Muốn dùng ngân sách mua BOT đặt sai: Phải 'chơi đúng luật'Cập nhật lúc 15:55
ĐBQH yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư BOT phải "chơi đúng luật", ứng xử công bằng, sòng phẳng với người dân.Liên quan tới 4 trạm BOT đặt sai vị trí, gồm: trạm BOT Bỉm Sơn, Thanh Hóa, trạm BOT quốc lộ 3 Thái Nguyên, T2 Cần Thơ và trạm thu phí La Sơn - Túy Loan gây nhiều bức xúc nhưng từ tháng 5 đến nay, các dự án BOT này vẫn chưa có hướng giải quyết, Bộ GTVT vẫn giữ đề xuất dùng ngân sách nhà nước mua lại 4 trạm này.
Trước đề xuất trên, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết, ông chưa nhận được báo cáo cũng như đề xuất của Bộ GTVT gửi các ĐBQH, nhưng ông yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư BOT phải "chơi đúng luật". Trước hết, vị đại biểu cho rằng đầu tư BOT phải theo nguyên tắc thị trường, lời ăn, lỗ chịu, không thể có việc cố làm cho được dự án, bất kể hiệu quả đầu tư, tới khi bị phản đối, yêu cầu chấn chỉnh lại quay sang xin tiền ngân sách để mua lại. "Tôi không ủng hộ đề xuất dùng ngân sách để mua lại các trạm BOT sai vị trí của Bộ GTVT", ông Nhường nói. Giải thích cho quan điểm trên, vị đại biểu cho hay, từ lâu việc triển khai dự án BOT còn nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, nổi bật là: Công tác lựa chọn, lập, thẩm định dự án PPP chưa được thực hiện chặt chẽ. Công tác công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Nhiều dự án được thực thiện theo đề xuất của nhà đầu tư, được chỉ định thầu, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch. Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo... dẫn tới tình trạng dự án không hiệu quả, nhiều dự án bị phá vỡ phương án tải chính, phải tìm cách đặt trạm BOT ngay cả trên các tuyến tránh, tuyến đường độc đạo để tận thu, gây ra những bức xúc kéo dài trong thời gian vừa qua. Vì lý do trên, vị ĐBQH đoàn Bình Định không ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT. "Tiền ngân sách là tiền thuế của dân, lấy tiền ngân sách để trả cho chủ đầu tư một số dự án BOT giao thông khó thu phí vì đặt sai chỗ không khác nào chủ đầu tư làm sai lại bắt dân phải chịu. Như vậy là không công bằng với người dân", vị đại biểu nói rõ. Nhắc lại những bức xúc của người dân xung quanh các trạm thu phí BOT sai vị trí đều xuất phát từ việc chủ đầu tư các dự án đã không tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc trong đầu tư trạm BOT như, quy định xác định khoảng cách giữa các trạm BOT không đủ 70km, hay trạm BOT đặt trên các tuyến tránh, tuyến độc đạo, buộc người dân phải đi qua trạm thu phí hoặc không đi vẫn phải trả tiền... Ông Nhường cho rằng, trong câu chuyện này cũng có phần lớn trách nhiệm của chính các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương đã không suy xét thấu đáo, quá dễ dãi trong quyết định đầu tư, dẫn tới việc phản ứng, bức xúc của người dân. Nếu mọi quyết định không theo hướng một chiều, chỉ nghĩ tới lợi ích của nhà đầu tư mà bỏ quên lợi ích của người dân thì chắc chắn đã không xảy ra những bức xúc, người dân cũng không phản đối. Vị đại biểu nhấn mạnh, về nguyên tắc, đầu tư các dự án BOT phải bảo đảm được lợi ích của cả ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Song, hiện có khá nhiều dự án BOT giao thông lại chỉ đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, tận thu của người dân, còn ngân sách cũng chưa chắc đã thu được lợi mà lợi ích lại chảy về túi nhóm người khác. Vì điêu này mà Kiểm toán Nhà nước đã phải trình Quốc hội đề nghị xử lý hàng nghìn tỷ đồng từ các dự án BT và BOT, đồng thời cũng yêu cầu rút ngắn thời gian thu phí của hàng loạt những dự án BOT có nguồn thu vượt hợp đồng. Về phía người dân, điều chắc chắn không phải người dân đòi hỏi được đi qua đường được đầu tư theo hình thức BOT miễn phí mà người dân chỉ cần doanh nghiệp "chơi đúng luật", tuân thủ tính nguyên tắc của thị trường đó là công bằng, sòng phẳng và minh bạch. "Dân có sử dụng dịch vụ thì mới phải trả tiền. Không sử dụng dịch vụ thì không thể bắt người dân trả tiền", vị đại biểu nói rõ. Chính từ quan điểm trên, ông Nhường nhấn mạnh không bỏ tiền ngân sách để mua lại dự án BOT sai vị trí. "Nếu đã đặt sai thì phải đặt cho đúng vị trí, và ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm chứ không phải đề xuất lấy tiền ngân sách để sửa sai. Việc này là rất vô lý", ông Nhường thẳng thắn. Với trường hợp có thể dùng ngân sách mua lại trạm BOT, ông Nhường cho rằng đó phải là những dự án gặp khó khăn thật sự, khó khăn vì những lý do khách quan, do thiên tai, lũ lụt hoặc vì mục đích phục vụ cho nhu cầu đi lại, vì phục vụ quốc kế dân sinh, vì phát triển kinh tế, xã hội thì có thể xem xét mua lại. Tuy nhiên, việc mua lại cũng phải xem xét, đánh giá rất kỹ lưỡng những khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng trạm, cũng như phải tính toán rất thận trọng, xác định tính đúng đắn chính xác của việc áp dụng các quy định pháp luật trong triển khai, xây dựng các dự án BOT. Đồng thời, còn liên quan tới việc tính đúng, tính đủ, tính chính xác chi phí tổng mức đầu tư cho dự án. Việc mua lại phải bảo đảm mua đúng giá, đúng mục tiêu, mục đích không phải vì cứu nhà đầu tư, vì nhà đầu tư thua lỗ đòi xin, đòi tăng, là nhà nước phải mua lại... "Việc mua lại phải vì mục đích để đổi lấy lợi ích cho người dân, cho xã hội, khi đó mới tính tới việc mua lại", vị đại biểu nhắc lại. "Tôi lấy ví dụ, người dân đi 10km sẽ thu phí 10km, đi 40km thì thu phí 40km, đi tới đâu phần mềm sẽ tính toán và tính tiền tới đó. Phải minh bạch, công bằng như vậy người dân mới phục", vị đại biểu nói. (Theo Đất Việt) Lam Lam |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét