09:10
ĐƯỜNG CÀNG HƯ, PHÍ CỨ THU!
Tận thu phí giao thông
Dù đường sá xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông nhưng các trạm thu phí vẫn không ngừng hoạt động ngày nào trong nhiều năm qua
Theo thống kê, Quốc lộ 14 dài 350 km nhưng dày đặc trạm thu phí giao thông. Toàn tuyến có đến 8 trạm thu phí: Tỉnh Đắk Nông 2 trạm: Đắk Gằn, Kiến Đức; tỉnh Bình Phước 2 trạm: số 2, Tân Lập; tỉnh Bình Dương 3 trạm: Bố Lá, Suối Giữa, Vĩnh Phú...
Phí vẫn tăng, mặc đường hư!
Cũng trên Quốc lộ 14, khoảng cách giữa các trạm thu phí có nơi chỉ chưa đầy 10 km như từ trạm Vĩnh Phú đến trạm Bình Triệu 2 - TPHCM. Ước tính, mỗi ngày, 8 trạm trên tuyến quốc lộ này thu xấp xỉ 1 tỉ đồng phí giao thông.
Đầu năm 2012, UBND tỉnh Bình Phước đã làm việc với các nhà đầu tư nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp để hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh này. Các nhà đầu tư nại lý do lãi suất cao, giá vật tư, nhiên liệu, chi phí công nhân đều tăng vọt, nếu làm tiếp sẽ lỗ nên thi công cầm chừng. Thế nhưng, mới đây, 2 Công ty CP Đức Phú Gia Lai và Đức Thành Gia Lai còn đề nghị tăng mức thu phí giao thông và được tỉnh Bình Phước đồng ý!
Tại Khánh Hòa, đoạn Quốc lộ 1A đi qua tỉnh này chỉ dài 152 km nhưng cũng có đến 2 trạm thu phí là Ninh An và Cam Thịnh Đông. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa, trung bình mỗi tháng có gần 50.000 lượt xe qua mỗi trạm, số phí giao thông thu được là không nhỏ nhưng đoạn đường này ngày càng xuống cấp.
Năm 2011, tỉnh Khánh Hòa bố trí ngân sách địa phương 382,5 tỉ đồng để xây dựng 14,4 km và nâng cấp 235,6 km đường giao thông nội tỉnh. Còn Quốc lộ 1A, nơi có 2 trạm thu phí vẫn ngày ngày tận thu phí giao thông, việc sửa chữa thuộc trách nhiệm của Công ty CP Quản lý - Xây dựng đường bộ Khánh Hòa (thuộc Khu Quản lý đường bộ V ở Đà Nẵng). Ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho rằng số tiền thu được ở 2 trạm khoảng 70 tỉ đồng/năm nhưng vẫn không đủ để xây dựng, bảo trì Quốc lộ 1A vì chi phí làm đường theo tiêu chuẩn 6 làn xe phải tốn gần 25 tỉ đồng/km (?).
Vẫn than thiếu tiền
Ông Nguyễn Xuân Tuyến, Trưởng Trạm thu phí Bàn Thạch - Phú Yên trên Quốc lộ 1A, cho biết trung bình mỗi ngày có 2.800 - 3.500 xe qua đây, phí thu được hơn 100 triệu đồng. Số tiền thu phí giao thông cao nhưng việc đầu tư sửa chữa Quốc lộ 1A hằng năm lại rất thấp. Trong năm 2011, Công ty TNHH Quản lý - Sửa chữa đường bộ Phú Yên được phân bổ 10 tỉ đồng từ nguồn… khắc phục bão lụt để sửa chữa Quốc lộ 1A. “UBND tỉnh và sở GTVT tỉnh Phú Yên đã nhiều lần đề nghị nhanh chóng duy tu, sửa chữa Quốc lộ 1A, đoạn qua Phú Yên, nhưng Bộ GTVT cho biết chưa cân đối được kinh phí” - ông Võ Ngọc Kha, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, nói.
Theo các ngành chức năng tỉnh Phú Yên, việc quản lý trạm thu phí Bàn Thạch có nhiều bất cập. Trước đây, trạm này thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Quản lý - Sửa chữa đường bộ Phú Yên. Cuối năm 2009, Bộ GTVT tổ chức đấu thầu việc thu phí đường bộ và Công ty CP Điện máy Việt Long (trụ sở ở Hà Nội) trúng thầu, trực tiếp thu phí. Ông Kha cho biết Sở GTVT tỉnh Phú Yên hoàn toàn không quản lý được gì từ trạm thu phí này. Ông Trần Quang Lân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý - Sửa chữa đường bộ Phú Yên, phân trần: “Trạm thu phí này hoạt động độc lập, nộp ngân sách theo hợp đồng đấu thầu, trong khi đường hư thì dân lại trách công ty chúng tôi”.
Trong khi đó, trạm thu phí Sông Phan trên Quốc lộ 1A đặt tại tỉnh Bình Thuận nhưng lại thu phí cho cầu Đồng Nai. Theo ngành GTVT tỉnh Bình Thuận, địa phương chỉ được trích lại 2% từ nguồn thu này nên rất khó khăn về kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng Quốc lộ 1A.
Quá nhiều bất hợp lý Ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng trạm thu phí mọc dày đặc, bất hợp lý và tận thu đã trở thành chuyện bức xúc suốt nhiều năm qua. “Doanh nghiệp kêu ca, chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT nhiều lần nhưng đâu vẫn vào đó, số trạm bị xóa bỏ chỉ đếm được trên đầu ngón tay” - ông Toàn cho biết. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên phó cục trưởng Cục Đường bộ - Bộ GTVT, bộ đã không thực hiện nghiêm các quy định về việc xây dựng và đặt trạm thu phí. “Người dân bỏ tiền đóng phí qua trạm và có quyền được sử dụng sản phẩm có chất lượng. Bao nhiêu năm qua, các thủ tục dựng trạm, thời gian thu… chỉ có Bộ GTVT, Bộ Tài chính và doanh nghiệp đầu tư được biết, vậy là chưa công khai, minh bạch” - ông Thanh nhìn nhận. Ông Thanh đề nghị ngành giao thông rà soát lại một cách kỹ lưỡng, hệ thống các trạm thu phí đường bộ hiện nay để xóa bỏ những trạm bất hợp lý. T.Kha |
NHÓM PHÓNG VIÊN
Bắc thang lên hỏi ông trời:
Bỏ tiền đóng phí có đòi được không?
Xuống thang hỏi Bộ Giao thông:
Đóng bao nhiêu phí thì không tắc đường?
Phán rằng: Chuyện đó lẽ thường
Là dân thì đóng phí đường chứ sao?
Theo Đinh Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét