Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

11:01
Tiếng nói từ “sọt rác” lịch sử*
Một bình luận sai lệch về Nghị quyết Trung ương 4

QĐND - Ngay sau khi Đảng ta mở Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” (gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 4) thì ông Bùi Tín đang sống lưu vong ở Pháp lại xăng xái viết liền hai bài báo tung lên blog và đăng ở một số tờ báo điện tử của nước ngoài.

Phải nói ngay rằng, Nghị quyết Trung ương 4 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, kể cả đồng bào ta đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Nghị quyết vừa ban hành đã có hàng nghìn ý kiến tâm huyết gửi về Ban Chấp hành Trung ương, các cơ quan báo chí, vừa biểu lộ sự đồng tình, ủng hộ vừa nêu lên những trăn trở, băn khoăn, thậm chí là cả lo lắng cho nhiệm vụ hệ trọng này của Đảng, nhưng hầu hết đều bày tỏ tình cảm chân thành, mong muốn Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.
Bài viết của ông Bùi Tín thiếu khách quan, thiếu trung thực nên đã đưa ra những cách nhìn nhận và bình luận sai lệch. Do thiếu thông tin mà cũng có thể do thiếu một cái tâm sáng, nên ông đã không nhận ra, hoặc cố tình không nhận ra những điểm mới trong quan điểm, nội dung, các bước tiến hành, đặc biệt là quyết tâm rất cao của Đảng ta trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" . Ở bài viết “Quyết tâm để đi đến đâu?” ông “phán” bừa rằng: “Nghị quyết Trung ương 4 xem ra “không có gì mới, vẫn là đường mòn xưa”. Nếu nghiên cứu kỹ Nghị quyết thì có thể thấy ngay rằng, 4 nhóm giải pháp được Ban Chấp hành Trung ương xây dựng rất công phu, bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp giữa “chống và xây”, “xây và chống”. Và đây cũng là lần đầu tiên Đảng ta quy định, chỉ ra cụ thể về đối tượng, thời gian các bước tiến hành thực hiện tự phê bình và phê bình, như: “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp Trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thực sự gương mẫu cho cấp dưới noi theo…”. Có chăng chính những lời bình luận của ông mới là "không có gì mới", "vẫn là cái nhìn sai lệch như xưa" .
Trong bài viết của mình, ông Bùi Tín có khuyên Đảng ta phải nghe ý kiến đóng góp của những người mà ông cho rằng là những “trí thức yêu nước” như ông Trần Lâm, Nguyễn Thanh Giang… để “nhất thiết phải đổi mới hệ thống cầm quyền, từ độc đảng sang đa đảng…”. Chẳng ai lạ gì những lời khuyên xưa cũ này của ông. Theo những ý kiến này thì dẫn đến xóa bỏ Đảng Cộng sản chứ đâu phải là xây dựng Đảng? Làm như vậy là làm cho Đảng sụp đổ chứ đâu phải là làm cho Đảng mạnh lên? Ông nói đường lối chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI mới là “vấn đề quan trọng hơn, sinh tử hơn cho Đảng Cộng sản và chế độ” so với suy thoái về đạo đức, nhân cách, lối sống của đảng viên. Ý ông là Đảng phải thay đổi đường lối theo một hướng khác? Có thể do ông thiếu thông tin trong nước, không được tận mắt chứng kiến những đổi thay của đất nước từ công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo nên suy nghĩ như vậy. Ông cũng cho rằng, chỉ có chế độ đa đảng thì mới xây dựng được đạo đức làm người, mới xây dựng được lối sống trong sạch, lành mạnh, thanh liêm, thanh bạch. Ông cố tình lờ đi một thực tế là ở các nước tư bản mà điển hình như nước Mỹ đầy rẫy những mâu thuẫn bắt nguồn từ chính bản chất của chế độ này mà rõ nhất là sự phân hóa giàu nghèo, khoảng cách giữa những người bóc lột và người bị bóc lột. Tại Mỹ, 1% dân số là người giàu đã chiếm tới 25% trong tổng số 14,5 nghìn tỷ USD GDP của đất nước (thống kê cuối năm 2011). Riêng phố Uôn, nơi được coi là trung tâm tài chính toàn cầu thì 1% người giàu đã chiếm giữ tới 99% số tiền ở phố Uôn. Và đó là nguyên nhân dẫn đến làn sóng biểu tình với khẩu hiệu “chúng tôi là 99%” của những người nghèo phản đối sự tham lam tới vô độ của những ông chủ ngân hàng, của những nhà tài phiệt. Hiện phong trào này đang lan rộng ra tới hơn 80 quốc gia khác, hậu quả rất lớn, chưa khắc phục được. Quy luật phân chia tài sản, dẫn đến phân hóa giàu-nghèo như thế có phải là nền móng của đạo đức xã hội không?
Do công việc, tôi được tham dự Hội nghị cán bộ quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội từ ngày 27 đến ngày 29-2, nên khi đọc bài “Chấn chỉnh Đảng hay khủng bố đảng viên?” của ông Bùi Tín tôi thấy buồn cười khi ông viết: “Trong cuộc họp, tất cả mới chỉ là trên dội xuống, trên phổ biến chỉ thị và hướng dẫn, dạy bảo, lên lớp cho dưới… tại hội nghị đoàn chủ tịch không khuyến khích người tham dự phát biểu, cảm thấy có rất nhiều câu hỏi vướng mắc rất khó trả lời trôi chảy…”. Thực tế thì Bộ Chính trị đã quyết định dành hơn nửa thời gian hội nghị để lắng nghe, tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp, nhất là ý kiến của các đại biểu không phải là Ủy viên Trung ương, lãnh đạo ở các địa phương, các cấp, các ngành. Có tới gần 700 lượt ý kiến phát biểu ở 40 tổ, theo 6 nhóm vấn đề. Bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp giải đáp các ý kiến, kể cả những ý kiến khá “hắc búa” như khái niệm “lợi ích nhóm; “tư duy nhiệm kỳ” được thể hiện trong Nghị quyết… Nhiều ý kiến cho rằng đây là “Hội nghị Diên Hồng về xây dựng Đảng”… Vậy là ông nói lấy được, chẳng cần dựa trên thực tế nào cả!
Để kết thúc bài viết này xin nhấn mạnh thêm để ông hiểu rằng, công tác xây dựng Đảng được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, nhưng đây cũng là việc cần làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, vì vậy cần có một thái độ bình tĩnh, tỉnh táo, kiên quyết nhưng kiên trì, không nóng vội, cực đoan và cũng không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ. Mục đích của Nghị quyết là làm cho Đảng mạnh lên, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng chứ không phải làm cho Đảng sụp đổ như thế lực thù địch mong muốn.
Bình luận như ông Bùi Tín thì ai mà tin được?
Huy Thiêm (*Tựa đề phụ của Thương Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét