13:00
Điều chỉnh giờ học, giờ làm:
Coi chừng tác dụng ngược
Việc thay đổi giờ học, giờ làm việc là liều thuốc cần thiết cho “căn bệnh” ùn tắc ngày một nặng của thủ đô. Nhưng điều làm nhiều người băn khoăn là chọn phương án nào?
Chọn phương án nào để giảm thiểu sự tác động tiêu cực đến hoạt động của các nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp và thói quen sinh hoạt của cộng đồng, thực sự là một bài toán khó.
Cuối tuần qua, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hoàn thành dự thảo phương án thay đổi giờ học và làm việc trên địa bàn Hà Nội. Phương án này đang được lấy ý kiến của UBND TP. Hà Nội và dự kiến trình Chính phủ vào tuần này.
Tác động đến hàng triệu người
Thống kê được đưa ra trong chính bản đề xuất của Bộ GTVT cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có hơn 1,6 triệu học sinh từ mầm non đến đại học và hơn 355 nghìn cán bộ công chức của trung ương và Hà Nội. Kể cả việc thay đổi giờ tại các trung tâm thương mại và những người gián tiếp thì giải pháp này có phạm vi tác động lên đến con số hàng triệu người.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô VN cho biết, phương án này sẽ thay đổi thói quen sinh hoạt của toàn xã hội ở Hà Nội thông qua từng người, từng gia đình như các tế bào xã hội. Ngoài ra, do các cơ quan đơn vị của Hà Nội và trung ương đều có quan hệ chằng chịt nên việc bố trí lệch giờ sẽ còn tác động đến hiệu quả làm việc của các cơ quan này.
Dưới góc nhìn xã hội học, PGS-TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cho rằng, phương án này tác động nhiều nhất đến việc đưa đón trẻ em đi học và sự quây quần trong bữa cơm tối trong các gia đình. Tuy nhiên, PGS-TS Bình cho rằng: "Những gia đình có con nhỏ chỉ là thiểu số, bữa cơm gia đình Việt lâu nay cũng dần mất đi do sức hấp dẫn của đồng tiền. Chúng ta phải chấp nhận có một thói quen sinh hoạt, làm việc mới để giải quyết tình hình ùn tắc giao thông nặng nề hiện nay".
TS Bình cũng cho rằng, lâu nay các giải pháp chống ùn tắc giao thông chủ yếu được bàn, thảo luận mà ít thấy triển khai và đây là giải pháp mang tính hành động ít có, cần được ủng hộ.
TS Khuất Việt Hùng, Đại học GTVT cho biết biện pháp này thực chất là dịch chuyển một bộ phận người tham gia giao thông từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm để giảm ùn tắc giao thông. Cách làm này đã được rất nhiều nước áp dụng hiệu quả nên cũng sẽ đưa lại kết quả tốt cho Hà Nội nếu có cách thực hiện hợp lý.
Sự cẩn trọng là không thừa
Ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự bất ngờ trước phương án điều chỉnh trên hầu hết các đối tượng của Bộ GTVT đưa ra. Do sự tác động lớn của phương án này nên ông Hùng vẫn bảo lưu đề nghị thí điểm đối với hai nhóm đối tượng là sinh viên và các trung tâm thương mại. "Các nhóm đối tượng này là rất đông, nếu thí điểm từng bước cũng đã thấy sự hiệu quả của phương án này. Từ đó mới nên nhân rộng" - ông Hùng nói.
Trong khi đó, TS Khuất Việt Hùng cho rằng, nếu gọi là thí điểm thì mẫu thí điểm phải được hiểu là toàn bộ cư dân thành phố vì nếu phạm vi thí điểm một vài nhóm đối tượng sẽ không thấy được hiệu quả của biện pháp này trên thực tế. Tuy nhiên, TS Hùng đồng tình khi cho rằng, phương án được Bộ GTVT đưa ra vẫn thiếu sự cẩn trọng vì chưa có sự nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng.
Việc nghiên cứu theo TS Hùng là thống kê, phân tích chuỗi các chuyến đi của các nhóm đối tượng, trên từng địa bàn từ đó đưa vào vận hành trên mô hình, từ đó mới đưa ra phương án cụ thể. Nếu không có khảo sát một cách đầy đủ sẽ không mang lại kết quả như mong muốn, thậm chí là tác dụng ngược.
TS Hùng nêu ví dụ, một ông bố hiện nay thường đưa con đến trường lúc 8 giờ rồi đến thẳng chỗ làm. Nếu giờ làm việc của ông bố lùi lại đến 9 giờ thì trong vòng một giờ đó ông bố sẽ gây áp lực cho mạng lưới giao thông khi dừng đỗ hoặc phát sinh những chuyến đi khác.
TS Hùng nói: "Hiện chúng ta có đủ thiết bị và con người để làm những nghiên cứu như vậy và thời gian cũng chỉ mất khoảng 1 đến 1,5 tháng. Nếu vừa làm vừa điều chỉnh sẽ gây ức chế, tốn kém chi phí xã hội". TS Hùng còn lưu ý một điểm là trước khi thực hiện phải có giải thích, vận động với người dân để tạo sự đồng thuận.
Phương án được Bộ GTVT đưa ra: Công chức cơ quan trung ương làm việc từ 9 giờ đến 12 giờ, chiều từ 13 giờ đến 18 giờ. Công chức Hà Nội làm từ 8 giờ 30 đến 12 giờ, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ 30. Các trung tâm kinh doanh, thương mại mở cửa từ 9 giờ 30 đến 23 giờ 30.
Nhấn mạnh sự cần kíp của việc giải quyết ùn tắc giao thông bằng những giải pháp thiết thực, PGS - TS Trịnh Hòa Bình cho rằng việc bỏ qua một số thao tác nghiên cứu, thảo luận trong việc triển khai cũng có thể chấp nhận trong trường hợp này, những điểm vướng mắc sẽ được chỉnh sửa trong việc vận hành.
Chẳng hạn, trong biện pháp thay đổi giờ của cán bộ công chức trung ương, buổi sáng chỉ làm việc 3 giờ, nghỉ trưa lúc 12 giờ, buổi chiều làm tiếp 5 giờ thì mỗi một cơ quan và mỗi người có thể tự điều chỉnh bằng việc ăn trưa muộn hơn 1-2 giờ và có một số hoạt động giải lao buổi chiều để thích ứng.
PGS - TS Bình cho rằng, việc giải quyết ùn tắc giao thông không phải là việc của mỗi bộ trưởng Bộ GTVT mà là việc của mỗi người, của nhiều cơ quan khác nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét