PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt:
Cần thu hồi, sửa toàn bộ sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều
Cập nhật lúc 08:02 Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện
Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, cần phải thu hồi để sửa toàn bộ sách Tiếng
Việt 1, Cánh Diều, chứ không thể để cho học sinh tiếp tục học, tiếp nhận cái
sai, làm khổ trẻ như vậy được.
Không thể nói những lỗi sai chỉ là “nội dung chưa phù hợp” Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo về việc thống nhất
tiếp thu và điều chỉnh một số nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa môn
Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Quan điểm ông về việc này như thế nào?
Như tôi đã nói,
nhiều nội dung trong sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều không phải là hạt sạn, mà
là sai cơ bản, không thể có trong một cuốn sách dạy tiếng Việt. Thứ nhất, về hệ
thống vốn từ cung cấp cho các em không đạt. Đối với dạy tiếng Việt, hệ thống
vốn từ cung cấp phải đạt được, kể cả không hay thì cũng phải chuẩn. Nhưng ở
đây, hay đã không đạt mà chuẩn cũng không đạt. Thứ hai, về văn
hóa cũng không đạt, các từ đưa vào sách rất thiếu văn hóa. Ngoài ra, còn
là sự xào xáo, phóng tác các truyện ngụ ngôn rất tùy tiện, không theo một
nguyên tắc nào cả, làm hỏng tư duy logic của các em. Cho nên, cũng
không thể nói đó là những “nội dung chưa phù hợp” được. “Chưa phù hợp” hay
“hạt sạn” là cách nói giảm nhẹ và không chính xác. Từ lý do đã nêu
trên, theo tôi, không nên sửa, bởi kể cả có sửa cũng sẽ vẫn cho ra một sản
phẩm kém chất lượng, vừa mất thời gian, vừa làm khổ học sinh. Còn nếu vẫn cố
sửa thì phải sửa toàn bộ, biên soạn lại, chứ không phải theo kiểu nhặt ra vài
lỗi rồi sửa theo kiểu chắp vá. Đặc biệt là
phải thay, không thể để đội ngũ biên soạn sách lại đồng thời là người sửa sách được. Vì sao ông lại nói cần thay, không để người biên soạn tự
sửa sách? Một cuốn sách
dạy tiếng Việt mà trình độ tiếng Việt của người viết không đảm bảo thì làm
sao tự sửa lỗi của mình được? Điều đó đã thể hiện rất rõ trên văn bản. Đến
mức người không được đào tạo cũng còn nhận ra, chứ chưa nói, đối với các nhà
chuyên môn thì đây là một sản phẩm quá yếu kém. Người biên soạn ở đây
yếu cả về tiếng Việt, cả về văn học, văn hóa và phương pháp luận.
Ví dụ với việc
phỏng theo truyện ngụ ngôn, dân gian, những người biên soạn có hiểu thế nào
là phỏng theo, phóng tác hay không? Một trong những nguyên tắc của phóng tác
là phải giữ được tinh thần nguyên tác, không được sai về hình tượng, nội dung
chính của tác phẩm, nếu có sáng tạo chỉ là sáng tạo tiểu tiết. Còn một số bài
tập đọc trong sách là sai hẳn về tinh thần nguyên tác, không muốn nói là bịa
đặt, vi phạm bản quyền của tác giả. Chẳng hạn Bài
“Ve và gà” là truyện được phỏng theo nguyên tác của truyện ngụ ngôn “Kiến và
con ve sầu (đã được in trên báo từ năm 1883). Việc thay ve bằng gà trong sách
Tiếng Việt 1, Cánh Diều thể hiện sự kém hiểu biết về lô gic, về cuộc sống, về
ý nghĩa hình tượng của văn học. Gà không tích lũy thức ăn như kiến, gà cũng
có thể mổ ve luôn làm thức ăn, chứ nói gì đến giúp đỡ. Nếu cứ theo cách làm
tùy tiện như vậy, sau này vì lý do nào đó có người lại bịa ra ngụ ngôn, lấy
con ve với con chó, con ve với con voi làm hình ảnh, thì sẽ ra sao? Chúng ta cứ
luẩn quẩn do không chịu thừa nhận cái sai. Tôi cho rằng, không thể để những
người với năng lực có hạn về tiếng Việt, trình độ hiểu biết kém về văn học
thế này tiếp tục làm công việc sửa sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều.
Nếu không thay toàn bộ thì cũng phải thay gần hết đội ngũ biên soạn may ra
mới có thể tạm yên tâm được. Vậy đối với học sinh, liệu có thể tiếp tục học trong lúc
chờ sửa không, thưa ông? Theo tôi thì
không! Đã là sai nghiêm trọng như vậy thì cần phải thu hồi ngay và dừng ngay việc giảng dạy sách. Nếu
cứ bắt học trò tiếp tục học cái sai, để những cái sai đó nhiễm vào
trong tư duy, nhận thức, sau này sửa lại thế nào? Hơn nữa, khi cắp sách tới
trường, các em cần được đảm bảo chất lượng nhiều mặt về giáo dục. Không thể
nào vừa học lại vừa chờ các nhà nghiên cứu hay xã hội tranh luận, rồi lại chờ
nhà biên soạn sửa sách. Tổ chức quản lý kiểu như vậy thì làm khổ trẻ thơ quá. Bộ GD&ĐT
phải quyết liệt và chịu trách nhiệm giải quyết việc này. Phải đặt lợi ích của
người học lên trên những lợi ích khác, không thể sai chồng lên sai được. Không được cản giáo viên phát ngôn về sách giáo khoa Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy, cũng sẽ nắm được
những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa. Tuy nhiên, đã có những phản ánh
cho biết, một số giáo viên không dám lên tiếng, thậm chí bị
các lãnh đạo nhà trường ngăn cản đưa ra những quan điểm về sách. Ý
kiến của ông thế nào về việc này? Tôi cho rằng,
việc thu thập ý kiến của giáo viên là một trong những điều rất quan trọng, vì
giáo viên là người trực tiếp sử dụng hoặc có chuyên môn. Nếu giáo viên
không được bày tỏ suy nghĩ thật của mình về sách giáo khoa, tức là đã
rơi vào tình trạng phải nói dối, hoặc làm việc dối với lòng mình. Đó là điều
rất nguy hiểm. Một trong những lý do được đưa ra là học sinh đã đang học
rồi, nên những nhận xét có thể ảnh hưởng tới việc dạy và học, gây hoang
mang cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Hơn nữa, những ý kiến trên
truyền thông có thể cũng chỉ mang tính chất cá nhân? Tôi cho rằng
đây là một nhận thức hoàn toàn sai lầm. Kể cả những việc chúng ta đang
làm mà sai nghiêm trọng thì chúng ta phải tỉnh táo nhìn lại cơ mà. Giả sử ý kiến
chỉ của một vài người thì có thể nói không khách quan. Nhưng ở đây là ý kiến
đông đảo của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà giáo dục... đủ mọi tầng
lớp trong xã hội. Nhất là khi, chính Bộ GD&ĐT cũng có văn bản cho
biết, mong sẽ tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp, để SGK ngày càng hoàn
thiện. Vậy thì vì sao các lãnh đạo nhà trường vẫn bảo thủ, ngăn cản giáo
viên? Việc vin vào cớ gây hoang mang là sự ngụy biện, vô trách nhiệm. Điều này sẽ gây hệ lụy thế nào, thưa ông? Tôi cho rằng
đây là vấn đề quyết liệt sống còn của dân tộc. Nếu chúng ta dạy dỗ lớp trẻ
không đúng thì lớp trẻ không đủ khả năng xây dựng được đất nước tiến
lên, thậm chí không giữ được đất nước. Là người quản
lý giáo dục, lẽ ra khi có sự cố, cần phải biết tiếp thu những ý kiến của quần
chúng để làm cho nền giáo dục tốt hơn, đó mới là những người có tâm huyết với
giáo dục, có trách nhiệm với dân tộc. Chứ còn chỉ biết gật đầu, rập
khuôn máy móc, lo sợ cho cái ghế của mình thì rất nguy hiểm. Nếu có chuyện
giáo viên bị lãnh đạo ngăn cản đưa ra ý kiến, để ảnh hưởng tới giáo dục
lớp trẻ thì theo tôi phải nghiêm túc kiểm điểm, và tốt nhất những người ngăn
cản này không nên làm trong hệ thống giáo dục nữa. Phải đảm báo chất lượng đội ngũ biên soạn sách Từ sự việc này, theo ông, cần rút kinh nghiệm gì trong
việc soạn và thẩm định sách giáo khoa tiếp theo? Theo tôi, một
sai lầm chúng ta đang vướng phải, kể cả trước đây và hiện nay là lệ thuộc vào
cái danh, mà không hiểu rằng có những cái danh không thực chất. Với những
việc quan trọng như soạn sách giáo khoa, Nhà nước cần kiểm tra hồ sơ của từng
người tham gia biên soạn xem họ có đủ năng lực thực sự hay không? Ví dụ, xem họ
đã có bao nhiêu trong công trình nghiên cứu, đã có kinh nghiệm soạn bao nhiêu
sách? Hay họ chỉ vài ba cuốn chưa đủ thể hiện bản lĩnh chuyên môn? Tôi không ám chỉ
ai cả, nhưng có những người khoác danh phó giáo sư, giáo sư nhưng không hề có
công trình đáng kể, hoặc không có chuyên luận nào; hoặc chỉ có vài ba
công trình không phải là công trình nghiên cứu chuyên môn thực sự, tri thức
không có uy tín trong ngành, thậm chí kiến thức còn thua xa những người không
phải là PGS, GS. Nếu những bộ sách quan trọng thế này được giao vào tay họ
chắc chắn sẽ không tránh khỏi những sai sót, sự cố. Đối với hội
đồng thẩm định, làm việc phải công tâm, và dám nói cái sai, chứ không thể nể
nang, cho qua. Và có cần phải thử nghiệm dạy trước khi xuất bản
sách không, thưa ông? Việc thử nghiệm
là rất cần thiết nhưng quan trọng là khi thử nghiệm không bị tác động bởi áp
lực nào. Chứ nếu bên trong thử nghiệm lại có áp lực thì vẫn thất bại. Cũng
giống như việc đánh giá sách giáo khoa, ngăn cản ý kiến giáo viên vậy. Theo tôi, từ
những việc xảy ra, có hai vấn đề cần làm: Một, nếu tiếp tục một chương trình
nhiều bộ sách giáo khoa thì phải thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt những
biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng những bộ sách theo phương thức xã
hội hóa. Hai là cần xem
xét lại việc xã hội hóa sách giáo khoa. Một chương trình, nhiều sách giáo
khoa là tốt, hợp với giáo dục hiện đại. Nhưng còn tùy vào từng hoàn cảnh, bối
cảnh đất nước, phải có sự đồng bộ từ nhiều thứ. Với hoàn cảnh
đất nước ta hiện nay, việc Nhà nước bỏ kinh phí, mời một đội ngũ các nhà khoa
học, nhà giáo, nhà văn… để soạn một bộ sách chuẩn cho học sinh học,
không cần đề tên tác giả biên soạn, để mọi ý kiến đóng góp, phản biện đều
khách quan, tránh ngại ngần, va chạm cũng là phương án có thể nghiên cứu, xem
xét. Trân trọng cảm ơn ông! Sách Tiếng
Việt là phải dạy ngôn ngữ văn học và khẩu ngữ văn học. Ngôn ngữ văn học là để
tiếp cận những văn bản mang tính chính quy. Còn khẩu ngữ văn học là để rèn
luyện giao tiếp cho thể hệ trẻ làm sao nói cho đúng, hay. Chứ không phải dạy
khẩu ngữ không có văn hóa. Ví dụ, trong cuộc sống đầy câu chửi bậy nhưng làm
sao có thể đưa vào sách dạy được? Xã hội nào cũng vậy, phải dạy cái tốt trước,
sau đó trên cơ sở cái tốt mới phân biệt được cái xấu. Chứ còn dạy cái xấu
trước lại nhiễm cái xấu trước thì làm sao mà gột rửa? Lý lẽ cho rằng, phải
dạy cả khẩu ngữ thô tục, sống sượng là sai, là ngụy biện. (Theo khoahocdoisong.vn) - MAI LOAN THỰC HIỆN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét