Giá như thầy Thuyết đừng làm Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt (Cánh Diều)Cập
nhật lúc 15:16
Giá như thầy Thuyết không làm Tổng chủ biên môn Tiếng Việt (Cánh Diều) có lẽ thầy Thuyết sẽ thanh thản hơn vào lúc này… Từ rất lâu rồi, thầy Nguyễn Minh Thuyết không còn xa lạ gì đối với đối với nhiều người, nhất là những người hay đọc báo, theo dõi mảng giáo dục, chính trị bởi thầy Thuyết từng trải qua rất nhiều công việc khác nhau. Đối với sinh viên, giáo viên học và dạy môn Ngữ văn thì đã quá quen thuộc với thầy Thuyết vì thầy là giảng viên đại học, là tác giả của nhiều cuốn giáo trình đại học, sách giáo khoa Tiếng Việt, Ngữ văn ở bậc phổ thông. Đặc biệt, thầy Thuyết là đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, đã từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội… Nên, những phát biểu của thầy Thuyết ở các phiên thảo luận của Quốc hội luôn khiến cho nhiều người tâm đắc, thích thú bởi nó rất hợp lòng người, nhất là những vấn đề về giáo dục nước nhà…
Dấu ấn của thầy Thuyết trong những trang sách nhà trường… Hai mươi năm qua, các thế hệ học trò trên cả nước đã khá quen thuộc với cái tên của thầy Nguyễn Minh Thuyết ở sách giáo khoa, sách bài tập Tiếng Việt (Tiểu học), Ngữ văn (Trung học cơ sở) từ lớp 2 đến lớp 9. Thầy Thuyết là đồng chủ biên, chủ biên tới 16 cuốn sách giáo khoa và 16 cuốn sách bài tập ở môn học này. Sở dĩ, chúng tôi nói điều này để thấy uy tín của thầy Thuyết lớn lắm, nhất là bộ sách giáo khoa năm 2000 chưa được mổ xẻ, góp ý nhiều như bây giờ bởi lúc ấy chủ yếu các bài phản biện được đăng trên báo in nên số lượng không nhiều. Báo điện tử lúc đó rất hiếm và mạng xã hội tất nhiên là chưa có nên các thông tin về sách giáo khoa chưa được mọi người biết nhiều như bây giờ. Hơn nữa, sách giáo khoa năm 2000 được đầu tư nhiều hơn, cả nước chỉ tập trung 1 bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Điều này, cũng được thầy Nguyễn Minh Thuyết đã khẳng định trong một bài viết gửi đến Báo VnExpress vào ngày 12/11/2014 như sau: “Bộ sách giáo khoa hiện hành được dạy thử nghiệm 4 năm ở hàng trăm trường, với sự tham gia của hàng trăm nghìn giáo viên và học sinh mà khi triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nếu lần này, đề án đổi mới chỉ chủ trương dạy thử nghiệm những nội dung mới và giao việc này cho các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tự thực hiện, tự đánh giá thì khó có thể yên tâm về chất lượng và tính khả thi của những bộ sách giáo khoa đó”. [1] Lúc đó, thầy Thuyết còn phản đối đề án Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ, nên thầy Thuyết đã đề xuất: “Theo tôi, có thể chọn một phương án khác là trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chương trình, sách giáo khoa hiện hành một cách cụ thể hơn, chúng ta giữ lại những bộ sách phù hợp, chỉ thay những quyển sách, những nội dung không phù hợp. Ưu điểm của phương án này là phù hợp với thời gian biên soạn, thử nghiệm, tập huấn quá ngắn và đỡ tốn kém cho ngân sách nhà nước”. [1] Thế nhưng, khi thầy Nguyễn Minh Thuyết được mời làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới thì thầy Thuyết đã có nhiều những phát ngôn ngược lại. Nhất là khi Bộ Giáo dục đã thẩm định, phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 thì chúng ta đã không còn thấy một thầy Thuyết đứng về cái chung nữa, thậm chí có cả những chia sẻ mà đáng lẽ ra không nên nói… Chẳng hạn, khi nói về việc các địa phương chọn sách Cánh Diều và sách của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam thì thầy Thuyết đã chia sẻ: “Tôi chỉ biết là bộ sách Cánh Diều là bộ sách được lựa chọn với tỷ lệ cao nhất trong 5 bộ sách giáo khoa. Nhưng tôi cũng được biết là có những chuyện không được hay lắm trong cạnh tranh. Nhiều tỉnh thành đã đảo ngược kết quả lựa chọn của cơ sở, làm giảm tỷ lệ chọn Cánh Diều. Nhưng mà thôi, nói cho cùng đó cũng là chuyện của thị trường. Phải qua thực tế sử dụng mới biết sách phù hợp đến đâu với học sinh, giáo viên và điều kiện thực hiện của địa phương”...[2] Giá như thầy Thuyết chỉ làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018… Thực tế cho thấy trong các vấn đề xã hội thì ngành giáo dục luôn được mổ xẻ nhiều nhất và khó nhận được sự đồng thuận nhất của xã hội. Ngay cả người đứng đầu ngành giáo dục nhiều nhiệm kỳ qua cũng chưa thấy ai có thể làm hài lòng dư luận… Vì thế, vai trò Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 phải nói là rất khó và người được Bộ “chọn mặt gửi vàng” là thầy Nguyễn Minh Thuyết. Tuy nhiên, lúc mà Chương trình tổng thể, Chương trình môn học thông qua thì cũng là lúc thầy Thuyết đã bước sang tuổi 70 của mình… Nếu, mọi chuyện chỉ dừng lại tại đây, chúng tôi tin tiếng nói của thầy Thuyết sẽ khách quan và có trọng lượng khi nói về các bộ sách giáo khoa bây giờ. Nhưng, có lẽ vì uy tín của thầy Thuyết quá lớn nên các nhà xuất bản đã mời thầy Thuyết tham gia làm Tổng chủ biên sách Tiếng Việt (Cánh Diều) từ khi chương trình môn học… còn chưa được thông qua chính thức. Vì thế, ở cái tuổi đã ngoài 70 như bây giờ nhưng mấy tháng trước năm học 2020-2021 này thì thầy Thuyết phải liên tục tất bật ở nhiều địa phương để tập huấn cho giáo viên tiểu học. Và, những ngày qua thì sách giáo khoa môn Tiếng Việt 1 (Cánh Diều) do thầy Thuyết làm Tổng chủ biên liên tục bị báo chí phản ánh về những nội dung, từ ngữ không phù hợp và thầy Thuyết lại phải liên tục trả lời các tờ báo về vấn đề này. Nhưng, bây giờ thầy Thuyết chỉ còn nói nhiều về sách Cánh Diều mà thôi… Giá như thầy Thuyết không làm Tổng chủ biên môn Tiếng Việt (Cánh Diều) có lẽ thầy Thuyết sẽ thanh thản hơn vào lúc này… Và, khi nhận xét về các bộ sách thì thầy Thuyết sẽ khách quan hơn để nói về những ưu điểm, nhược điểm của từng bộ sách, thậm chí thầy làm trong ban thẩm định sách giáo khoa nữa thì còn gì tốt hơn. Nhưng, bây giờ…! Tài liệu tham khảo: [1] https://vnexpress.net/bon-cau-hoi-ve-de-an-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-3104517.html [2] https://ngaynay.vn/giao-duc/gs-nguyen-minh-thuyet-co-nhung-chuyen-khong-hay-lam-trong-canh-tranh-sach-giao-khoa-180235.html (Theo GDVN) THANH AN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét