10:01
Ý đồ "chia để trị" của Trung Quốc tại biển Đông
TuanVietNamnet- Các nước Đông Nam Á đòi chủ quyền tỏ ra không hài lòng với kiểu khăng khăng với cách tiếp cận song phương của Trung Quốc. Vì Trung Quốc là bên liên quan mạnh nhất, các nước khác e là nước này đang cố ý "chia để trị" và sẽ mạnh hơn trong các cuộc thương lượng song phương. Hơn nữa, Trung Quốc chỉ ủng hộ các cuộc đối thoại song phương khi họ là một bên liên quan.
Chính sách song phương của Trung Quốc với các nước đòi chủ quyền khác. Trung Quốc nhấn mạnh rằng tranh chấp biển Đông chỉ có thể được giải quyết thông qua các đối thoại song phương, dù vấn đề mang bản chất đa phương. Mặc dù vậy, trong hai thập kỷ qua không hề diễn ra một cuộc đối thoại thực sự nào giữa Trung Quốc với bất kỳ quốc gia đòi chủ quyền nào tại Đông Nam Á, có thể vì sự bất cân bằng về quyền lực, sự thiếu chân thành từ phía Trung Quốc, sự thiếu vắng các cơ chế hiệu quả, và gần đây nhất là việc các bên chính có quan điểm ngày càng cứng rắn hơn. Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc thảo luận về tranh chấp với các đồng cấp Đông Nam Á tại các cuộc họp cấp cao, nhưng các tuyên bố cuối cùng của hội nghị thường không cụ thể và không đi xa hơn những tuyên bố chung chung về sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông.
Các nước Đông Nam Á đòi chủ quyền tỏ ra không hài lòng với kiểu khăng khăng với cách tiếp cận song phương của Trung Quốc. Vì Trung Quốc là bên liên quan mạnh nhất, các nước khác e là nước này đang cố ý "chia để trị" và sẽ mạnh hơn trong các cuộc thương lượng song phương. Hơn nữa, Trung Quốc chỉ ủng hộ các cuộc đối thoại song phương khi họ là một bên liên quan. Không có chuyện Chính phủ Trung Quốc sẽ thừa nhận hiệu lực hay tính pháp lý của một thỏa thuận qua thương lượng giữa hai hay nhiều nước Đông Nam Á liên quan đến các yêu sách lãnh thổ chồng lấn của họ tại biển Đông. Trung Quốc đã thể hiện điều này hồi tháng 5/2009, khi kịch liệt phản đối phúc trình chung của Malaysia và Việt Nam lên CLCS liên quan đến một khu vực đáy biển ở phía Nam biển Đông. Trong một giác thư của mình, Trung Quốc nhắc lại "chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với các quần đảo tại biển Đông và các vùng nước liền kề" và cho rằng phúc trình của Malaysia và Việt Nam đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại biển Đông" và kêu gọi ủy ban trên không xem xét phúc trình đó.
Trước mọi cuộc đàm phán song phương nghiêm túc, Trung Quốc đều muốn nhấn mạnh hai điều kiện: rằng chủ quyền của họ đối với các đảo trên biển Đông là không thể tranh cãi, và rằng các nước có yêu sách phải gạt sang một bên yêu sách chủ quyền của mình và cùng tham gia khai thác tài nguyên với Trung Quốc theo công thức của Đặng Tiểu Bình.
Trung Quốc đã tuyên bố như vậy về quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam cũng đòi chủ quyền đối với quần đảo này nhưng Bắc Kinh từ chối thảo luận vấn đề này với Hà Nội với lý do việc họ chiếm đóng quần đảo này năm 1974 đã khép lại vấn đề này. Tranh chấp Hoàng Sa vì vậy trở nên thực sự không thể thương lượng.
Hơn nữa, Trung Quốc chưa bao giờ nói rõ công thức của ông Đặng sẽ được thực thi như thế nào. Các câu hỏi lớn vẫn không có lời đáp, như Các hoạt động hợp tác thăm dò sẽ diễn ra ở đâu? Nước nào sẽ tham gia? Đài Loan có được phép tham gia hay không? Và chi phí và lợi nhuận sẽ được chia sẻ như thế nào?
Vào năm 2005, Trung Quốc , Philippines và Việt Nam đã nhất trí hợp tác thăm dò địa chấn trong ba năm về biển Đông, mang tên Thỏa ước hợp tác thăm dò địa chấn biển (JMSU). Tuy nhiên, trước khi nghiên cứu này được thực thi, JMSU đã trở thành chủ đề của một cuộc tranh cãi chính trị tại Philippines khi họ phát hiện rằng một số hoạt động thăm dò được tiến hành ở ngoài khơi Philippines, vi phạm hiến pháp nước này. Thỏa thuận này đã hết hiệu lực vào tháng 6/2008 và không được gia hạn thêm.
Triển vọng hợp tác khai thác càng ít khả thi sau khi Trung Quốc trình bản đồ có vẽ đường 9 đoạn lên CLCS năm 2009. Cả Việt Nam và Philippines đều nhận thấy rằng bản đồ của Trung Quốc không có cơ sở luật pháp quốc tế và không thể trở thành căn cứ cho một thỏa thuận hợp tác khai thác tài nguyên vì nó bao chùm trên 80% diện tích biển Đông - bao gồm các khu vực chồng lấn với EEZ của họ. Hai nước này cho rằng hợp tác khai thác chỉ có thể diễn ra tại các khu vực được tất cả các bên thừa nhận là đang có tranh chấp. Nhưng lại rất khó phân định giữa các khu vực có tranh chấp và không thể tranh cãi, chừng nào Trung Quốc chưa nói rõ các yêu sách của mình.
Bất chấp các chướng ngại lớn này, Philippines gần đây đã đề nghị một nỗ lực hợp tác khai thác mới gọi là Vùng Hòa bình, Tự do, Bằng hữu và Hợp tác (ZoPFF/C). Đó là một tiến trình gồm hai bước. Đầu tiên là tách biệt các khu vực đang tranh chấp như quần đảo Trường Sa khỏi các khu vực mà Philippines không coi là có tranh chấp, như các vùng bờ biển và thềm lục địa. Như đã nói ở trên, Manila cho rằng các yêu sách của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ khu vực biển Đông là không có hiệu lực và họ định khởi kiện bản đồ đường 9 đoạn của Bắc Kinh tại ITLOS. Thứ hai, các nước có yêu sách sẽ rút các lực lượng quân sự của mình khỏi các đảo đang chiếm đóng và thiết lập một khu vực hợp tác chung để quản lý tài nguyên biển.
Các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí xem xét kế hoạch này của Philippines vào tháng 7/2011, và đến tháng Chín, một cuộc họp của đại diện pháp lý từ các nước thành viên đã kết luận rằng đề xuất của Philippines có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối ZoPFF/C. Báo chí đưa tin họ đã thể hiện sự phản đối tại hội nghị của các chuyên gia tư pháp ASEAN, và các bài xã luận trên báo chí nhà nước đã nhạo đề xuất này là một "trò lừa đảo" và cáo buộc Philippines không chân thành. Thiếu sự ủng hộ của Trung Quốc, đề xuất trên có ít cơ hội trở thành hiện thực.
Trong số 6 nước có đòi hỏi chủ quyền, chỉ Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập một cơ chế chính thức đề giải quyết tranh chấp. Năm 1994, hai nước này đã thành lập một nhóm làm việc chung để thảo luận về các tranh chấp tại biển Đông. Các cuộc thương lượng song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đã giải quyết thành công các tranh chấp, trong đó có các vấn đề liên quan biên giới trên bộ và tại vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, quá trình giải quyết tranh chấp tại biển Đông đã bị đóng băng, chủ yếu vì Trung Quốc từ chối thảo luận về quần đảo Hoàng Sa, và vì cả hai bên đều không muốn thỏa hiệp các yêu sách chủ quyền của mình. Tuy nhiên, quá trình này đã được nối lại.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5/2011, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn cho biết hai bên đã tiến hành 5 vòng đàm phán nhằm thiết lập "các nguyên tắc hướng dẫn" về một giải pháp cho tranh chấp này. Hai vòng đàm phán đã diễn ra sau đó vào tháng 6 và tháng 8/2011, bất chấp căng thẳng gia tăng trong quan hệ Việt - Trung. Truyền thông Việt Nam đưa tin một "thỏa thuận sơ bộ" đã đạt được trong vòng đàm phán thứ 7 vào tháng 8/2011. Nhưng chi tiết của "thỏa thuận" này vẫn mập mờ và chỉ nhắc lại cam kết của hai bên đối với DOC, tầm quan trọng của việc tránh các hành động có thể "làm phức tạp thêm" tranh chấp, và cam kết không sử dụng vũ lực. Tuy nhiên cuối tháng đó, các quan chức quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí tiếp tục "các cuộc tham vấn và thương lượng".
Trung Quốc chưa thiết lập một cơ chế ngoại giao chính thức để thảo luận về biển Đông với Philippines , Malaysia hay Brunei . Philippines đang tiến hành các cuộc đối thoại an ninh và quốc phòng thường niên với Trung Quốc, nhưng không rõ liệu tranh chấp tại biển Đông có được nói tới trong các cuộc họp này hay không. Tổng thống Philippines Benigno Aquino gần đây đã bác bỏ các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp này, thay vào đó muốn đưa các yêu sách của Philippines lên ITLOS. Malaysia dường như thuận hơn trong các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy các cuộc thảo luận thực sự đã được diễn ra giữa hai nước này. Giữa Trung Quốc với Brunei cũng vậy.
Châu Giang dịch từ CNAS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét