Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

20:10

Chưa làm rõ "địa chỉ" những nơi để xảy ra nhiều tham nhũng
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2011 vừa gửi tới các đại biểu quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Tư pháp của QH nhận xét, báo cáo chưa nêu được cụ thể “địa chỉ” những nơi để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng.
Đánh giá về công tác PCTN trong năm 2011, Ủy ban Tư pháp nhận định, công tác này đã được triển khai trên tất cả các mặt về hoàn thiện thể chế, chính sách, củng cố bộ máy, tổ chức thực hiện pháp luật và “đã đạt được những kết quả tích cực”. Qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỉ đồng, hàng nghìn ha đất, kiến nghị xử lý nhiều tổ chức cá nhân vi phạm.
Tuy nhiên, còn khá nhiều tồn tại trong công tác PCTN năm qua được cơ quan thẩm tra chỉ rõ: báo cáo chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt và chưa tốt công tác PCTN hoặc những nơi để xảy ra nhiều vụ tham nhũng; chưa phân tích sâu nguyên nhân chủ quan của việc trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị ít phát hiện được tham nhũng; chưa phân tích, làm rõ được nguyên nhân và thực trạng hành vi tham nhũng bị xử lý bằng biện pháp kỷ luật hành chính thì nhiều mà hình sự thì ít…
“Điều đáng lưu ý là báo cáo năm nay không có mục riêng đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tình hình tham nhũng nên chưa làm rõ được tình hình tăng hay giảm cũng như tính chất, mức độ nghiêm trọng và các lĩnh vực phát sinh nhiều tham nhũng mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, làm cơ sở để đánh giá chính xác về kết quả công tác PCTN và đề ra các giải pháp phù hợp trong thời gian tới”, cơ quan thẩm tra nhận xét.
Bất cập trong công tác PCTN được cơ quan thẩm tra phát hiện ngay từ lĩnh vực cơ chế, chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, như một số cơ chế, chính sách phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp hoặc gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; tiến độ ban hành nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến PCTN còn chậm.
Theo Ủy ban Tư pháp, “có ý kiến còn băn khoăn về tính khách quan trong việc tham mưu, xây dựng và hoạch định một số chính sách, pháp luật vì cho rằng cơ chế xin - cho đã được rà soát, sửa đổi, khắc phục trong nhiều văn bản, nhưng cho đến nay vẫn chưa xử lý được một cách triệt để mà lại được biến tướng dưới dạng khác. Đây là vấn đề cần được làm rõ để có giải pháp khắc phục”.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cũng nêu thực trạng tội phạm về tham nhũng được phát hiện, xử lý năm sau giảm hơn năm trước; qua báo cáo việc thanh, kiểm toán phát hiện sai phạm, thất thoát về tài sản thì rất lớn nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính, số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít, cần phải được đánh giá, làm rõ về nhiều mặt.
                                                                  Nguyệt Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét