07:53
Lúng túng dập dịch tay chân miệng
(Dân Việt) - Bệnh tay chân miệng (TCM) đã gia tăng cao gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, các địa phương vẫn ra rả tuyên truyền theo kiểu "nước đổ lá khoai".
Mỗi tuần thêm 2.000 ca mắc mới
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính đến ngày 4.3, cả nước ghi nhận 12.442 trường hợp mắc TCM tại 60 địa phương, trong đó có 11 trường hợp tử vong tại 8 tỉnh. So với cùng kỳ năm 2011, số mắc tăng 7,46 lần, tử vong tăng 11 trường hợp. Khi vực miền Nam có số mắc cao nhất 6.463 trường hợp; kế tiếp là miền Bắc ghi nhận 3.711 trường hợp mắc. Về tử vong khu vực miền Nam ghi nhận số trường hợp tử vong cao nhất 9 trường hợp.
Như vậy, cho dù ngay đầu năm, Bộ Y tế đã thành lập 12 đoàn kiểm tra, gắt gao chỉ đạo các tỉnh, thành phố tuyên truyền, giám sát để hạn chế lây lan dịch, tổ chức Lễ phát động phòng chống TCM trong toàn quốc vào đầu tháng 3, nhưng dịch vẫn không hề có dấu hiệu giảm bớt. So với 6 tuần đầu năm (hơn 6.300 trường hợp) thì chỉ trong 3 tuần gần đây, số lượng trẻ mắc TCM đã tăng gần gấp đôi, mỗi tuần hơn 2.000 ca mắc mới.
Hiện nay, Đà Nẵng cũng đã có hơn 330 ca mắc TCM, cao gấp 2 lần cùng kỳ năm 2011, trong đó có 1 ca tử vong. Theo ông Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế, Đà Nẵng đã tập trung các ca bệnh nặng tại Trung tâm Phụ sản - Nhi, phân loại bệnh nhân theo nhóm để có sự điều trị tích cực, kịp thời, tránh tử vong. Một số trường hợp TCM nặng từ Quảng Nam , Quảng Ngãi cũng được chuyển về đây điều trị.
Hải Phòng cũng là nơi tập trung 60% trường hợp mắc TCM của miền Bắc với hơn 1.400 ca, không có tử vong. Ông Phạm Trọng Khánh - Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, 6 tuần đầu năm các ca tập trung chủ yếu ở quận nội thành, hiện nay đã lan ra ngoại thành như huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên… Đáng chú ý là các ca mắc TCM có túyp virus cực độc là EV 71 khá cao.
Nước đổ lá khoai
"Chưa có dịch bệnh nào mà anh em lại vất vả, rát cổ bỏng họng để tuyên truyền đến như vậy. Người lớn đang làm hại trẻ em và cộng đồng vì hành vi của mình, trong khi ngành y tế thì gồng mình lên để chống chọi dịch bệnh" - ông Khánh - Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết. Sở đã tuyên truyền rất sát sao theo đúng các khuyến cáo của Bộ Y tế tới từng nhà, từng người. Nhưng vào nhà dân xem họ có thực hiện không thì lại thấy công sức đổ xuống sông xuống bể. Nhiều người vẫn vò đầu: "Việc thực hiện không khó nhưng không thể thường xuyên được".
Lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho biết: "Đã tuyên truyền nhiều lần, tập huấn đi tập huấn lại nhưng không ít cơ sở vẫn lúng túng". Thực tế khi sở đi kiểm tra, nhiều nhà trẻ, các cô giáo vẫn như "gà mắc tóc" trong việc xử lý khi trường, lớp mình có ca mắc bệnh. Việc thực hiện khuyến cáo rửa chân tay, vệ sinh đồ chơi, trường lớp cũng không được thực hiện thường xuyên.
“Việc dập dịch TCM khó khăn là vì tỷ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao tới 71%, tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp...”
TS Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
Ông Lê Hoàng San - Phó Viện trưởng Viện Paster TP. Hồ Chí Minh cho biết, ý thức cộng đồng là một vấn đề rất khó lay chuyển. Cho dù các đoàn thể, cán bộ địa phương đã tuyên truyền cụ thể, đến tận trường học, tận nhà, tờ rơi phát cho từng người nhưng việc người lớn vẫn không thực hiện. Thử hỏi đã có bao nhiêu người lớn rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh? Bao nhiêu bà mẹ rửa chân, tay, vệ sinh đồ chơi cho con nhiều lần trong ngày bằng xà phòng?
Ông San cho biết, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Quyết định về điều kiện công bố dịch đã có, tuy nhiên các điều kiện vẫn chưa cụ thể nên mỗi người, mỗi tỉnh vẫn hiểu theo cách khác nhau, chính vì thế, nhiều nơi vẫn lúng túng chưa biết thế nào thì nên công bố dịch.
TS Nguyễn Thế Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư từng dự báo: Số ca mắc TCM năm 2012 có thể sẽ tương đương năm 2011 (khoảng 110.000 ca). Nhưng với tốc độ lây lan bệnh TCM như hiện nay, còn các địa phương vẫn ra rả tuyên truyền mà hiệu quả chưa cao, có lẽ đã đến lúc dự đoán tới con số lớn hơn gấp nhiều lần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét