22:00
Công trình trì trệ, thiệt đơn thiệt kép
Những dự án hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng chỉ cần chậm tiến độ vài tháng đã gây ra thiệt hại khủng khiếp. Thế nhưng có nhiều dự án chậm tiến độ 3-4 năm và có thể vẫn chưa hoàn thành. Chúng có mặt nhiều nơi, từ Nam chí Bắc. Sự thiệt hại tỉ lệ thuận theo thời gian, tính bằng tiền tỉ.
Không chỉ có thế, sự ì ạch đó còn gây ra tổn thất khác cho nền kinh tế.
Đường chậm kiểu đường, cảng đau kiểu cảng
TT - Hai con đường, một ở TP.HCM và một thuộc quốc lộ 51 (tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu) mắc chung một bệnh: vướng giải tỏa. Hai cảng biển ở TP.HCM cũng chung một nỗi đau: cảng làm xong không có đường kết nối.
Chậm tiến độ thì công trình đội vốn. Công trình đã xong mà không khai thác được thì lãi mẹ đẻ lãi con.
13,6km: từ 4 năm lên 6 năm
Ghi nhận và tiếp tục hạ quyết tâm! Mới đây tại hội nghị thường niên Hiệp hội Cảng biển VN, lãnh đạo UBND TP.HCM nhìn nhận một số cảng như Cát Lái, Phú Hữu, Sài Gòn - Hiệp Phước đã chịu thiệt hại lớn do chưa có đường kết nối đúng yêu cầu. UBND TP ghi nhận kiến nghị của hiệp hội và sẽ có kế hoạch với các sở ngành TP để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng đồng bộ cho khu vực này. |
Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (Q.Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức, TP.HCM) có chiều dài gần 13,6km, trong đó mặt đường được mở rộng 30-65m (tùy theo đoạn) cho 6-12 làn xe lưu thông, vốn đầu tư 340 triệu USD, động thổ tháng 6-2008 và dự kiến hoàn thành năm 2012. Thế nhưng sau hơn ba năm thi công, công trình mới đạt khoảng 40% khối lượng. Trong số ba cây cầu đang xây dựng trên tuyến đường này, đến tháng 10-2011 nhà đầu tư mới thi công lắp ráp vòm thép số 1 cho cầu Bình Lợi. Riêng cầu Rạch Lăng và cầu Gò Dưa mới thi công một số trụ cầu và mố cầu.
Công trình chậm có nhiều lý do, trong đó có yếu tố quan trọng là do việc di dời giải tỏa không dứt điểm: đến nay vẫn còn 5% chưa được di dời, giải tỏa, kể cả vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, điện thoại, cáp ngầm...
Mới đây tại buổi lễ lắp đặt nhịp vòm thép cầu Bình Lợi, lãnh đạo TP cho biết dự án cầu Bình Lợi sẽ hoàn thành trong năm 2014, chậm hai năm so với dự kiến.
Cảng làm xong không có đường kết nối
Năm 2007, cảng Phú Hữu mới ở Q.9 được xây dựng có quy mô 24ha, vốn đầu tư 700 tỉ đồng. Đồng thời, đơn vị chủ quản đầu tư hơn 300 tỉ đồng mua sắm chín cẩu container và thiết bị xếp dỡ hàng hóa. Tháng 7-2010, Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) cho phép đưa cảng vào khai thác. Thế nhưng do không có đường bộ đến cảng nên các chủ hàng đã quay lưng với cảng này. Tình hình trên khiến cảng lâm vào nợ nần, mỗi năm phải trả hơn 50 tỉ đồng gồm lãi vay và nợ gốc. Để giải quyết đường vào cảng Phú Hữu, UBND TP.HCM cho phép đầu tư xây dựng tuyến đường bộ vào cảng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, UBND Q.9 chưa chấp thuận do không phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/2.000 của địa phương!
Tương tự, tháng 5-2009, dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước trên sông Soài Rạp (huyện Nhà Bè) có tổng diện tích 100ha với tổng mức đầu tư 3.200 tỉ đồng được khởi công xây dựng giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành trong năm 2011 nhưng dự án xây dựng tuyến đường bộ kết nối đến cảng dài 2,3km hiện vẫn còn trên giấy. Theo các chuyên gia, nếu bây giờ bắt tay vào làm ngay thì cũng phải hai năm nữa con đường kết nối mới hoàn thành.
Chịu thắt cổ chai vì giải tỏa không được
Từ tháng 8-2009, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) nâng cấp và mở rộng gần 73km quốc lộ 51 từ Biên Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu (do quá tải) từ bốn làn xe lên sáu làn xe, vốn đầu tư 3.200 tỉ đồng, dự kiến đến tháng 8-2012 hoàn thành. Thế nhưng sau hơn hai năm thi công vẫn chưa giải tỏa được 5km đầu tuyến (đoạn TP Biên Hòa) với 249 hộ dân. Một cán bộ BVEC cho biết để bảo đảm tiến độ, đoạn qua 5km này thay vì cho sáu làn xe lưu thông sẽ “ẹo” một chút, chấp nhận bị thắt cổ chai, chỉ còn bốn làn xe lưu thông. Điều đó cảnh báo con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa đến và đi tới cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải sẽ không tránh khỏi ùn ứ.
_______________________
Dự án đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc và đường nối thị xã Vị Thanh - Cần Thơ:
Nhiều khâu bị ăn gian, thất thoát 130 tỉ đồng
Từ tháng 4-2011, đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra hai dự án đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc và đường nối thị xã Vị Thanh - Cần Thơ.
Bước đầu kiểm tra phát hiện hàng loạt sai phạm gây thất thoát số tiền lên đến trên 130 tỉ đồng.
Dự án đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc có tổng mức đầu tư trên 1.850 tỉ đồng. Đường nối thị xã Vị Thanh - Cần Thơ có mức đầu tư 470 tỉ đồng. Hai dự án này do Sở GTVT Cần Thơ làm chủ đầu tư. Mặc dù đây là hai dự án được xác định trọng điểm nhưng quá trình thực hiện đã thể hiện nhiều sai sót từ lúc lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho đến thi công, quyết toán và trong rất nhiều phương án chọn không đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật.
Công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật tại gói thầu số 5 dù đã thay đổi phương án gia cố nền đất yếu để đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng đã không đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí làm tăng kinh phí đầu tư thêm trên 35 tỉ đồng. Thiết kế bản vẽ thi công tại hai gói thầu số 7 và 8 không phù hợp với thiết kế cơ sở được duyệt, không đảm bảo tính kinh tế, làm tăng kinh phí thêm gần 20 tỉ đồng.
Trong nhiều hạng mục, công tác thi công chưa có định mức, đơn giá dẫn đến thiệt hại lớn cho ngân sách. Riêng việc áp đơn giá giếng cát nhưng lấy theo đơn giá cọc cát là không phù hợp, làm tăng giá trị các gói thầu gần 100 tỉ đồng.
Ngoài ra, biện pháp thi công lao lắp dầm các cầu trên tuyến bằng cẩu nhưng dự toán lại vận dụng đơn giá lao dầm bằng xe lao. Mặc dù thi công trong thành phố có mức chi phí lán trại chỉ 1% nhưng chủ đầu tư tính chi phí lán trại đến 2%. Biện pháp thi công tại cầu Bình Thủy, Rạch Ngỗng được xác định thi công trên cạn nhưng dự toán lại áp giá dưới nước khiến tăng chi phí trên 2,1 tỉ đồng. “Qua thanh tra, xác định các sai sót trên đã làm giá trúng thầu vượt giá gói thầu tính lại trên 8 tỉ đồng” - một nguồn tin cho biết.
Tại dự án đường nối thị xã Vị Thanh - Cần Thơ, chủ đầu tư không xây dựng định mức, đơn giá theo quy định đối với những hạng mục, công trình chưa có trong hệ thống định mức xây dựng dẫn đến làm tăng giá gói thầu trên 13 tỉ đồng. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán xây dựng làm tăng giá thêm trên 11 tỉ đồng.
Chủ đầu tư “xin rút kinh nghiệm” Giải trình về những sai phạm trên, ông Đinh Văn Thảo, phó giám đốc Sở GTVT Cần Thơ, cho rằng do dự án gặp rất nhiều khó khăn nên phải thay đổi phương án thi công, làm tăng chi phí đầu tư. Việc thi công trên cạn nhưng áp giá dưới nước sẽ xem xét lại, “đưa lên cạn làm cơ sở thanh toán”. Còn một số nhà thầu, cán bộ chuyên môn không đủ năng lực... thì ông Thảo “xin rút kinh nghiệm”. PHƯƠNG NGUYÊN |
_____________________
Đại lộ Thăng Long và Cầu Giẽ - Ninh Bình:
Đội mức đầu tư cả ngàn tỉ đồng
Đều phải gia hạn tiến độ nhưng đến thời điểm này hai dự án mở rộng, hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (đại lộ Thăng Long) và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vẫn chưa thể hoàn thành.
Trong bối cảnh càng kéo dài càng tốn thêm tiền, cả hai dự án đều đội mức đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.
Đại lộ Thăng Long: thông xe vẫn còn vướng
Đại lộ Thăng Long được khởi công từ tháng 3-2005 với tổng mức đầu tư 5.379 tỉ đồng. Đến tháng 10-2010 dự án được thông xe khai thác tạm nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên một năm sau ngày thông xe, dự án vẫn chưa thể hoàn thiện do vướng mặt bằng và cả những điều chỉnh do “độ vênh” trong quy hoạch. Do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, dự án kéo dài, nguyên vật liệu, đơn giá thi công đều tăng khiến tổng mức đầu tư dự án lên hơn 7.527 tỉ đồng (tăng hơn 2.100 tỉ so với mức đầu tư ban đầu). Tại nút giao Hòa Lạc (điểm cuối của đại lộ) vẫn còn 46 hộ dân chưa được giải phóng mặt bằng. Có vị trí như nút giao bắc Phú Cát đã bàn giao mặt bằng nhưng người dân ngăn cản thi công khiến PMU Thăng Long phải phối hợp cùng UBND huyện Thạch Thất tổ chức bảo vệ thi công. Ngoài ra, việc di chuyển các đường dây điện trung, hạ thế, đường viễn thông còn vướng mắc cũng đang được tiến hành. Lãnh đạo Bộ GTVT chỉ rõ trách nhiệm chính thuộc về tổng thầu Vinaconex.
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: ì ạch thi công
Sau nhiều nỗ lực, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) sẽ thông xe, khai thác tạm 21km đầu tuyến vào tháng 11. Tuy nhiên, gần 40km còn lại của dự án vẫn phải đợi đến tháng 6-2012 mới hoàn thành (theo gia hạn của Bộ GTVT), dù dự án khởi công từ tháng 1-2006 và dự kiến hoàn thành trong năm 2008. Năm 2005, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 3.733 tỉ đồng nhưng sau nhiều lần điều chỉnh lên tới 8.974 tỉ đồng. Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng là một trong những lý do khiến tuyến cao tốc này vỡ tiến độ, đội giá. Hiện nhiều hộ dân thuộc các tiểu dự án này vẫn chưa chịu di dời, kể cả có hộ đã nhận tiền đền bù.
Bên cạnh đó, dự án được thực hiện chủ yếu bằng vốn trái phiếu công trình (có sự bảo lãnh của Chính phủ) nên việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn do biến động giá cả, lãi suất...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét