Sách giáo khoa và những "núi tiền" phía sauCập nhật lúc 15:38 248.118 tỉ đồng được chi cho giáo dục năm 2017. Nhưng 20% ngân sách chi cho giáo dục này đã đi đâu? Chúng ta không biết, vì đó cũng là câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng Phùng
Xuân Nhạ từng thừa nhận: Nghị quyết của Quốc hội là chi 20% NSNN cho giáo dục
nhưng bản thân ông là bộ trưởng cũng chưa nắm một cách đầy đủ 20% này được
phân bổ như thế nào (Ảnh LĐO)
Những lùm xùm về bộ sách giáo khoa Cánh Diều có vẻ đang chỉ giống như thêm một cái lùm xùm trong vô số những cái lùm xùm của giáo dục. Ai, công ty nào đứng sau bộ sách xã hội hoá đầu tiên và cũng đắt đỏ nhất trong 5 bộ sách giáo khoa thuộc chương trình phổ thông mới này?Vietnambiz cho biết Công ty cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) chính là nhà đầu tư lớn nhất của bộ sách. Được thành lập vào tháng 7.2016 với vốn điều lệ 33,3 tỉ đồng, VEPIC tăng vốn điều lệ gấp 3 lần số vốn ban đầu lên 108,7 tỉ đồng sau 5 tháng, và 2 tháng sau đó, tiếp tục thay đổi người đại diện với cái tên quen: Ông Ngô Trần Ái. Nói “quen” là vì ông Ái nguyên là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam. Nằm chịu lỗ suốt 3 năm, và cuối cùng Cánh Diều được chấp nhận, đến giờ đã có 20 địa phương đặt bộ sách giáo khoa với hơn 3 triệu bản sách được cung ứng. Điều đó có nghĩa là thế nào? Không ai dám nói đó là chuyện "sân trước sân sau". Nhưng có một sự thật sách giáo khoa vẫn là một địa hạt màu mỡ mà sách nhà nước hay sách xã hội hoá cứ hễ được gật chẳng khác gì chuột sa chĩnh gạo dẫu các nhà xuất bản chưa bao giờ ngừng kêu lỗ. Còn việc sách xã hội hoá có phá được thế độc quyền hay chỉ là bình mới rượu cũ thì cứ khoan chưa bàn. Câu chuyện "tiền tấn, tiền núi" trong giáo dục thật ra đã từ rất lâu rồi. Năm ngoái, TS Hoàng Ngọc Vinh, một người cũ của Bộ Giáo dục đặt câu hỏi về: 16 triệu USD (khoảng 370 tỉ đồng) vốn vay ODA để biên soạn bộ sách giáo khoa bây giờ ở đâu? đã được dùng làm gì? khi mà kế hoạch viết một bộ sách giáo khoa của Bộ đã phá sản? Năm kia, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu đặt câu hỏi về số tiền 80 triệu USD (tương đương 1.800 tỉ đồng) đối với chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Trước đó, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Mai Hoa nhắc tới những bất cập trong việc chi tiêu 20% ngân sách, tương đương 5% GDP cho giáo dục hàng năm. Đó là còn chưa kể tới khoảng 4.700 tỉ đồng xã hội hoá- thật ra là tiền túi cha mẹ học sinh, phải chi hàng năm, tương đương 2% ngân sách. 20% ngân sách chi cho giáo dục ấy đã phân bổ thế nào? Có hợp lý không? Chúng ta không biết. Có lẽ nhiều vị đại biểu Quốc hội cũng không biết. Bởi đây cũng là câu hỏi “đặt hàng” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đối với các nhà nghiên cứu vào ngày 25.8.2017. Hôm ấy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có một phát biểu thế này: Nghị quyết của Quốc hội là chi 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục nhưng bản thân ông là bộ trưởng cũng chưa nắm một cách đầy đủ 20% này được phân bổ như thế nào. Bộ trưởng cũng không nắm thì chúng ta biết sao được đây?! (Theo Lao Động) Anh Đào |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét