Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Chính trị

 

Trường hợp đặc biệt, người quá tuổi, Ban Chấp hành trung ương vẫn chưa xem xét

Cập nhật lúc 15:44               

Tại Hội nghị Ban Chấp hành trung ương lần thứ 13 vừa qua, có 119 người được giới thiệu tái cử vào Ban Chấp hành trung ương khóa tới, trong số này cũng có những người quá tuổi, nhưng Ban Chấp hành trung ương chưa xem xét, kết luận.

 

Ông Lê Quang Vĩnh, trợ lý thường trực Ban Bí thư, cung cấp thông tin kết quả Hội nghị trung ương 13 tại Hội nghị báo cáo viên của Ban Tuyên giáo trung ương, sáng 14-10 - Ảnh: L.H.

Ông Lê Quang Vĩnh, trợ lý thường trực Ban Bí thư, đã cho biết như vậy tại Hội nghị báo cáo viên tháng 10 do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức sáng 14-10.

Theo ông Vĩnh, ngoài 119 người được giới thiệu tái cử còn có 107 người lần đầu được giới thiệu tham gia để bầu ủy viên Ban Chấp hành trung ương chính thức và 44 người tham gia lần đầu để bầu ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành trung ương.

"Đây chỉ là giới thiệu của các cơ quan, và Hội nghị trung ương 13 đã bỏ phiếu biểu quyết. Kết quả bỏ phiếu phải đến Hội nghị trung ương 14 mới công bố. Hội nghị trung ương 14 sẽ diễn ra vào đầu năm 2021 và sau đó có hội nghị 15 nữa hay không thì chưa biết...", ông Vĩnh nói.

Theo ông Vĩnh, tại Hội nghị trung ương 13, Ban Chấp hành trung ương đã thông qua phương hướng công tác nhân sự khóa 13 (2021 - 2026).

Theo đó công tác nhân sự làm rất làm chặt chẽ, bài bản, khoa học, có kế thừa phương hướng nhân sự khóa trước. Trong đó có quy định rõ độ tuổi tái cử ủy viên trung ương chính thức đến thời điểm đại hội 2021 không quá 60 tuổi; không quá 65 tuổi đối với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trường hợp đặc biệt (giới hạn tuổi) sẽ do Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương xem xét quyết định trình đại hội.

Tại Hội nghị trung ương 13 vừa qua, Ban Chấp hành trung ương cũng đã xem xét, cho ý kiến việc tái cử của các ủy viên trung ương cả chính thức và dự khuyết, và nhân sự lần đầu tham gia Ban Chấp hành trung ương. Hội nghị cũng đã xem xét về công tác nhân sự của Ủy ban Kiểm tra trung ương (cả tái cử và nhân sự lần đầu tham gia).

Theo ông Vĩnh, Hội nghị trung ương 13 vừa qua mới chỉ xem xét các trường hợp nằm trong khung tuổi, đủ tiêu chuẩn điều kiện. Còn các nhân sự thuộc diện trường hợp đặc biệt, trên 60 tuổi đối với ủy viên trung ương; trên 65 tuổi đối với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các trường hợp đặc biệt có tham gia lần đầu hay không, có tái cử hay không như một số bí thư tỉnh ủy chạm giới hạn tuổi, tham gia lần đầu không quá 55, mà giờ 56 thì chưa được xem xét trong hội nghị lần này, mà Ban Chấp hành trung ương sẽ xem xét trong các hội nghị tiếp theo.

"Nhân dân khắp chốn cùng quê đều quan tâm đến việc có trường hợp đặc biệt hay không và là ai? Cái này đang ở phía trước. Như Tổng bí thư từng nói trước thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 13 rằng "trăng đến rằm thì trăng tròn, giờ mới mùng 3, mùng 4 thôi", đến rằm còn lâu. Còn sau Hội nghị trung ương 13 thì vẫn mới là mùng 5 thôi, đến rằm còn lâu lắm", ông Lê Quang Vĩnh giải thích.

Ông Vĩnh cho biết tại hội nghị, Ban Chấp hành trung ương đã giao Bộ Chính trị và tiểu ban nhân sự căn cứ nghị quyết của Hội nghị trung ương 13, báo cáo kết quả giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành trung ương khóa 13, các ý kiến đóng góp của trung ương để tiếp tục xem xét, rà soát kỹ, bổ sung và hoàn chỉnh phương án nhân sự theo đúng quy trình công tác nhân sự.

Không chỉ bàn công tác nhân sự khóa 13, ông Vĩnh cho biết tại hội nghị vừa qua, Ban Chấp hành trung ương cũng đã thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế, xã hội năm 2020 và bàn phương hướng, kế hoạch 2021, bàn về vấn đề tiền lương...

Đặc biệt, Ban Chấp hành trung ương đã thảo luận xác định những dấu mốc, những chỉ tiêu cụ thể trong những năm tiếp theo. Theo đó, trung ương xác định đến năm 2025 Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mốc thu nhập thấp. Đến năm 2030 sẽ là nước thu nhập trung bình cao, rồi tiến tới thu nhập cao vào năm 2045.

"Thu nhập trung bình là đạt 1.000 - 12.000 USD, trên 12.000 thì là thu nhập cao. Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình từ năm 2006, và nay vẫn trong dải thu nhập trung bình, đạt gần 4.000 USD/người/năm (do tính toán lại, vì trước đây "bỏ sót" khu vực không chính thức). Muốn đạt được những mốc chỉ tiêu này, chúng ta phải nỗ lực, phải có khát vọng hùng cường thì mới vượt qua được mức thu nhập trung bình", trợ lý thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đến nội dung đã được Hội nghị trung ương 13 bàn thảo, quyết định.

(Theo Tuổi trẻ) ĐỨC BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét