Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

11:00

Sợ nhất ông… gương mẫu!

Ai cũng biết chơi golf tốn kém và mất thời gian như thế nào. Vậy khối ông công chức Nhà nước lấy đâu ra tiền mà chơi golf. Họ chỉ có thể chơi golf nếu như có Mạnh Thường Quân nào đó chi tiền, tặng thẻ hoặc là nhờ vào những bổng lộc mà vị trí, chỗ ngồi của họ mang lại.
Tôi xin kể hầu bạn đọc nghe câu chuyện này.
Năm 1986 tôi đi lên Công an huyện Tủa Chùa (Lai Châu) công tác. Đường đi từ thị xã Lai Châu lên Tủa Chùa chỉ có 90 cây số nhưng xe ôtô chạy từ sáng đến tối. Lên đến Công an huyện thì được biết Trưởng công an huyện là Đậu Quang Chín đi xuống xã chưa về. Anh em xếp chỗ cho tôi ngủ ở cạnh phòng Trưởng công an huyện. Cả một ngày đánh vật với con đường mệt đứ đừ, lên Tủa Chùa lại se se lạnh cho nên tôi ngủ như “chó con say sữa”. Nhưng rồi tôi tỉnh giấc khi thấy có tiếng chổi quét sân. Tôi ngồi dậy và nhìn qua song cửa sổ, trong sương mù vẫn còn giăng mờ ảo tôi thấy có một người đang quét sân. Vừa lúc đó có một chiến sĩ đi qua tôi hỏi: “Ai quét sân sớm thế?”. Anh ấy nói: “Anh Chín về đêm qua đấy”. Nghe anh chiến sĩ nói tôi bắt đầu thấy ngài ngại với ông Trưởng công an huyện này, bởi lẽ đêm hôm qua không biết anh ấy về lúc nào nhưng chắc chắn là rất muộn, thế mà sáng ngủ dậy sớm lại đi quét sân thì rõ ràng ông Trưởng công an huyện này cũng là người “không đùa được”.
Những ngày ở huyện tôi mới thấy anh là người cực kỳ gương mẫu trong sinh hoạt, trong công việc. Những ngày đi cùng anh xuống dưới bản, tôi thấy anh chẳng nề hà việc gì. Ngày có thể đi bộ mấy chục cây số nhưng sáng nào anh cũng dậy rất đúng giờ. Rồi sau này, khi anh làm Giám đốc Công an tỉnh, anh đã đưa Công an tỉnh Lai Châu từ một đơn vị yếu kém suốt hơn chục năm trở thành đơn vị lá cờ đầu của Bộ Công an 4 năm liền. Có thể nói, Công an Lai Châu dưới thời Thiếu tướng Đậu Quang Chín đã có một phong cách làm mới, một nếp sống mới và ở đơn vị tất cả mọi thứ đều ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, quân kỷ. Nhiều anh em tâm sự với tôi rằng, họ sợ nhất ở ông Đậu Quang Chín là sự gương mẫu. Chính sự gương mẫu của người chỉ huy đã khiến cho cấp dưới phải kính trọng, nể phục và có muốn phóng túng đi cũng ngại.
Từ câu chuyện đấy mới thấy rằng, quả thật cấp dưới chỉ coi trọng cấp trên ở tính gương mẫu. Tài giỏi ở đâu chưa biết, năng lực thế nào chưa hay nhưng cứ là người gương mẫu trong công việc, trong nếp sống thì chắc chắn sẽ gây dựng được sự đoàn kết trong đơn vị và sự đồng thuận của mọi người.
Mấy ngày nay, dư luận lại “sôi sùng sục” về việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có chỉ thị cấm các quan chức chủ chốt trong ngành Giao thông, các tổng công ty của Bộ chơi golf và yêu cầu tập trung cao độ cho việc giải quyết những công việc cấp bách hiện nay.
Theo điều tra của một số tờ báo điện tử thì hơn 60% ý kiến đồng tình với việc làm này của Bộ trưởng Đinh La Thăng, khoảng 30% phản đối và số còn lại là “ậm ừ”. Những người phản đối thì viện dẫn vào cái gọi là quyền tự do dân chủ, quyền được nghỉ ngơi, rồi các quyền được quy định trong Luật Lao động… và rồi họ cho rằng đó là cực đoan, là duy ý chí v.v… và v.v… Nhưng hình như họ không biết rằng, văn bản này chỉ có giá trị trong nội bộ lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải và một vị bộ trưởng (hoặc một vị đứng đầu một cơ quan nào đó) đều có quyền ra những yêu cầu, mệnh lệnh bắt cấp dưới phải thực hiện, tùy theo tình hình cụ thể mà yêu cầu người cán bộ phải như vậy.
Ai cũng biết rằng, golf là môn chơi thể thao quý tộc và bản thân sân golf thì ngoài cái tội chiếm đất của dân nhưng nó cũng mang lại một hiệu quả kinh doanh đáng kể. Với các doanh nhân, sân golf không chỉ là nơi thể thao, giải trí mà còn là một nơi để họ gặp gỡ, giao lưu, đàm luận và chắc chắn rất nhiều ý tưởng đổi mới trong làm ăn, những mối liên doanh liên kết mang lại lợi ích cho công ty được hình thành ngay trên sân golf. Sân golf sẽ là sân chơi lý tưởng cho các doanh nhân, cho những người có tiền… Nhưng sân golf ở Việt Nam trong thời buổi bây giờ không phải là sân, không phải là chỗ dành cho quan chức Nhà nước – là những người đang được hưởng lương từ ngân sách, mà về lý thuyết đồng lương này không cho phép họ bén mảng đến sân golf để uống nước chứ đừng nói là chơi golf.
Ai cũng biết chơi golf tốn kém và mất thời gian như thế nào. Vậy khối ông công chức Nhà nước lấy đâu ra tiền mà chơi golf. Họ chỉ có thể chơi golf nếu như có Mạnh Thường Quân nào đó chi tiền, tặng thẻ hoặc là nhờ vào những bổng lộc mà vị trí, chỗ ngồi của họ mang lại. Nếu nói một cách “vơ đũa cả nắm” thì không ít quan chức nếu cứ thứ Bảy, Chủ nhật đi “cuốc đất”, “trồng cỏ” ở trên sân golf là đã có biểu hiện thu nhập bất minh. Rồi mải mê chơi golf họ bỏ bễ công việc trong khi đó, nếu như khi xuống các công trình trọng điểm họ lại cao giọng bắt công nhân viên phải làm tăng giờ, tăng ca, rồi phải tập trung toàn lực để đảm bảo tiến độ thi công…
Văn bản cấm chơi golf của Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng là một đòn cảnh cáo cho những quan chức đã đi chơi golf bằng những đồng tiền bất chính. Cũng sẽ có những người khó chịu bởi vì văn bản này tước đi thú vui của họ, nhưng có một vấn đề đó là khi đã giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt, là đảng viên thì tự mình đã phải gương mẫu trong công việc, trong lối sống và trong hành xử. Chính họ phải tự khép mình vào khuôn khổ của pháp luật hơn ai hết. Chính họ phải tự tước đi những thú vui của cá nhân hơn người khác. Chính họ phải làm việc nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn cho thiên hạ. Khi kết nạp Đảng, ai cũng thề rằng hy sinh suốt đời cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa… Và ai cũng hứa sẽ chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật, những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của chính cơ quan mình. Vậy có mỗi một việc đừng đi chơi golf nữa, lao vào công việc đi, dành thời gian đi xuống công trường, xí nghiệp để mà xem công nhân họ sống thế nào, họ làm thế nào và họ khổ sở ra làm sao mà không làm được thì rõ ràng đấy là loại đảng viên cơ hội.
Thời nhà Tống, Tể tướng Phạm Trọng Yêm đã có một câu rất hay về đạo lý của người làm quan đó là: “Tiên thiên hạ nhi ưu chi ưu. Hậu thiên hạ nhi lạc chi lạc”. Có nghĩa là người làm quan phải biết lo trước nỗi lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ. Vậy trong lúc nạn ách tắc giao thông đang trầm trọng như thế, nhiều công trường, nhà máy, xí nghiệp đang sản xuất khó khăn như thế thì lẽ ra đây là lúc người lãnh đạo phải thể hiện nỗi lo của mình trước thiên hạ – đó là lăn vào cơ sở, xắn tay áo vào xử lý công việc, phải biết quên ăn, quên chơi, quên nhậu nhẹt. Đó mới là đạo lý của người cán bộ.
Cho nên, trong cái việc cấm các quan chức chủ chốt ở Bộ Giao thông Vận tải chơi golf thì đó cũng là một cách buộc những người cán bộ phải tự nhìn nhận lại mình. Bấy lâu nay, người dân đã nhìn các quan chức bằng con mắt có thể nói rằng không mấy thiện cảm, hay nói cách khác là người dân đã mất lòng tin và một trong những nguyên nhân gây nên sự mất lòng tin đó chính là đội ngũ cán bộ, công chức của chúng ta thiếu sự gương mẫu. Và nếu như các bộ khác, các ngành khác cũng đang trong tình trạng nước sôi lửa bỏng mà có những việc làm như của Bộ trưởng Đinh La Thăng thì thật là may mắn cho đất nước.
Như Thổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét