Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

Văn hóa-Xã hội

  Đẳng cấp

Trong xã hội cũ, giai cấp phong kiến, tư sản coi công nhân, người lao động nghèo là tầng lớp dưới cùng của xã hội, là hạ đẳng. Giàu sang được coi là thước đo vị trí xã hội, cũng đánh đồng với nhân cách của tầng lớp được gọi là quý tộc, tinh hoa.

Trong xã hội dân chủ và thế giới văn minh ngày nay quan niệm đó dần bị loại bỏ. Người lao động đang từng bước được trả lại vị thể làm chủ xã hội. Với các nước phát triển, nhất là nước đang phấn đấu xây dựng theo mô hình chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa thì mọi tầng lớp, giai cấp đều bình đẳng, phẩm giá, đạo đức con người ở vị trí cao nhất chứ không phải là vật chất.

Tuy nhiên, tư duy coi giàu sang là đẳng cấp đây đó vẫn tồn tại, khi mà các phương tiện truyền thông dường như cũng đang cổ súy cho nhận thức đó.

Nhiều nội dung quảng cáo, nhất là trên truyền hình quảng bá cho các khu du lịch cao cấp hoặc hàng hiệu, xe sang… thường nói đến đẳng cấp, coi người sở hữu được những tài sản lớn ấy là minh chứng đẳng cấp quý phái, cao sang...

Khi một tờ báo của Mỹ đăng tải phỏng vấn chị của bệnh nhân Covid-19 số 17 chia sẻ rằng các vụ tấn công trên mạng (vào em cô) là ví dụ của sự ghen tị giai cấp: “Ở Việt Nam, chúng tôi có quá nhiều đặc quyền - chúng tôi đi du lịch quá nhiều” khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Thì ra họ chưa nhận thức được nguyên nhân cộng đồng phản ứng với họ vì hành vi dối trá làm phát tán dịch bệnh. Quá nực cười khi họ coi mình là nạn nhân của sự phân biệt chỉ vì “đẳng cấp” giàu sang! Tiếc rằng sự giàu sang ấy lại chưa đóng góp được đồng nào cùng cộng đồng chống dịch. Có thể nhận ra “đẳng cấp” của chị em bệnh nhân này là sự dối trá được lặp lại.

Chị em nhà bệnh nhân số 17 nhận chỉ trích khi tự nhận mình đẳng cấp cao sang, nói xấu đất nước mình về chống dịch Covid-19

Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của ta hiện nay, sự giàu có không còn bị định kiến như một thời bao cấp, chế độ sở hữu tập thể. Những cá nhân tài năng, làm giàu chính đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, sau mấy chục năm kinh tế thị trường, mặt trái của đồng tiền đang có chiều hướng chi phối làm méo mó phần nào những giá trị đích thực. Trong xã hội xuất hiện những người giàu, rất giàu nhưng những đồng tiền, tài sản lớn họ có được không ai biết có nguồn gốc từ đâu. Đôi khi chính chủ tài sản cũng không dám giải thích một cách công khai, minh bạch. Và những người thừa hưởng những tài sản đó (nhất là vợ con, người thân của họ) cũng ngộ nhận mình thuộc đẳng cấp cao sang!

Ngôn ngữ Việt có từ đại gia, ý nói những người tài giỏi, tạo dựng được cơ nghiệp lớn, gia đình phương trưởng khiến cộng đồng ngưỡng mộ. Cũng có những người ngộ nhận hoặc hiểu không đúng coi đại gia là tất cả những người giàu. Ngôn ngữ Việt cũng có từ trọc phú, ý chỉ những kẻ giàu có ngoài tiền của, tài sản ra chẳng có gì nhiều, kể cả cả tri thức và nhân phẩm.

Những người coi sự giàu sang là đẳng cấp, thực sự họ là kẻ đáng thương./.

(Theo Tạp chí Người cao tuổi) Đinh Hoàng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét