09:45
Ngân hàng giảm lãi suất:
Doanh nghiệp trả nợ cũ để vay mới
TT - Sau chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 7-3 các ngân hàng đã áp dụng lãi suất cho vay đối với các kỳ hạn ngắn, mức giảm trung bình khoảng 1%/năm. Trong khi đó, đang diễn ra xu hướng doanh nghiệp trả nợ cũ để vay nợ mới.
Doanh nghiệp vẫn đang chờ lãi suất cho vay thực giảm mới dám vay vốn đầu tư. Trong ảnh: khách hàng giao dịch tại MaritimeBank - Ảnh: Thanh Đạm |
Chỉ giảm kỳ hạn ngắn
Ông Đỗ Minh Toàn, phó tổng giám đốc NH Á Châu, cho biết NH này đã áp dụng biểu LS cho vay mới, giảm nhẹ so với trước đó nhưng chỉ áp dụng trong ba tháng đầu tiên của hợp đồng. Việc giảm LS cho vay trong ba tháng đầu tiên dựa trên thị trường gần đây đã có chuyển biến tốt, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Kỳ hạn dài hơn thì còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường.
Theo ông Trịnh Văn Tuấn - tổng giám đốc NH Phương Đông, đã xuất hiện xu hướng doanh nghiệp trả nợ cũ để vay mới nhằm hưởng LS thấp hơn hoặc tìm cách thương thảo LS với NH. Ông Tuấn cho biết trong hợp đồng tín dụng có quy định một số điều khoản, trong đó có việc chính sách của NH có thể thay đổi theo từng thời kỳ, do vậy nhiều doanh nghiệp đã dựa vào điều kiện này để thương thảo LS với NH. “Trước đây trong giai đoạn căng thẳng NH có thể quy định LS cho vay thả nổi, hoặc bằng LS kỳ hạn 12 tháng cộng với biên độ 6-7%/năm, nhưng trong giai đoạn hiện nay chỉ cần chênh lệch khoảng 4%/năm thì NH cũng đã có lãi” - ông nói.
Ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc NH Vietcombank, cũng thừa nhận thực tế sau khi NH giảm LS cho vay, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách trả nợ cũ để vay lại với LS thấp hơn 1-2%/năm. Do vậy, dù NH vẫn cho vay nhưng tín dụng hai tháng đầu năm hầu như không tăng so với cuối năm 2011. Tại nhiều NH khác, tín dụng trong hai tháng đầu năm tăng không đáng kể. Cũng theo các NH, trước đây khi LS theo xu hướng tăng, các doanh nghiệp muốn cố định LS kỳ hạn càng dài càng tốt nhưng nay thì ngược lại, các doanh nghiệp đều yêu cầu kỳ hạn thay đổi LS ngắn để có thể được hưởng LS thấp.
Chờ LS giảm mới dám đầu tư
Trong khi đó theo các doanh nghiệp, việc giảm LS cho vay là điều kiện tiên quyết để giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, đồng thời mở rộng sản xuất kinh doanh. Ông Cao Tiến Vị, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, cho rằng việc giảm trần LS huy động của NH Nhà nước vẫn chưa thể làm doanh nghiệp yên tâm, cần một thời gian để xem quyết định đó có đi vào thực tiễn cuộc sống hay không.
“Doanh nghiệp chúng tôi cũng vừa bị tăng LS 1-2% so với mức vay cũ, trong khi thông điệp từ chính NH Nhà nước phát ra là giảm LS cho vay”, ông Vị nói. Cũng theo ông Vị, ngay cả các chính sách ưu đãi LS lên đến hàng nghìn tỉ đồng mà một số NH tung ra, doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Ông Vị cho rằng nếu giảm trần LS mà LS cho vay vẫn ở mức ngoài 20% như hiện nay thì không cách gì doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất được.
Ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến (Miti), cho rằng thông tin NH Nhà nước hạ trần LS huy động là một tín hiệu tích cực, nhưng doanh nghiệp không biết khi nào LS cho vay mới hạ. Theo ông Kiên, doanh nghiệp chỉ có thể yên tâm đầu tư, tái đầu tư khi LS cho vay xoay quanh mức 14%/năm “vì chỉ ở mức LS này doanh nghiệp mới có thể tạo ra lợi nhuận, đạt hiệu quả kinh doanh tốt”.
Riêng bản thân Miti, ông Kiên cho hay do mặt bằng LS cho vay quá cao nên toàn bộ các dự án đầu tư mở rộng nhà xưởng của công ty đã được tạm ngưng triển khai từ năm ngoái. Việc doanh nghiệp này có tiếp tục khởi động lại các dự án kinh doanh của mình hay không, theo ông Kiên, phụ thuộc rất lớn vào mặt bằng LS cho vay của các NH trong thời gian tới.
Giảm lãi suất, cần tạo niềm tin cho người gửi tiền Theo ông Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN, việc NH Nhà nước tuyên bố giảm trần LS huy động là một tín hiệu rất tích cực, nhất là đối với việc tạo dựng niềm tin cho người dân về khả năng kiềm chế và kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Người dân thấy được tình hình lạm phát được kiểm soát, các giải pháp điều hành của Chính phủ phát huy tác dụng thì mới mạnh dạn gửi tiền vào NH. Cũng theo ông Thiên, từ thông điệp này, doanh nghiệp có thể kỳ vọng mặt bằng LS cho vay trong thời gian tới sẽ được thay đổi. Tuy nhiên, cần phải có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để kéo lạm phát xuống mức thấp hơn nữa, chỉ như vậy doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn vay với mức LS thấp. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét