Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Kinh tế

 

Standard Chartered: Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 3% năm 2020 và 7,8% năm 2021

Cập nhật lúc 15:12 

Đại diện ngân hàng Standard Chartered khẳng định vẫn duy trì quan điểm tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

 


Theo báo cáo "Việt Nam - tăng trưởng gián đoạn trong quý 3 nhưng triển vọng phục hồi ổn định" của ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 3% trong năm 2020 và đạt mức 7,8% trong năm 2021.

Theo Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á thuộc Ngân hàng Standard Chartered, ông Chidu Narayanan, Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay, bất chấp những ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ hai.

Đồng thời, nhờ sự phục hồi hoạt động kinh tế trong nước cùng với yếu tố tâm lý thị trường, tăng trưởng quý 4 sẽ gia tăng. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ được cải thiện, từ đó Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Ông Chidu Narayanan nhận định: "Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn".

Bên cạnh đó, đến quý 4, Standard Chartered dự báo nhu cầu của thị trường trên thế giới có khả năng sẽ được cải thiện và thúc đẩy. Tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất trong năm 2020 ước đạt 7,3%. Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu cũng sẽ gia tăng và tiếp tục tạo ra thặng dự thương mại trong năm nay.

Dự kiến cũng trong quý 4, nhờ đầu tư công vào cơ sở hạ tầng được thúc đẩy, hoạt động xây dựng sẽ phục hồi. Song, trước những lo ngại về nhu cầu trong trung hạn, đầu tư của lĩnh vực tư nhân có khả năng sẽ không mấy khởi sắc.

Liên quan đến vốn FDI, Standard Chartered dự báo trong năm nay, dòng vốn FDI đăng ký mới mặc dù suy giảm, nhưng vẫn đạt mức cao nhất, 13 tỷ USD. Những yếu tố như bất ổn nhu cầu thế giới, tâm lý đầu tư ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI trong trung hạn.

Dù đang được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển khu vực sản xuất trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, dòng vốn đổ vào Việt Nam vẫn được dự báo sẽ thấp hơn những năm trước. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ cũng như sự dịch chuyển của hoạt động sản xuất không yêu cầu công nghệ cao sẽ hỗ trợ thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Theo Nhịp sống kinh tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét