Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Chính trị

 

GS Võ Đại Lược: 'Quan điểm kinh tế nhà nước là chủ đạo dẫn đến nguy cơ tham nhũng'

Cập nhật lúc 15:23              

 

GS Võ Đại Lược cho rằng, đổi mới chính trị đang chậm hơn so với đổi mới kinh tế. Do đó, đã đến lúc phải đổi mới hệ thống chính trị để theo kịp kinh tế.

 

GS - TS Võ Đại Lược góp ý kiến tại hội nghị. ẢNH NGỌC THẮNG

 Sáng 30.10, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII. Đối tượng tham gia góp ý là các nhân sĩ, luật gia, trí thức, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. 

Góp ý kiến tại hội nghị, GS - TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước đều có nhiều điểm mới, đòi hỏi các văn kiện Đại hội phải đưa ra được tư duy, quan điểm, giải pháp mới, đáp ứng được tình hình.

“Nhưng các dự thảo tôi đọc, nội dung nhìn chung ít điều mới”, GS Lược góp ý. Theo ông Lược, về giải pháp, nhiệm vụ thì có điều này, điều kia mới song tư duy, quan điểm thì không mới, ví dụ vẫn là quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước là chủ đạo...

Ông Lược phân tích, việc phát triển nền kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo là sáng tạo của Việt Nam khi vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin vì Mác - Ăngghen cũng không nói kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước là chủ đạo.

Theo ông Lược, đã đến lúc phải đánh giá vấn đề này thật kỹ. “Giờ chúng ta hội nhập rất sâu, ký đến 12 hiệp định thương mại tư do mà vẫn giữ quan điểm này sẽ làm khả năng cạnh tranh của chúng ta kém đi”, ông Lược góp ý.

Cũng theo ông Lược, đổi mới về kinh tế trong thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt, rất mạnh. “Nếu không có đổi mới kinh tế thì không có tình hình như hiện nay”, ông Lược nói, song cho rằng, “đổi mới chính trị hơi chậm”. “Bây giờ đã đến lúc chúng ta đổi mới chính trị, làm sao đi kịp với kinh tế”, ông Lược nói.

Theo GS Lược, cái vướng mắc nhất trong đổi mới chính trị hiện nay, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, là kiểm soát quyền lực.

“Đến giờ chúng ta vẫn chưa có giải pháp triệt để cho việc này. Chúng ta bắt nhiều chỗ tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin - cho, cái gốc đẻ ra tham nhũng chúng ta không thay đổi thì chúng ta chỉ giải quyết hậu quả chứ không phải giải quyết nguồn gốc”, ông Lược phân tích.

“Hay quan điểm đất đai sở hữu toàn dân, thì tham nhũng đất đai rất nhiều, khiếu kiện, tranh chấp đất đai rất nhiều. Kinh tế nhà nước là chủ đạo cũng dẫn đến nguy cơ tham nhũng, các giám đốc doanh nghiệp nhà nước vi phạm đi tù chứ tư nhân có việc gì, người dân có việc gì”, ông Lược nói thêm.

Ông Lược khẳng định, đã đến lúc đổi mới hệ thống chính trị. “Vẫn Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhưng đổi mới hệ thống chính trị phù hợp với thời đại. Đảng lãnh đạo bằng phương pháp hiện đại thì mới cạnh tranh được với các nước trên thế giới”, ông Lược kiến nghị.

Văn hóa chưa thực sự là sức mạnh nội sinh phát triển đất nước

 Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì đánh giá: nhìn lại chặng đường phát triển đất nước 10 năm qua, có thể nói “vận nước đã đến”.

Ông Thiện góp ý, tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới đến năm 2030 cần phải tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng, là bệ đỡ, là dẫn lối cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thượng tọa Thích Đức Thiện góp ý kiến tại hội nghị. ẢNH NGỌC THẮNG

 

 Theo ông, vai trò của văn hóa đã được đặt ra từ Báo cáo Chính trị Đại hội XII, song chưa thực sự có những quyết sách chiến lược, những cơ chế cụ thể mở đường để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh phát triển đất nước.

Để phát huy niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thì nhân tố quyết định nằm ở xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Bên cạnh đó, vị Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đề nghị dự thảo Báo cáo Chính trị xác định tôn giáo là nguồn lực phát triển đất nước.

Theo ông, tôn giáo, tín ngưỡng làm nên sự đa dạng sắc màu văn hóa truyền thống và cũng có thể nói tín ngưỡng, tôn giáo góp phần làm nên những giá trị cốt lõi văn hóa truyền thống dân tộc.

Bên cạnh đó, cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(Theo Thanh Niên) Lê Hiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét