Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

08:40
Hạn chế nhập cư:
ĐÀ NẴNG PHẠM LUẬT?

Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật cho rằng phải xem xét toàn bộ nội dung Nghị quyết 23 của HĐND TP Đà Nẵng vì có nhiều nội dung trái luật

TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo kết quả kiểm tra đối với nội dung Nghị quyết 23/2011 về nhiệm vụ năm 2012 của HĐND TP Đà Nẵng. Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật cho biết tại cuộc họp gần đây, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) - Bộ Công an, Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ… đều khẳng định 4 nội dung được tiến hành kiểm tra trong Nghị quyết 23 của HĐND TP Đà Nẵng đều “có vấn đề”.
Không đủ cơ sở pháp lý
Điểm 9, khoản III, điều 1 Nghị quyết 23 quy định tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự. Sở Tư pháp TP Đà Nẵng lý giải việc đưa ra quy định này xuất phát từ thực tiễn Đà Nẵng có tốc độ gia tăng dân số ngày càng cao, dẫn đến tình trạng quá tải ở trường học, bệnh viện, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự diễn biến phức tạp.
Theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, hạn chế nhập cư là để thành phố không quá tải. Ảnh: KIM NGÂN
Tuy nhiên, ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng quy định được nêu trong Nghị quyết 23 không đủ cơ sở pháp lý và trái với quy định của pháp luật về cư trú. Đại diện C64 cũng khẳng định việc Đà Nẵng tạm dừng đăng ký thường trú với một số trường hợp và lập luận như trên là không thỏa đáng.
Về việc Đà Nẵng dẫn thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc “phân bố dân cư” và “quyết định biện pháp quản lý dân cư ở TP và tổ chức đời sống dân cư đô thị” để tạm dừng đăng ký thường trú với một số đối tượng, ông Luyến cho rằng dù áp dụng biện pháp nào cũng cần phải hợp với Luật Cư trú. Đại diện Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ thì nhấn mạnh: Quy định được nêu trong Luật Tổ chức HĐND và UBND là thẩm quyền chung, khi HĐND đưa ra nghị quyết để quy định cụ thể một số nội dung nào đó thì phải tuân thủ các luật ban hành sau và quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực.
Xem xét toàn bộ nội dung Nghị quyết 23
Nghị quyết 23 của HĐND TP Đà Nẵng cũng quy định tạm dừng đăng ký mới đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Ngoài hình thức phạt tiền, áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở cầm đồ vi phạm pháp luật, những cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, quán cà phê… vi phạm an ninh trật tự, gây tiếng ồn vượt quá giới hạn, làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Quy định này theo nhiều chuyên gia cũng không có cơ sở pháp lý. Đại diện Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) khẳng định việc HĐND TP Đà Nẵng quy định về biện pháp xử phạt hành chính đối với một số hoạt động nêu trên là không đúng thẩm quyền. Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì thẩm quyền này thuộc Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
HĐND TP Đà Nẵng thống nhất xử phạt nặng học sinh chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe gắn máy và đề xuất tạm giữ xe 60 ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp luật khẳng định việc làm này của HĐND TP Đà Nẵng vừa không đúng thẩm quyền vừa trái với quy định của Chính phủ về thời hạn tạm giữ phương tiện.
Ngoài ra, quy định từ năm 2012, Đà Nẵng nghiêm cấm việc chuyển nhượng chung cư cho người khác, nếu vi phạm sẽ bị cưỡng chế thu hồi cũng được đưa ra xem xét. Theo các chuyên gia, nếu khái niệm chung cư mặc định nằm trong “Chương trình có nhà ở” thuộc sở hữu Nhà nước thì việc nghiêm cấm của Đà Nẵng là có cơ sở. Tuy nhiên, việc HĐND TP Đà Nẵng quy định như vậy chưa thực sự phù hợp đối với một số trường hợp dù đó là nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
Sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 29-2, ông Đặng Đình Luyến cho biết Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ có cuộc họp để nêu quan điểm chính thức về việc này, sau đó sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật cho rằng nếu Đà Nẵng thấy còn có những điểm chưa phù hợp thì có thể kiến nghị cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, khi chưa sửa đổi thì vẫn phải nghiêm chỉnh thực hiện để bảo đảm  hiệu lực của pháp luật và kỷ cương hành chính. Cục cũng đề nghị HĐND TP Đà Nẵng kiểm tra và xử lý những nội dung trái luật nêu trên.
THẾ KHA
(Tựa đề của Thương Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét