Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Kinh tế

 

Sở hữu 6 cao tốc trọng điểm quốc gia với khối tài sản gần 90.000 tỷ, VEC chỉ “lãi tượng trưng” vài tỷ mỗi năm

Cập nhật lúc 14:46 

Tăng trưởng doanh thu của VEC đạt khoảng 15% mỗi năm, công ty chuẩn bị hoàn thành cho vào khai thác thêm dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành năm 2021. 

 

Là chủ đầu tư 6 tuyến cao tốc lớn, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nằm trong số những đơn vị kinh doanh hạ tầng lớn nhất cả nước.

Các dự án làm nên tên tuổi của VEC có thể kể đến như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Cầu Giẽ - Ninh Bình (miền Bắc); cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (miền Trung); cao tốc TP HCM – Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành (miền Nam).

Đây đều là các dự án hạ tầng có ý nghĩa quan trọng, kết nối những vùng kinh tế trọng điểm.


Nguồn: VEC

5/6 dự án kể trên đã được hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến, trường hợp cao tốc Bến Lức – Long Thành triển khai từ giữa năm 2014, dự kiến khánh thành trong năm sau. Trên thực tế, dự án này đã bị đình trệ hơn một năm nay, chậm so với tiến độ do thiếu vốn. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã có giải pháp tháo gỡ khó khăn này với đơn vị cấp vốn - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Tăng trưởng doanh thu của VEC tương đối vững chắc trong những năm gần đây, đi cùng việc hoàn thành các dự án mới và tăng được nguồn thu trên các tuyến cao tốc cũ.

Năm ngoái, các dự án BOT của VEC đem về tổng doanh thu hơn 3.700 tỷ đồng, tăng 15%. Mặc dù đạt lợi nhuận gộp ở mức cao, với tỷ suất dao động trong khoảng 60% - 80%, nhưng một phần không nhỏ bị bào mòn bởi chi phí lãi vay thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, yếu tố tỷ giá biến động hết sức rủi ro khi phần lớn khoản vay của VEC là ngoại tệ. Báo cáo tài chính 2018 của VEC khi nhận dư nợ dài hạn lên tới hơn 66.500 tỷ đồng cuối kỳ, trong đó hai nguồn chính đến từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Đây bản chất là các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp (ODA), tài trợ cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. 


Kết quả là trong hai năm gần nhất, 2018 – 2019, VEC chỉ kinh doanh hòa vốn, cho dù đem về doanh thu ấn tượng. Năm trước đó 2017, khi không chịu thiệt hại mạnh từ tỷ giá, VEC báo lãi ròng tới 937 tỷ đồng; 2016 tình hình trái ngược khiến công ty lỗ nặng 805 tỷ đồng. 

Trong năm nay, kế hoạch của VEC mục tiêu doanh thu thuần 4.251 tỷ đồng, duy trì tăng trưởng 15%; lợi nhuận sau thuế vẫn giữ khiêm tốn, trên 2 tỷ đồng. Công ty dự kiến nộp ngân sách gần 400 tỷ đồng.

Tổng tài sản của VEC tại thời điểm cuối năm 2019 ở mức trên 88.100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 9.000 tỷ đồng. VEC hiện thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhận chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải.

(Theo Nhịp sống kinh tế) Đông A


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét