Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Môi trường

 

  

SINH MẠNG CHÂU THỔ SÔNG HỒNG NHƯ CÁI MÓNG TAY

Cập nhật lúc 09:04               

 Khi nghe tin một đại diện của Bộ KH&ĐT phát biểu (cái gọi là) “Dự án giao thông đường thủy xuyên Á” của công ty Xuân Thiện, tuy chỉ mới xin chủ trương nhưng đã nhận được sự đồng thuận cao của nhiều bộ ngành và các tỉnh, thì tự ứa nước mắt mà than rằng:

Sinh mạng châu thổ sông Hồng như cái móng tay!

 


AI XÂY DỰNG NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH VÀ SƠN LA TRÊN SÔNG ĐÀ?

Sau ngày thống nhất, cả đất nước náo nức đón tin khởi công xây dựng nhà máy thuy điện Hòa Bình trên sông Đà vào ngày 6-11-1979. Hơn 15 năm sau, ngày 20-12-1994 nhà máy thủy điện Hòa Bình mới khánh thành. Thiết kế và thi công nhà máy thủy điện Hòa Bình là Liên Xô.

Liên Xô là một cường quốc với nhiều nhà khoa học tài giỏi, đã từng xây dựng nhiều nhà máy thủy điện lớn trên các sông lớn Volga, Obi, Enisei và Lena. Bởi vậy khi giao sinh mệnh nhà máy thủy điện Hòa Bình vào tay Liên Xô, không ai lo sợ.

Để xây dựng được những nhà máy thủy điện như Hòa Bình cần có những nhà khoa học giỏi, các tổng công trình sư giỏi, các đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật lành nghề. Đối với nước ta, công trình xây dựng nhà máy thủy điện Hòa bình là công trình thế kỷ.

Nhà máy thủy điện Sơn La được khởi công vào năm 2005, nhưng từ 30 năm trước đã được khảo sát nghiên cứu bởi các chuyên gia của Viện thủy điện và Công nghiệp Matxcơva (Nga), Công ty Electricity and Power Distribution ( Nhật Bản), Công ty Designing Research and Production Shareholding ( Nga ) và SWECO của Thụy Điển. Thủy điện Sơn Là do EVN chủ trì và Tổng công ty xây đựng sông Đà là nhà thầu chính.

Chính nhờ Liên Xô mà đến nay nhà máy thủy điện Hòa Bình chưa xẩy ra các sự cố hay hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa, có thể yên tâm lâu dài trong tương lai.

Còn nhà máy thủy điện Sơn La, với sự khảo sát nghiên cứu kỹ lưỡng, dưới sự giám sát thiết kế và thi công của các chuyên gia nước ngoài hàng đầu về xây dựng nhà máy thủy điện, cộng với tiến bộ công nghệ và kinh nghiệm từng trải từ xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình của Tổng công ty sông Đà, chúng ta hy vọng và cầu mong là sẽ không xẩy ra những hậu họa.

AI SẼ XÂY DỰNG NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN TRÊN SÔNG HỒNG?

Còn bây giờ, ai sẽ là chủ đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Hồng?

Đó là Công ty Xuân Thiện, một công ty con trong nhóm công ty mẹ Xuân Thành, với số vốn đăng ký trên giấy, là 1200 tỷ đồng.

Chúng ta không thể né tránh những câu hỏi sơ đẳng hiển nhiên xuất hiện, mà câu trả lời lại có ngay tức thì :

1. Các chuyên gia khoa học quốc tế nào đã khảo sát, nghiên cứu và đề xuất xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Hồng?

Câu trả lời: Chưa có, sẽ thuê sau.

2. Công ty Xuân Thiện có tiềm lực gì về khoa học kỹ thuật?

Câu trả lời: Không có gì.

3. Công ty Xuân Thiện có những chuyên gia hàng đầu nào về xây dựng nhà máy thủy điện trên sông?

Câu trả lời: Không có ai.

4. Công ty Xuân Thiện có kinh nghiệm gì về xây dựng nhà máy thủy điện trên sông lớn?

Câu trả lời: Không có.

5. Công ty Xuân Thiện bổ nhiệm ai làm Tổng công trình sư thiết kế nhà máy thủy điện trên sông Hồng?

Câu trả lời: Chưa có, sẽ thuê sau.

6. Công ty Xuân Thiện bổ nhiệm ai làm Tổng công trình sư xây dựng nhà máy thủy điện?

Câu trả lời: Chưa có, sẽ thuê sau.

7. Công ty Xuân Thiện đã có công ty là nhà thầu xây dựng chính?

Câu trả lời: Chưa có, sẽ thuê sau.

8. Công ty Xuân Thiện đã có đủ nguồn tài chính để xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Hồng?

Câu trả lời: Không có đủ, sẽ đi vay.

Có thể kéo dài chuỗi các câu hỏi mà kết quả trả lời tức thì: không có, chưa có, sẽ thuê sau, sẽ đi vay.

Một người có tư duy bình thường cũng biết ngay rằng, công ty Xuân Thiện không mảy may có năng lực để xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Hồng.

Công ty Xuân Thiện chỉ là cai đầu dài, mọi thứ sẽ đi thuê và bán lại.

Vậy thì câu hỏi tự nhiên là : Công ty Xuân Thiện sẽ thuê ai thiết kế, mua thiết bị của ai, và bán thầu lại cho ai?

Chúng ta đã chứng kiến những nhà máy xi măng, nhiệt điện, thủy điện với công nghệ lạc hậu ô nhiễm rải khắp đất nước ta có xuất xứ từ Trung Quốc. Và nếu giao dự án cho công ty Xuân Thiện, thì kết cục cũng tương tự như vậy, người thắng dự án sẽ là Trung Quốc.

AI SẼ TRỊ THỦY SÔNG HỒNG?

Một số người ủng hộ dự án (mà tại sao ủng hộ, thì mọi người đã rõ), vin cớ mới chỉ cho chủ trương, dựa vào những mỹ từ, như cần thiết cải thiện năng lực giao thông đường thủy, và to tát hơn nữa là trị thủy sông Hồng.

Trị thủy sông Hồng là vấn đề lớn của quốc gia, đòi hỏi trí tuệ không chỉ của tập thể nhiều nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu trong nước, mà còn phải nhờ cả vào kinh nghiệm và tư vấn của các chuyên gia quốc tế.

Hãy nhìn vào việc bổ nhiệm tổng công trinh sư chủ trì các dự án quan trọng của các nước khác, thi suy ra rằng, chủ trì vấn đề trị thủy sông Hồng là công việc của các nhà khoa học tài giỏi, các nhà quản lý có tầm nhìn xa, dày dạn kinh nghiệm. Chủ trì vấn đề trị thủy sông Hồng phải là Nhà nước.

Không thể giao một vấn đề hệ trọng của đất nước cho một công ty tư nhân cỏn con, mới thành lập hơn chục tuổi đời, với người đứng đầu đơn thuần là một thương nhân, chân ướt chân ráo giàu lên nhờ cơ chế và các dự án nhà nước.

AI ĐƯỢC LỢI NHIỀU NHẤT TỪ DỰ ÁN NÀY?

Chưa nói đến sông Lô thì Sông Đà đã chiếm đến 55% lượng nước của sông Hồng. Bởi vậy lượng nước của sông Hồng phần thượng lưu (sông Thao) thuộc hai tỉnh Lao Cai, Yên Bái không lớn, nên làm thủy điện ở khu vực này (chưa nói đến hệ quả) là không kinh tế.

Nhưng tại sao công ty Xuân Thiện vẫn muốn xin dự án?

Một trong những mục tiêu chính của công ty Xuân Thiện là thu phí đường thủy. Gồm 2 nguồn nội địa và Trung quốc.

Những người dân hiện đang sống nhờ vào dòng chảy sông Hồng rồi đây sẽ bỗng nhiên phải đóng phí đường thủy. Thuyền bè của họ vẫn xuôi ngược dòng chảy như trước, chẳng nhanh hơn được, nhưng bây giờ thì phải trả thêm phí. Trên đường bộ, không đi đường này thì còn có đường khác, nhưng dòng sông là duy nhất, họ không có phương án thay thế để lựa chọn. Còn mức phí thì sẽ tăng dần lên mà không kêu đến ai được.

Việc nạo vét lòng sông rồi sẽ chỉ làm đại khái lấy cớ. Vét 1 triệu m3 thì khai lên 10 triệu. Dưới lòng sông ai đếm mà đo. Kiểm tra, thanh tra, nghiệm thu… có vẽ ra bao nhiêu phương thức, cuối cùng cũng xuôi lọt. Nạo vét làm hờ, thu phí làm thật.

Nguồn thu phí thứ hai của công ty Xuân Thiện – nhờ vào lượng vận tải hàng hóa từ Vân Nam theo sông Hồng về cảng Hải Phòng và ngược lại. Công ty Xuân Thiện trông chờ vào đây như là một nguồn lợi lớn. Và xa hơn là nguồn thu từ chuyển giao từng phần hay toàn bộ dự án.

Nhưng tiếc thay, người được lợi nhiều nhất trong dự án này, không phải công ty Xuân Thiện, mà là Trung Quốc. Chưa nói đến các lợi ích ngầm, có thể nhìn thấy các lợi ích rành rành sau đây của Trung Quốc.

1. Sông Hồng trở thành tuyến đường giao thông đường thủy của Trung Quốc. Giúp cho tỉnh Vân Nam và một phần khu vực tây nam Trung Quốc thông thương ra biển Đông.

2. Trung Quốc sẽ dành được phần lớn các phần việc của nhà máy thủy điện, bao gồm khảo sát thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, và thi công.

3. Tiếp tục chiến lược xuất khẩu hàng hóa và người ra nước ngoài sinh sống.

4. Nắm giữ thông tin và kiểm soát hoạt động của Việt Nam dọc tuyến sông Hồng.

Đó là chưa kể đến việc giao nạo vét sông Hồng cho Trung Quốc. Nếu việc này xảy ra thì Việt Nam sẽ rước thêm họa lớn.

Một mũi tên trúng nhiều đích của Xuân Thiện còn ở khai thác sa khoáng và bán cát sỏi xây dựng. Người dân khai thác cát sỏi phải nộp phí và còn bị kết tội lậu. Riêng Xuân Thiện thì miễn phí, công khai, hợp pháp.

Để ra đời dự án này của Xuân Thiện tất có kẻ tiếp tay vẽ đường cho hưu chay. Kẻ tiếp tay vẽ đường cho hưu chạy này là ai?

TIỀN KHÔNG LÀ TẤT CẢ

Không phải có tiền là thuê được, mua được. Giàu như các nước Ả rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, họ có thể mua được nhiều thứ, nhưng mà không mua được bom nguyên tử, chưa chế tạo được tên lửa. Nhưng nước bé như Israel thì không phải mua mà có.

Không phải cứ có tiền là làm chủ được các dự án lớn liên quan đến khoa học kỹ thuật và công nghệ. Đất nước hùng cường nhờ khoa học và công nghệ.

Cá nhiễm độc chết ở Vũng Áng, nguyên nhân dường như đã rõ, thế mà còn phải mời chuyên gia từ Mỹ, Đức, Israel sang giúp đỡ. Từ đó mới thấy, tiền có thể đẻ ra dự án, nhưng không thể đẻ ra tài năng giải quyết hậu quả dự án. Dăm chục triệu đô la không bõ bèn gì cho vấn đề trị thủy sông Hồng, càng là vô nghĩa trước sinh mệnh hàng chục triệu đồng bào châu thổ sông Hồng, vô nghĩa trước vận mệnh Dân Tộc.

Nếu có tiền, hãy đầu tư vào công nghệ cao, hãy chế tạo máy bay tên lửa, thậm chí cả công nghệ hạt nhân.

Tiếc rằng, đến công nghiệp phụ trợ, như sản xuất ốc vít vỏ điên thoại di động mà còn chưa làm nổi, thì bao giờ mơ được tên lửa!

ĐỪNG TRIỆT HẠ LONG MẠCH ĐẤT NƯỚC

Khi các nhà khoa học muốn tìm sự sống ở hành tinh khác, họ quan tâm đến ở đó có nước hay không.

Có người nói hai tỉnh có ảnh hưởng nhiều nhất là Yên Bái và Lao Cai đều đồng thuận với dự án, thì có nghĩa là họ không thấy được sự nguy hại to lớn sâu xa của vấn đề.

Trung Quốc và Lào xây dựng thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công thì hậu quả nặng nhất là đồng bằng sông Cửu Long.

Tác hại lớn của thủy điện ở thượng nguồn sông Hồng không phải ở nơi xây dựng Lao Cai, Yên Bái, mà là ở các tỉnh nằm ở hạ lưu như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên.

Nhưng tác hại lớn nhất của thủy điện sông Hồng nằm ở thủy mạch.

Sau thủy điện Hòa Bình và Sơn La, dòng sông Đà đoạn Hòa Bình - cầu Trung Hà trong vắt. Giờ làm thêm thủy điện ở sông Thao, thì sông Hồng rồi chắc phải đổi tên.

Hàng triệu năm, đời nối đời, đồng bào Lạc Việt sinh sôi nảy nở nhờ vào thủy mạch của hệ thống sông Hồng. Nhờ mạch nước hệ thống sông Hồng mà khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, cây cối, lúa đậu ngô khoai xanh tốt.

Nay đắp đập ngăn sông, là thay đổi không chỉ sự lưu thông dòng nước ở các sông mà cả hệ thống mạch nước ngầm dưới lòng đất; thay đổi lượng phù sa và sinh vật trong lòng sông; thay đổi cả hệ thống sinh thái.

Từ đó thay đổi cả nguồn sống và môi trường sống của toàn bộ cư dân trong lưu vực của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và liên đới tới cả vùng Bắc Trung bộ.

Sự chuyển động mạch nước ngầm trong lòng đất sẽ kéo theo sự biến đổi khôn lường trên bề măt.

Triệt hạ thủy mạch sông Hồng chính là triệt hạ long mạch muôn đời của Lạc Việt.

CHÚNG TA ĐANG TRAO ĐẤT NƯỚC VÀO TAY AI?

Như con bò bị tùng xẻo, Đất nước đang bị xẻo nát.

Những vị trí đất đai thuận lợi, cùng với các dự án béo bở đang được trao cho các nhóm lợi ích.

Những dự án trên bộ đã được phân chia, và nay là thời điểm người ta ngó đến các dòng sông.

Dòng sông là của thiên nhiên, của chung cả thiên hạ. Thế mà nay lấy cớ nạo vét, lưu thông, trị thủy để lấy của thiên hạ giao cho cá nhân.

Có sự bất công nào hơn! Có sự liều lĩnh nào hơn!

Bao giờ thì người ta phân chia biển đảo? Ở phương diện này Trung quốc đã đi quá xa.

Nhiều vị trí xung yếu của Việt Nam đang nằm trong tay các nhà đầu tư Trung Quốc. Rải khắp từ Nam ra Bắc. Hết Tây Nguyên đến Đèo Ngang, và bây giờ là thủy mạch Hồng Hà.

Những giọt nước mắt nuốt vào trong của hàng triệu đồng bào Lạc Việt sẽ hoà quyện vào thuỷ mạch Hồng Hà, âm vang đến trời xanh, cảm động cả quỷ thần, thức tỉnh những lương tri mê muội, nhấn chìm những đập tràn đen tối.

Đừng đùa với thủy mạch.

Đừng để thiên nhiên phải nổi giận.

Đừng xem sinh mạng châu thổ sông Hồng như cái móng tay.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Theo Facebook Nguyễn Ngọc Chu

Khoa học-Giáo dục

 

Rà soát ứng viên GS, PGS ngành Dược, ngành Y: Vẫn chưa đồng thuận tuyệt đối

Cập nhật lúc 08:00            

GS. TS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, nói rằng, nhiều ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) không đạt tiêu chuẩn quy định của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, nhưng báo cáo rà soát của hai hội đồng giáo sư ngành Dược và Y học lại cho kết quả ngược lại.


GS. Nguyễn Ngọc Châu khẳng định sẽ thẩm định lại lần nữa hồ sơ các ứng viên trong danh sách bị “tố” (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Có ứng viên xin rút

Ngày 30/10, Hội đồng Giáo sư (HĐGS) ngành Dược  và ngành Y có văn bản báo cáo lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) về kết quả rà soát nội dung góp ý của GS.TS Nguyễn Ngọc Châu liên quan một số ứng viên xét công nhận giáo sư, phó giáo sư của hai ngành. Theo báo cáo, ngành y có 33 ứng viên GS, PGS được phản ánh và đề nghị xem xét thẩm định lại, trong đó bao gồm các ứng viên không đủ phiếu tín nhiệm khi bầu tại HĐGS ngành Y học, một số ứng viên đã có đơn xin rút khỏi danh sách ứng viên năm 2020.

Theo báo cáo, có 4 ứng viên có các bài báo đã được chấp nhận đăng  trên tạp chí quốc tế trước ngày 30/6 (thời điểm kết thúc nhận hồ sơ xét công nhận của các ứng viên), nhưng đến nay chưa được xuất bản chính thức. HĐGS ngành Y cho rằng, các bài báo này vẫn được hội đồng chấp nhận vì chậm đăng bài do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nếu trước phiên họp của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) mà các bài báo trên chưa được xuất bản chính thức thì không được đưa vào để tính số lượng bài báo quốc tế uy tín.Vì thế, ngay sau cuộc họp của hai HĐGS kết thúc, hội đồng ngành đã báo cáo HĐGSNN cũng như thông báo cho các ứng viên này về việc này. Như vậy, việc các ứng viên là tác giả các bài báo này có được đưa vào danh sách HĐGSNN xét hay không là chưa chắc chắn.

Với nhóm ứng viên được cho là có bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế không uy tín, các HĐGS ngành Y, Dược và GS Nguyễn Ngọc Châu đã họp và thống nhất cách hiểu thế nào là tạp chí quốc tế uy tín. Theo đó, những tạp chí quốc tế được cho là uy tín gồm tạp chí nằm trong các danh mục WOS (ISI), Scopus, Pubmed, ESCI theo quy định của HĐGSNN. Ngoài ra, còn có một số tạp chí cụ thể theo nghị quyết của các hội đồng ngành. Riêng ngành Y cũng đã có một nghị quyết, trong đó thông qua danh sách tạp chí quốc tế uy tín (tại phiên 2 của HĐGS ngành Y ngày 17/9). Thời gian xuất bản được tính khi các tạp chí uy tín còn nằm trong danh mục và chất lượng bài báo quốc tế uy tín là quan trọng nhất.

Với các ứng viên GS, PGS ngành Y đăng bài trên các tạp chí quốc tế về Dược học, cả 3 bên đều thống nhất: khoa học sức khoẻ là rất rộng, giao thoa nhiều chuyên ngành, đồng thời phải tôn trọng lĩnh vực xuất bản của các tạp chí quy định. Chất lượng bài báo quốc tế uy tín do các giáo sư thẩm định và được các hội đồng thông qua phải ở mức đạt yêu cầu trở lên thì mới được chấp nhận.

Với nội dung liên quan bài báo quốc tế, báo cáo cho biết, số lượng ứng viên ngành Y được rà soát là 29 người, trong đó có 2 ứng viên PGS không đủ phiếu tín nhiệm của HĐGS ngành Y khi bầu, 1 ứng viên không đủ bài báo quốc tế và 1 ứng viên PGS thiếu thâm niên giảng dạy đã có đơn gửi HĐGSNN và HĐGS ngành Y xin rút khỏi danh sách ứng viên PGS năm 2020.

Kết quả rà soát cho thấy, có 25 ứng viên đủ điều kiện về các bài báo quốc tế uy tín. Nếu đến trước ngày HĐGSNN họp mà cả 4 ứng viên có các bài báo quốc tế hiện ở trạng thái “được chấp nhận đăng” chuyển sang trạng thái “đã được xuất bản” thì ngành Y sẽ có 29 ứng viên GS, PGS đủ điều kiện đưa vào danh sách để HĐGSNN xét duyệt.Như vậy, trong danh sách 40 ứng viên GS, PGS mà HĐGS ngành Y đề nghị HĐGSNN xét duyệt sẽ giảm tối thiểu 2 người (đã xin rút), tối đa 6 người (nếu đến ngày HĐGSNN họp mà các bài báo diện “được chấp nhận đăng” của tất cả 4 ứng viên vẫn chưa được đăng). Điều này có nghĩa chỉ có 2 ứng viên bị hội đồng “xét nhầm”.

Sẽ thẩm định lại

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 30/10, GS. Châu khẳng định, kết quả rà soát các ứng viên của hai HĐGS ngành Y và ngành Dược là các hội đồng làm, ông không can dự vào quá trình đó. GS. Châu cho biết, ông không đồng ý với quan điểm đối với các bài báo đã được chấp nhận đăng và đã có thông báo, xác nhận của cơ quan tạp chí trước ngày 30/6 vẫn được hội đồng chấp nhận với lý do chậm đăng bài do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nếu trước phiên họp của HĐGSNN mà các bài báo trên chưa được xuất bản chính thức thì không được đưa vào để tính số lượng bài báo quốc tế uy tín,vì về nguyên tắc, đến thời điểm chốt hồ sơ vẫn chưa được đăng thì không được tính.

GS. Châu cũng khẳng định, ông sẽ thẩm định lại một lần nữa vì số lượng ứng viên bị loại sau kết quả rà soát của hai HĐGS ngành quá ít. Nhiều ứng viên trong số này không có đủ bài báo khoa học uy tín vì tạp chí đó đã bị loại khỏi danh mục ISI hoặc SCoupus tại thời điểm nộp hồ sơ hay có nhiều bài không nằm trong danh mục uy tín nào. “Điều này không được hai hội đồng đề cập đến”, ông nói.

GS. Châu cho biết, trong cuộc họp với hai HĐGS ngành Y và Dược, chỉ có một điều ông “nhân nhượng” là ứng viên có nhiều bài trên một phụ trương xuất bản. Do quy định của HĐGSNN không cấm nên ứng viên không phạm luật. Những ứng viên trong danh sách thẩm tra của ông phần lớn có bài trong những tạp chí đã bị loại hoặc không có tên trong danh sách nào, thậm chí cả danh mục Pubmed. Theo GS. Châu, Pubmed không có ý nghĩa. “Tôi ngạc nhiên vì số ứng viên được thông qua lại nhiều như thế”, ông nói.

Báo cáo gửi HÐGSNN cũng cho biết, HÐGS ngành Dược có 10 ứng viên, trong đó có 2 ứng viên GS, 8 ứng viên PGS. Sau khi rà soát, chỉ có 1 trường hợp PGS giảm số lượng bài báo nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn tối thiểu, nên kết quả không thay đổi.

(Theo Tiền Phong) NGHIÊM HUÊ

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Chính trị

 

GS Võ Đại Lược: 'Quan điểm kinh tế nhà nước là chủ đạo dẫn đến nguy cơ tham nhũng'

Cập nhật lúc 15:23              

 

GS Võ Đại Lược cho rằng, đổi mới chính trị đang chậm hơn so với đổi mới kinh tế. Do đó, đã đến lúc phải đổi mới hệ thống chính trị để theo kịp kinh tế.

 

GS - TS Võ Đại Lược góp ý kiến tại hội nghị. ẢNH NGỌC THẮNG

 Sáng 30.10, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII. Đối tượng tham gia góp ý là các nhân sĩ, luật gia, trí thức, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. 

Góp ý kiến tại hội nghị, GS - TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước đều có nhiều điểm mới, đòi hỏi các văn kiện Đại hội phải đưa ra được tư duy, quan điểm, giải pháp mới, đáp ứng được tình hình.

“Nhưng các dự thảo tôi đọc, nội dung nhìn chung ít điều mới”, GS Lược góp ý. Theo ông Lược, về giải pháp, nhiệm vụ thì có điều này, điều kia mới song tư duy, quan điểm thì không mới, ví dụ vẫn là quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước là chủ đạo...

Ông Lược phân tích, việc phát triển nền kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo là sáng tạo của Việt Nam khi vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin vì Mác - Ăngghen cũng không nói kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước là chủ đạo.

Theo ông Lược, đã đến lúc phải đánh giá vấn đề này thật kỹ. “Giờ chúng ta hội nhập rất sâu, ký đến 12 hiệp định thương mại tư do mà vẫn giữ quan điểm này sẽ làm khả năng cạnh tranh của chúng ta kém đi”, ông Lược góp ý.

Cũng theo ông Lược, đổi mới về kinh tế trong thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt, rất mạnh. “Nếu không có đổi mới kinh tế thì không có tình hình như hiện nay”, ông Lược nói, song cho rằng, “đổi mới chính trị hơi chậm”. “Bây giờ đã đến lúc chúng ta đổi mới chính trị, làm sao đi kịp với kinh tế”, ông Lược nói.

Theo GS Lược, cái vướng mắc nhất trong đổi mới chính trị hiện nay, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, là kiểm soát quyền lực.

“Đến giờ chúng ta vẫn chưa có giải pháp triệt để cho việc này. Chúng ta bắt nhiều chỗ tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin - cho, cái gốc đẻ ra tham nhũng chúng ta không thay đổi thì chúng ta chỉ giải quyết hậu quả chứ không phải giải quyết nguồn gốc”, ông Lược phân tích.

“Hay quan điểm đất đai sở hữu toàn dân, thì tham nhũng đất đai rất nhiều, khiếu kiện, tranh chấp đất đai rất nhiều. Kinh tế nhà nước là chủ đạo cũng dẫn đến nguy cơ tham nhũng, các giám đốc doanh nghiệp nhà nước vi phạm đi tù chứ tư nhân có việc gì, người dân có việc gì”, ông Lược nói thêm.

Ông Lược khẳng định, đã đến lúc đổi mới hệ thống chính trị. “Vẫn Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhưng đổi mới hệ thống chính trị phù hợp với thời đại. Đảng lãnh đạo bằng phương pháp hiện đại thì mới cạnh tranh được với các nước trên thế giới”, ông Lược kiến nghị.

Văn hóa chưa thực sự là sức mạnh nội sinh phát triển đất nước

 Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì đánh giá: nhìn lại chặng đường phát triển đất nước 10 năm qua, có thể nói “vận nước đã đến”.

Ông Thiện góp ý, tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới đến năm 2030 cần phải tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng, là bệ đỡ, là dẫn lối cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thượng tọa Thích Đức Thiện góp ý kiến tại hội nghị. ẢNH NGỌC THẮNG

 

 Theo ông, vai trò của văn hóa đã được đặt ra từ Báo cáo Chính trị Đại hội XII, song chưa thực sự có những quyết sách chiến lược, những cơ chế cụ thể mở đường để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh phát triển đất nước.

Để phát huy niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thì nhân tố quyết định nằm ở xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Bên cạnh đó, vị Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đề nghị dự thảo Báo cáo Chính trị xác định tôn giáo là nguồn lực phát triển đất nước.

Theo ông, tôn giáo, tín ngưỡng làm nên sự đa dạng sắc màu văn hóa truyền thống và cũng có thể nói tín ngưỡng, tôn giáo góp phần làm nên những giá trị cốt lõi văn hóa truyền thống dân tộc.

Bên cạnh đó, cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(Theo Thanh Niên) Lê Hiệp

Kinh tế-Xã hội

 

Kiều bào hiến kế lập tổ hợp tín dụng 300.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp

Cập nhật lúc 14:45 

Ngày 30-10, Bộ Ngoại giao và TP HCM phối hợp tổ chức Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam”.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ vui mừng khi được gặp lại nhiều gương mặt kiều bào quen thuộc, luôn đồng hành với đất nước và nhấn mạnh đây là sự cổ vũ để TP HCM nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thực hiện "nhiệm vụ kép" trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu.


Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho hay dưới tác động của đại dịch, lần đầu tiên kinh tế TP tăng trưởng dưới 1,2%, cũng là lần đầu tiên có trên 29.000 doanh nghiệp (DN) giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 149.000 tỉ đồng. Chính vì vậy, TP mong được lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế của chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào để thực hiện thắng lợi "nhiệm vụ kép" trong trạng thái bình thường mới, nhất là những nội dung trọng tâm như: chính sách hỗ trợ người dân và DN; kích cầu tiêu dùng; giải ngân đầu tư công; phát triển du lịch; ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

"TP cũng mong muốn các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào thảo luận sâu hơn những giải pháp phát triển TP trong trạng thái bình thường mới, làm sao tận dụng lượng kiều hối hằng năm gửi về TP khoảng 5 tỉ USD, phát huy sức mạnh của hơn 440.000 DN của TP, đặc biệt là hơn 44.000 DN công nghệ thông tin để đây là hạt nhân trong việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số của quốc gia. Đồng thời, thảo luận giải pháp mời gọi doanh nhân kiều bào đầu tư nhiều hơn nữa vào TP…" - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong bày tỏ.

 



 Các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào tham dự hội nghị

Trước bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nặng nề do dịch bệnh Covid-19, nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu gia tăng do cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng cho người dân và DN, giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn do dịch. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA. Đặc biệt, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số phải được coi là ưu tiên hàng đầu và là động lực tăng trưởng mới trong tương lai.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Đóng góp ý kiến cho hội nghị, TS Nguyễn Trí Hiếu (kiều bào Mỹ) đánh giá dư địa của chính sách tài khóa và tiền tệ để ứng phó với tác động của đại dịch không còn nhiều bởi bội chi đã ở mức cao, nguồn thu thuế bị giảm. Trong khi đó, lãi suất ngày càng giảm và nếu giảm thêm nữa, nền kinh tế sẽ rơi vào "bẫy thanh khoản", tức khách hàng sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro như vàng, bất động sản, tín dụng đen...

TS Nguyễn Trí Hiếu

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nền kinh tế Việt Nam phải trở thành nền kinh tế kỹ thuật số theo đúng xu hướng của thế giới để không ở lại đằng sau trong tiến trình của trạng thái bình thường mới của cả thế giới. Để làm được, DN cần được cung cấp một nguồn vốn cần thiết.

"Với dư địa không còn nhiều, cần phải có giải pháp khác là tổ chức một tổ hợp tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đứng ra chủ trì, xây dựng. Trong đó, các ngân hàng thương mại bắt buộc tham gia với tỉ lệ 3%-3,5% tính trên dư nợ của mỗi ngân hàng; tổng hạn mức cho vay của tổ hợp là 300.000 tỉ đồng" - ông Hiếu góp ý.

GS Trần Ngọc Anh (kiều bào Mỹ) chỉ ra sự thay đổi công nghệ dẫn đến tự động hóa thay thế lao động đang mở ra cơ hội tiến nhanh vào công nghệ mới. Bên cạnh đó, chiến tranh công nghệ gay gắt cùng với làn sóng nhà đầu tư rời Trung Quốc, sắp xếp lại chuỗi cung ứng, dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm rủi ro... cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam.

"Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã phân tích và thống kê được 20 lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam có thế mạnh tiếp cận, thu hút đầu tư như điện, cơ khí, thiết bị văn phòng, thiết bị vi tính… Về xuất khẩu, chúng ta có cơ hội xuất khẩu dịch vụ tương đối lớn, bao gồm dịch vụ viễn thông, y tế…" - GS Trần Ngọc Anh nêu ý kiến.

GS Ngọc Anh cũng chỉ ra Việt Nam có hàng trăm ngàn kiều bào là giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu… làm chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực ở nhiều quốc gia. Lực lượng này sẵn sàng tư vấn, hợp tác để phát triển đất nước, nhất là đóng góp hiểu biết của mình cùng chính quyền để xây dựng chiến lược cụ thể phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ chuyên gia trong nước…

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Ban Kinh doanh Chiến lược Tập đoàn FPT, cũng nhấn mạnh vai trò ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong định hướng phát triển DN. "Trong giai đoạn dịch, hành vi văn hóa số đã đi vào DN nào thì khả năng tồn tại và bứt phá của DN đó cao hơn, còn ngược lại khả năng duy trì, sống sót thấp" - ông Sơn nhận định.

(Theo Cafebiz) Thanh Nhân-Thùy Dương

Chính trị

Bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong sổ bảo hành, Công ty Ford Việt Nam giải thích như thế nào?

 Cập nhật lúc 14:29

 

Trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh được cho là tài liệu in ấn của Công ty TNHH Ford Việt Nam (Ford Việt Nam) sử dụng hình ảnh bản đồ không có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Mạng xã hội Facebook đang lan truyền bức ảnh được cho là tài liệu của Công ty TNHH Ford Việt Nam (Ford Việt Nam), trong đó có sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

 

Bức ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội Facebook

Theo quan sát, tờ rơi lan truyền trên mạng được in bằng hai ngôn ngữ là Tiếng Việt và Tiếng Anh, trong đó giới thiệu mạng lưới dịch vụ của Công ty Ford Việt Nam.

Hình ảnh bản đồ được Công ty này in bằng màu xanh, nền trắng. Trong bản đồ sử dụng 3 dấu chấm đỏ được chú thích là các địa phương có mạng lưới dịch vụ.

Liên quan đến vấn đề này, sáng 30/10 trao đổi với PV Dân Việt, đại diện truyền thông của Ford Việt Nam xác nhận, vừa qua, đơn vị đã nhận được phản ánh của một khách hàng sử dụng xe Ford EcoSport sản xuất tháng 10/2017 về thông tin bản đồ Việt Nam không đúng địa giới hành chính theo quy định của pháp luật về đo đạc. Bản đồ được hiển thị là trong sổ bảo hành xe của khách hàng đó.

Theo Ford Việt Nam, đơn vị rất lấy làm tiếc về những bất tiện liên quan đến nội dung bản đồ Việt Nam có thể gây ra những hiểu nhầm, quan ngại cho khách hàng.

Ford Việt Nam giải thích, sổ bảo hành đi kèm theo xe được công ty phát hành theo chính sách bảo hành của Tập đoàn Ford kể từ thời điểm chính thức bán hàng và cung cấp dịch vụ cho xe Ford chính hãng tại thị trường Việt Nam từ năm 1997.

 

Sổ bảo hành mới của Ford Việt Nam đã bỏ hình ảnh bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Việc đưa vào hình bản đồ Việt nam tại thời điểm phát hành nhằm mục đích thể hiện mạng lưới cơ sở bảo hành và dịch vụ của Ford Việt Nam có mặt trên cả nước. "Do không có cơ sở bảo hành và dịch vụ trên các huyện đảo nên có lẽ đã gây ra sơ xuất này" - đại diện Truyền thông của Ford Việt Nam giải thích.

Kể từ thời điểm có những thông tin về lãnh thổ quốc gia năm 2018 và có những quy định pháp luật chặt chẽ về vấn đề này, Ford Việt Nam đã tiến hành sửa đổi sổ bảo hành xe và đã phát hành sổ bảo hành mới cho tất cả các dòng xe vào tháng 4/2019 .

Tất cả các sổ bảo hành cũ chưa được sử dụng đã được Ford Việt Nam tiến hành tiêu hủy. "Đây là vấn đề không mong muốn và Ford Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều hành động khắc phục. Kể từ thời điểm tháng 4/2019 tất cả sổ bảo hành của Ford Việt Nam đã không còn bản đồ đính kèm" – đại diện Ford Việt Nam thông tin.

Nghị định 18/2020/NĐ-CP (mới có hiệu lực từ 01/4/2020) nêu rõ, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ (khoản 2 Điều 11).

Đồng thời, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Buộc cải chính thông tin, sửa chữa dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ. Buộc thu hồi dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm (nếu có).

Nếu cá nhân nước ngoài vi phạm, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài ra, với hành vi xuất bản sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng.

                                             (Theo Dân Việt) Đình Việt

 

Đích thị Ford Tàu rồi. Hãy thẩy chay ngay, đừng ai mua loại xe này nữa. Chất lượng xe đã kém TOYOTA, HONDA… Nhật, nay ý thức chính trị cũng kém nốt.

Thương Giang

Quốc tế

 

Nước Pháp rung chuyển vì vụ chặt đầu người thứ hai

Cập nhật lúc 08:57   

Ngày 29/10, nước Pháp rúng động vì vụ chặt đầu người thứ hai. Ít ngày trước đó, sau khi một thầy giáo bị giết với cách tương tự vì đã cho học sinh xem tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed của Hồi giáo.

Một phụ nữ nức nở bên xe cảnh sát tại hiện trường vụ tấn công. Ảnh: CNN

Một kẻ dùng dao vừa hét “Allahu Akbar” vừa chặt đầu một phụ nữ và giết hai người khác trong một vụ tấn công bị nghi là khủng bố tại một nhà thờ ở thành phố Nice của Pháp ngày 29/10, Reuters dẫn lời cảnh sát và các quan chức cho biết.

Thị trưởng Nice, Christian Estrosi, người mô tả vụ tấn công là khủng bố, nói trên Twitter rằng, vụ việc đã xảy ra trong hoặc gần nhà thờ Đức Bà của thành phố.

Ông Estrosi cho biết, kẻ tấn công đã liên tục hét lên cụm từ “Allahu Akbar”, hay “Chúa là vĩ đại nhất”, ngay cả khi hắn ta đã bị cảnh sát khống chế.

Ông Estrosi cho biết, một trong những người bị giết bên trong nhà thờ được cho là quản giáo của nhà thờ, đồng thời cho biết thêm rằng, một phụ nữ đã cố gắng trốn thoát từ bên trong nhà thờ và chạy vào quán bar đối diện với tòa nhà.

Ông Estrosi nói với các phóng viên: “Kẻ tấn công đã bị cảnh sát bắn khi bắt giữ, hắn ta đang được đưa đến bệnh viện, hắn ta còn sống”.

“Quá đủ rồi,” thị trưởng Estrosi nói. “Đã đến lúc nước Pháp phải tự giải thoát mình khỏi các luật lệ về gìn giữ hòa bình để xóa sổ chủ nghĩa phát xít Hồi giáo trên lãnh thổ của chúng tôi”.

Tại Paris, các nhà lập pháp trong quốc hội Pháp đã dành một phút im lặng trong tình đoàn kết với các nạn nhân.

Cảnh sát cho biết, 3 người được xác nhận đã chết trong vụ tấn công và một số người bị thương. Bộ phận công tố viên chống khủng bố của Pháp đã được yêu cầu điều tra.

Ông Estrosi cho biết, thêm các nạn nhân đã bị giết một cách “khủng khiếp”. “Không nghi ngờ gì, cách thức thủ ác tương tự cũng được áp dụng với thầy giáo Samuel Paty dũng cảm ở Conflans Sainte Honorine”, ông Estrosi nói khi đề cập vụ giáo viên người Pháp bị chặt đầu hồi đầu tháng ở ngoại ô Paris.

Vụ tấn công xảy ra trong khi nước Pháp vẫn đang quay cuồng với vụ người đàn ông gốc Chechnya chặt đầu giáo viên cấp hai Paty hồi đầu tháng 10/2020.

Kẻ tấn công nói hắn muốn trừng phạt Paty vì đã cho học sinh xem biếm họa về nhà tiên tri Mohammed trong một buổi học giáo dục công dân.

Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc tấn công hôm 29/10 có liên quan đến các bức biếm họa hay không, điều mà người Hồi giáo cho là báng bổ.

Kể từ khi thầy giáo Paty bị giết, các quan chức Pháp đã khẳng định lại quyền trưng bày các bức biếm họa và những hình ảnh này đã xuất hiện tại các cuộc tuần hành bày tỏ tình đoàn kết với thầy giáo bị giết.

Điều đó đã làm bùng phát sự tức giận ở nhiều nơi trong thế giới Hồi giáo. Một số chính phủ cáo buộc Tổng thống Pháp Macron theo đuổi chương trình nghị sự chống Hồi giáo.

Theo AP, cách Nhà thờ Đức Bà nơi xảy ra vụ chặt đầu chưa đầy 1km, năm 2016, một kẻ cực đoan đã lao xe tải vào đám đông khiến hàng chục người thiệt mạng.  Hai quan chức cảnh sát cho biết, kẻ tấn công hôm 29/10 hành động một mình và cảnh sát không truy tìm nghi can khác.

Văn phòng công tố viên chống khủng bố của Pháp đã mở cuộc điều tra về vụ giết người. Đây là vụ tấn công thứ ba kể từ khi Pháp mở phiên xét xử vụ khủng bố tháng 9/2015 tại tòa báo châm biếm Charlie Hebdo và một siêu thị.

Những bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammed đã được tuần báo Charlie Hebdo xuất bản nhiều năm trước. Ngày 7/1/2015, những kẻ cực đoan đã xông vào trụ sở tờ báo và xả súng khiến 12 người thiệt mạng, 11 người bị thương trong đó có bốn người bị thương rất nặng. Trong diễn biến liên quan sau đó, thêm một cảnh sát và bốn con tin ở một siêu thị bị bắn chết. Trong chiến dịch đột kích của cảnh sát Pháp, ba nghi phạm đã bị bắn chết.

 

Nước Pháp đang đối đầu với tôn giáo. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nước phương Tây rất tôn trọng tự do, sao lại không tôn trọng đạo Hồi. Mọi tôn giáo nên được tôn trọng. Những kẻ cực đoan không phải tất cả là Hồi giáo.

Thương Giang