Tại sao Tòa án hình sự quốc tế im lặng về cái chết của Gaddafi?
Cái chết đầy "ám muội" của Đại tá Gaddafi đang phơi bày nhiều vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế.
Các phương tiện truyền thông phương Tây mới đây phát tán đoạn video công bố những giờ phút cuối cùng của Đại tá Gaddafi mà hình ảnh khiến người xem không khỏi rùng mình chính là hình ảnh thi thể ông Gaddafi đầy thương tích và bê bết máu bị kéo lê trên đường. Ngay lập tức, các đảng phái chính trị trên thế giới đưa ra những bình luận khác nhau. Nhưng lúc này, phản ứng của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đang được quan tâm và chờ đợi nhất.
Trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov yêu cầu điều tra thận trọng về cái chết của Đại tá Gaddafi; tổ chức nhân quyền hàng đầu thế giới là Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng đưa ra những lời chỉ trích trước sự kiện này thì ICC vẫn giữ im lặng.
Vào thời điểm Gaddafi bị bắt, ông vẫn còn sống. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi bị bắt, người ta tuyên bố ông đã chết kèm theo một đoạn video rùng rợn quay hình ảnh cuối cùng của ông. Nhìn hình ảnh này, nhiều người cho rằng đây là một tội ác chiến tranh.
Hồi tháng ba, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA) thừa nhận rằng Libya chìm trong xung đột vũ trang. Điều đó có nghĩa là tất cả các bên tham gia xung đột phải tuân thủ Công ước Geneva năm 1949 bao gồm Công ước về cải thiện tình hình cho người bị thương và bị bệnh thuộc các lực lượng vũ trang trên chiến trường.
Theo công ước này thì “trong một cuộc chiến, những thành phần thuộc một lực lượng vũ trang bị chết, bị thương, bị bệnh, bị giam cầm hay vì bất cứ nguyên nhân nào khác mà không còn khả năng chống đối, trong mọi trường hợp đều được đối xử nhân đạo bất kể chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính”…
Cũng theo công ước này, bất cứ một hành vi gây tổn hại hoặc gây ra cái chết cho một tù binh sẽ được xem là hành vi “vi phạm nghiêm trọng” công ước. Do đó, với những gì mà đoạn video công bố cái chết của Đại tá Gaddafi cho thấy thì việc giết hại ông có thể được xem là một hành vi "vi phạm nghiêm trọng" các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế.
Chắc chắn cái chết của một bị cáo quan trọng như ông Gaddadi sẽ là sự cản trở lớn cho việc điều tra của ICC nhưng thông qua đoạn băng video, không khó để tìm ra những người gây ra cái chết cho ông. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một cuộc điều tra nào được ICC tiến hành. Nguyên cớ cho thái độ “làm ngơ” này của họ là không rõ ràng.
Tuy nhiên, một điểm có thể được xem xét như lý do cho sự im lặng của ICC là trước đó, khi Đại tá Gaddafi còn sống và là nhà lãnh đạo tối cao của Libya, ông từng yêu cầu Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc điều tra các vụ sát hại tất cả các nhà lãnh đạo Chính phủ, nhà nước là thành viên của Liên Hiệp Quốc trong lịch sử của Tổ chức này.
Tuy nhiên, yêu cầu này bị bác bỏ. Điều đó chứng tỏ rằng hầu hết các quốc gia đều không muốn công khai các vụ sát hại này. Và nếu Gaddafi sống, được đưa ra xét xử, ông có khả năng làm chứng về một số vấn đề gây tranh cãi, bao gồm vụ đánh bom Lockerbie, cũng như một số hoạt động phá hoại khác của phương Tây chống lại Libya và các quốc gia khác.
Ngoài ra, vào ngày mà nhà lãnh đạo Libya bị sát hại, ICC đưa ra yêu cầu Cộng hòa Malawi, quốc gia nằm ở Đông Nam châu Phi giải thích lý do tại sao họ thất bại trong việc bắt giữ Tổng thống người Sudan Omar Al-Bashir trong suốt chuyến thăm của ông này đến Malawi cuối tuần trước theo quyết định đã được ban hành năm 2008.
Động thái trên cho thấy cái gọi là “Toà án hình sự quốc tế” là của ai. Bất kỳ ở đâu, thuộc thể chế chính trị nào, quyền con người phải được tôn trọng. Việc xử lý tội trạng chỉ được thực thi sau khi có phán quyết công tâm trước toà án. Hành động tàn bạo của NTC là không thể chấp nhận, cộng đồng quốc tế kinh tởm bởi đây là thế kỷ 21-thế kỷ văn minh. Tiếc thay, nhiều quốc gia được coi là văn minh lại câm lặng trước việc làm này của quân nổi dậy tại Libi. Giả sử hành động trên xảy ra tại một quốc gia khác không thân thiện với Phương Tây và Mỹ liệu các nước này có im lặng? Những lời nói về dân chủ, nhân quyền mà họ luôn rao giảng với nhiều nước nay bỗng dưng trở nên rỗng tuếch!
Thương Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét