Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

01:16
Quan có đức, có tài thì nước thịnh 
"Quan có đức, có tài thì nước thịnh.
Quan kém đức, bất tài là thềm, bậc dẫn đến họa, loạn!”

Suốt trong 38 năm trị vì, vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) thường nhắc đi nhắc lại câu nói trên để răn dạy các quan. Không dừng lại ở lời nói, ông còn luôn suy nghĩ, tìm tòi đề ra những chủ trương, chính sách, biện pháp mang tính hệ thống để thực thi quan điểm đã nêu vào cuộc sống.

Dưới thời Lê Thánh Tông quan lại đều 
là những người vừa có học lại vừa có đức.
Ảnh minh họa: Internet

Có thể phân loại các chủ trương, chính sách của nhà Vua với quan lại thành bốn lĩnh vực: 1) Đào tạo, tuyển dụng; 2) Bổ nhiệm; 3) Bồi dưỡng, đãi ngộ; 4) Thanh tra, kiểm tra, giám sát.

I.Về đào tạo, tuyển dụng quan lại. Dưới thời Lê Thánh Tông trường tư được phép mở tự do. Đều đặn ba năm một lần, triều đình tổ chức thi hương, thi hội và thi đình. Thí sinh không bị hạn chế về độ tuổi, về thành phần xuất thân. Trong 38 năm trị vì, vua Lê Thánh Tông đã tổ chức được 12 khoa thi, đào tạo được 501 tiến sĩ, bằng một nửa số tiến sĩ của ba triều đại Lý, Trần, Hồ cộng lại (1000 tiến sĩ) trong 398 năm. Dưới thời Lê Thánh Tông mọi quan lại đều là những người vừa có học lại vừa có đức. Người ứng thi, trước hết, phải được xã quan chứng nhận là người có lễ giáo. Những kẻ điêu ngoa, gian xảo, bất kính, bất hiếu, bất trung, bất mục, dù văn hay, chữ tốt, đều bị loại. Với những người đã thi đỗ, nếu bị tố cáo và đã được điều tra xác thực là người vô hạnh thì cũng bị loại bỏ khỏi quan trường.

II.Về bổ nhiệm quan lại. Người đỗ thi hương, thi hội được bổ làm xã quan hoặc làm chức lại cấp huyện. Người đỗ thi đình thì được bổ làm quan cấp huyện, cấp tỉnh hoặc quan trong triều. Những người được bổ làm quan phải qua ba năm thí chức (tập sự). Trong ba năm thí chức, họ chỉ được hưởng 1/3 tiền lương. Sau ba năm thí chức, nếu được công nhận là xứng chức thì được cấp giấy bổ nhiệm chính thức và được hưởng đầy đủ các quyền lợi. Được coi là xứng chức khi trong hạt trị nhậm đạt được ba yêu cầu: 1) Dân số tăng; 2) dân sống sung túc; 3) phong tục, lễ giáo trong dân thuần hậu. Nếu dân trong hạt bỏ đi, trộm cướp nổi lên, thú dữ về quấy phá, phong tục kiêu bạc thì quan trị nhậm bị coi là không xứng chức, bị bãi chức, trở lại làm dân thường.

III.Về bồi dưỡng, đãi ngộ quan lại. Dưới thời vua Lê Thánh Tông có lệ khảo thi và khảo khóa. Khảo thi là khảo xét kiến thức. Cứ ba năm một lần, tất cả các quan đương chức đều phải dự khảo thi. Không một ai được miễn trừ. Ngay cả Lương Thế Vinh, người đỗ đệ nhất trạng nguyên năm 1463, khi làm quan có lần dự khảo thi đã làm thơ phạm luật. Ông bị vua trách mắng. Người đỗ trong các kỳ khảo thi được tiếp tục giữ chức. Nếu không đỗ thì bị phạt hoặc bị bãi chức. Khảo khóa là đánh giá năng lực thực hành. Đều đặn, ba năm một lần, mọi quan lại đều phải qua khảo khóa. Quan trị nhậm đạt được ba tiêu chí xứng chức thì được tiếp tục giữ chức và được khen thưởng. Suốt ba kỳ khảo khóa, trong 9 năm, viên quan nào được công nhận là xứng chức thì được đề bạt lên cấp cao hơn. Người có thành tích xuất sắc thì sẽ được ban thưởng hậu và được tăng phẩm hàm, chức tước sớm hơn. Quan lại dưới thời Lê Thánh Tông được hưởng lương bằng tiền đồng và lương bằng ruộng đất (lương điền). Khi về hưu, điền lương trả lại cho Nhà nước. Viên quan nào khi tại chức không tì vết gì, tùy theo chức tước, phẩm hàm, khi về hưu, được nhà vua cấp cho một số ruộng đất gọi là đất dưỡng liêm. Khi qua đời, con cháu được giữ lại làm ruộng tư dùng vào việc cúng giỗ người đã khuất. Với những viên quan bị bãi chức thì họ mất tất cả.

Với hai hình thức khảo thi và khảo khóa và chính sách đãi ngộ, dưỡng liêm thỏa đáng, vua Lê Thánh Tông đã khơi dậy một phong trào thường xuyên học tập nâng cao kiến thức và rèn luyện đạo đức trong bá quan. Không một ai dám nghĩ rằng mỗi khi đã được bổ làm quan thì họ sẽ làm quan suốt đời.

IV. Về thanh tra, kiểm tra, giám sát quan lại. Vua Lê Thánh Tông đã đặt ra 7 điều cấm đối với quan lại: 1) Cấm đưa quan lại về trị nhậm tại quê quán; 2) Cấm quan lại lấy vợ, nàng hầu là người địa phương nơi trị nhậm; 3) Cấm quan lại kết làm thông gia với người địa phương nơi trị nhậm; 4) Cấm quan lại tậu đất, nhà tại địa phương nơi trị nhậm; 5) Cấm quan lại vay tiền của dân hay cho dân vay tiền; 6) Cấm lấy người địa phương làm cấp phó cho mình; 7) Cấm những người có quan hệ ruột thịt cùng làm quan trong cùng nhiệm sở, cùng địa phương, cùng thời gian với nhau. Trong Bộ luật Hồng Đức (BLHĐ) có rất nhiều điều quy định về tội của quan chức. Trong BLHĐ có đến 40/722 điều (bằng 5%) có nội dung trừng trị tội tham nhũng, lạm quyền trong quan lại.

Để bảo đảm cho luật pháp được chấp hành một cách nghiêm minh, vua Lê Thánh Tông đặt ra hai hệ thống kiểm tra: 1) Hệ thống các Khoa; 2) Hệ thống các quan Ngự sử đài.

- Hệ thống các Khoa có nhiệm vụ giám sát công việc của các bộ, bao gồm: Lại khoa, Hộ khoa, Công khoa, Lễ khoa, Binh khoa và Hình khoa. Trong Dụ hiệu định quan chế - sắc luật về cải cách quan lại, vua Lê Thánh Tông quy định: "Lại bộ thăng bổ nhầm người thì Lại khoa được phép bác bỏ; Lễ bộ nghi chế không hợp lệ thì Lễ khoa được phép hặc tâu...”. Đối tượng giám sát các Khoa là công việc của các Bộ.

- Hệ thống các quan Ngự sử bao gồm các quan Ngự sử ở kinh đô và các quan Ngự sử ở các tỉnh. Nhiệm vụ của các quan Ngự sử được xác định là để "hặc tâu các quan làm bậy, soi xét ẩn khuất cho dân” vì mọi hành vi vi phạm của quan chức đều gây ra oan khuất cho dân. Vua Lê Thánh Tông quả là vị vua thấu hiểu nỗi khổ của dân. Ông bắt buộc các quan Ngự sử phải gắn việc phát hiện sai phạm của bá quan cùng với việc cứu vớt dân ra khỏi oan ức do quan lại gây ra.

Vua Lê Thánh Tông đặt ra lệ nếu quan Bộ làm sai mà quan Khoa không phát hiện ra, hoặc có quan tham nhũng, ức hiếp dân mà quan Ngự sử không biết thì quan Khoa, quan Ngự sử bị coi là không xứng chức. Quan trưởng dù không biết cũng phải bị xử phạt tội như quan phó hoặc cấp dưới làm bậy, nhưng được xử phạt kém một bậc.

Với hệ thống kiểm tra giám sát đã nêu, hình ảnh và uy lực của Vua hiện hữu khắp nơi. Trăm quan không một ai làm điều sai trái mà che mắt được Vua.

Câu nói: "Quan có đức, có tài thì nước thịnh, quan kém đức, bất tài là thềm bậc dẫn đến họa loạn” của vua Lê Thành Tông nêu ra cách đây hơn 500 năm. Sau hơn nửa thiên niên kỷ, quan điểm và những chủ trương biện pháp cách tân chế độ quan lại đó có giá trị không chỉ đối với đương thời mà còn đối với hậu thế. Bằng chứng rõ rệt nhất là nhân dân cả nước hoan nghênh Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết của Hội nghị TW 4 và đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nhằm mục đích nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và loại trừ được tình trạng có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, điều mà vua Lê Thánh Tông gọi là " thềm bậc dẫn đến họa loạn”.

Nhân dân rất mừng, nhưng cũng rất lo. Đảng đã nhiều lần nói đến nguy cơ thoái hóa của một bộ phận không nhỏ đảng viên, viên chức. Nhưng nguy cơ này đang diễn ra theo xu thế ngày càng phổ biến và trầm trọng hơn. Nhân dân thấy đã có sự nói thật, nói thẳng, nhưng rất phân vân vì chưa thấy có sự làm thật, làm nghiêm. Tình trạng bao che, nễ nang nhau ở đâu cũng có, cấp nào cũng có.

Sẽ là tốt hơn, khi đồng thời với những việc làm của Đảng, chính quyền cần ban hành kịp thời những chủ trương biện pháp của chính quyền. Để góp phần làm cho Nghị quyết Hội nghị TW 4 chóng thâm nhập và phát huy tác dụng với cuộc sống, Nhà nước nên ban hành và kiên quyết áp dụng một số cải cách sau đây:

1) Thực thi chế độ thi tuyển công chức một cách minh bạch, công khai thay cho chế độ tuyển chọn. Loại bỏ tình trạng con cháu bất tài vẫn được tuyển dụng.

2) Nhà nước sớm công bố những điều cấm làm đối với công chức và đặt nó dưới sự kiểm tra, giám sát thực thi của toàn dân;

3) Nhà nước công bố những tiêu chí cụ thể, có thể lượng hoá được, làm cơ sở pháp lý để xét công nhận viên chức là người hoàn thành nhiệm vụ, nhằm khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan theo niên hạn, cấp chức;

4) Bổ sung, sửa đổi những quy định về tội phạm của viên chức được ghi trong Bộ luật Hình sự cho phù hợp với tình trạng phạm tội của viên chức trong hoàn cảnh đã có sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường;

5) Cải tổ hệ thống tổ chức các tòa án hành chính hiện nay theo hướng đảm bảo cho các tòa này xét xử nhanh chóng và nghiêm các viên chức thoái hóa, biến chất. Xóa bỏ tình trạng viên chức bất lực, phạm tội nơi này thì điều động lên giữ cương vị cao hơn ở nơi khác;

6) Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng lãnh đạo Nhà nước. Cần đặt ra các biện pháp thực thi lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng Đảng không bó hẹp việc phê bình và tự phê bình trong nội bộ Đảng. Cần có những quy định pháp lý cụ thể để người dân giám sát việc tự phê bình, tố cáo những hành vi che giấu, gian lận, tham nhũng của những đảng viên có chức quyền.

Muốn cho nói đi đôi với làm trong đấu tranh phòng chống sự thoái hóa về phẩm chất, năng lực trong đảng viên, viên chức, một mặt phải thực hành sâu rộng việc giáo dục, mặt khác, Nhà nước phải kịp thời sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật nhằm khuyến khích sự hướng thiện, cầu tiến bộ, đặt mọi viên chức vào tình thế thường trực đứng trước nguy cơ bị thải loại nếu không chịu thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện. Phải có những điều luật làm cho người muốn tham nhũng nhận thức được rằng nếu cố tình bước vào con đường phạm tội, thì sớm muộn họ sẽ mất hết. Đó là những bài học mang tính bất biến mà vị vua anh minh Lê Thánh Tông, người đã sống và trị vì vào giữa thế kỷ XV, đã để lại cho hậu thế chúng ta.

Luật sư Lê Đức Tiết
Phó chủ nhiệm HĐTV Dân chủ -
Pháp luật TƯ MTTQ Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét