sẽ thực hiện 498 dự án với số hộ dân bị ảnh hưởng gần 120.000. Trong đó, có 191 dự án đang triển khai dở dang trong giai đoạn 2006-2010 chuyển sang với số hộ dân có nhu cầu TĐC là 38.246 hộ, 307 dự án mới với tổng số hộ bị ảnh hưởng ước tính là 77.706 và có hơn một nửa số hộ này có nhu cầu được bố trí tái định cư. Như vậy, đến năm 2015, TPHCM cần giải quyết TĐC cho hơn 83.000 hộ dân.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín trao đổi với Hiệp hội về chủ trương mua căn hộ dự án làm nhà ở TĐC. Hiệp hội cũng nhận được thông tin từ lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM về việc mua lại các căn hộ có quy mô hợp lý để làm quỹ nhà TĐC. Quan điểm của UBND TPHCM là khi mua sẽ đảm bảo doanh nghiệp có lãi.
Mua trên 100 căn hộ phục vụ tái định cư
Ngày 9-3, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương cho phép UBND quận Thủ Đức nhận chuyển nhượng từ 120-150 căn hộ trong dự án Khu căn hộ cao tầng Lan Phương (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) phục vụ TĐC cho các dự án Đại học Quốc gia, đường Vành đai ngoài và các dự án công ích trọng điểm khác ở quận Thủ Đức giai đoạn 2012 - 2015.
Huy Thịnh
Nguyễn Tú - Huy Thịnh
Hãy để giá nhà về đúng giá trị thực, khi đó hãy đề xuất việc mua nhà chung cư làm quỹ nhà tái định cư. Những đề xuất trên tôi thấy bóng dáng của ý định cứu các Doanh nghiệp BĐS hơn là mục đích giúp người thu nhập thấp. Đã một thời gian dài giá nhà đất bị giới đầu cơ và cả doanh nghiệp đẩy lên tận mây xanh. Cũng từ cái giá trên mây đó mà việc đầu tư họ chẳng quan tâm mấy đến tiết giảm chi phí, dẫn đến giá đã tăng từ khi đầu tư một cách phóng tay quá đầu. Đến nay, giá cao, dân không thể tiếp cận thì họ lại muốn có cơ chế của Nhà nước để cứu vãn tình hình. Những lúc lợi nhuận đến 30-40% họ đã hỗ trợ Nhà nước được những gi? Cho nên theo tôi, nên để cho giá BĐS xuống đến giá trị thực, khi những người hưởng lương ở mức khá có thể mua được.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét