Thu phí tự động: Vì sao nhà đầu tư BOT vẫn 'chống' lệnh?
Cập nhật lúc 10:44
Trước việc một
số nhà đầu tư trạm BOT chậm triển khai thu phí không dừng (thu phí điện tử -
Etag), PV tìm hiểu và được biết, một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà
đầu tư chậm triển khai dịch vụ thu phí Etag là quy định không hợp lý, buộc
nhà đầu tư phải giao việc điều hành trạm thu phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ.
Với lý do phải bàn giao trạm và trích % cho đơn vị lắp đặt cao nên
một số trạm BOT tại miền Bắc đã làm làn thu phí không dừng chỉ để… ngắm. Ảnh:
Anh Trọng
Thực hiện chậm
trễ, lúng túng
Theo yêu cầu
về triển khai thu phí tự động không dừng, đến hết năm 2018 tất cả các trạm
thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải áp dụng thu phí
không dừng. Tuy nhiên, theo ghi nhận trong 2 ngày qua, nhiều trạm trên QL1
vẫn chưa thực hiện việc này. Riêng QL1 từ Hà Nội đi các tỉnh có 4 trạm thu
phí của 4 dự án BOT, bao gồm: Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ
- Ninh Bình và dự án đường QL1 tránh qua thành phố Phủ Lý (Hà Nam).
Ghi nhận trong ngày 2/7, tất cả
các trạm thu phí BOT ở đây vẫn thu theo kiểu “dừng một lần” (trả tiền - nhận
vé) truyền thống, chưa triển khai thu phí không dừng theo yêu cầu của Chính
phủ. Một số trạm lắp đặt thiết bị chưa xong như Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ -
Ninh Bình...
Đại diện một
số nhà đầu tư trạm BOT cho hay, họ sẵn sàng triển khai thu phí không dừng
theo chủ trương. Tuy nhiên, khi triển khai lại phát sinh vấn đề “rất đáng lo
ngại”. Theo đó, khi thực hiện, cơ quan quản lý yêu cầu tất cả các nhà đầu tư
phải ký phụ lục hợp đồng với đơn vị cung cấp (công nghệ, thiết bị) thu phí
không dừng để họ vào tiếp quản, rồi điều hành luôn việc thu phí. “Hệ thống
dịch vụ thu phí không dừng chỉ có giá trị khoảng chục tỷ đồng, là hạng mục
phụ nhưng lại yêu cầu nhà đầu tư dự án hàng nghìn tỷ đồng phải bàn giao trạm
cho họ quản lý, điều hành là rất vô lý”, đại diện nhà đầu tư trạm BOT Hà Nội
- Bắc Giang nêu ý kiến.
Một nhà đầu
tư BOT trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình (QL1B) cho biết:
Trong hợp đồng BOT của dự án không đề cập đến việc đơn vị cung cấp dịch vụ
thu phí được kiểm soát trạm nên việc yêu cầu các nhà đầu tư phải ký phụ lục
giao trạm cho họ là không đúng chủ trương.
Cho ý kiến
về việc này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền
nhấn mạnh: Để giảm ùn tắc và công khai minh bạch hoạt động tại các trạm thu
phí, việc triển khai thu phí không dừng là phù hợp xu thế. Theo ông Quyền,
chủ trương của Chính phủ là như thế, khi triển khai, Bộ GTVT và Tổng cục
Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cần có thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện, giúp
nhà đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ biết trách nhiệm, quyền hạn của mình đến
đâu, phải làm gì. Tuy nhiên, Quyết định 07 của Chính phủ đã ban hành hơn 2
năm nhưng đến nay cơ quan bộ ngành có liên quan vẫn chưa có bất kỳ thông tư,
văn bản hướng dẫn nào. Do chưa có nội dụng này nên đến nay việc triển khai
thu phí không dừng đang rất chậm trễ, lúng túng. “Điều hành một chủ trương
lớn, liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, người dân nhưng lại triển khai
theo kiểu mệnh lệnh hành chính như vậy là chưa phù hợp và có phần sai quy
định”, ông Quyền đánh giá.
Tránh “nhóm lợi ích” mới trong BOT
Một lý do
khác làm nhiều nhà đầu tư lo ngại và chần chừ khi triển khai thu phí không
dừng, là hầu hết đơn vị lắp đặt dịch vụ thu phí không dừng tại gần 30 trạm
thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chỉ có duy nhất một liên
danh TASCO - VETC thực hiện. Do vậy, một số nhà đầu tư phản ánh, họ không còn
sự lựa chọn nào khác ngoài đơn vị này.
Đại diện
Hiệp hội vận tải Hà Nội (HTA) cho rằng, việc lắp đặt, cung cấp phần mềm thu
phí không dừng cho gần 30 trạm trên QL, và sắp tới là trên 40 trạm trên các
tuyến đường còn lại nếu chỉ có một nhà cung cấp cần phải xem lại. “Chưa nói
đến chất lượng dịch vụ, liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quản lý kinh tế mà chỉ
lựa chọn một đơn vị cung cấp, lắp đặt dịch vụ, liệu có thực hiện đúng pháp
luật?”, đại diện HTA đặt câu hỏi.
Theo đại
diện HTA, sau khi dư luận đặt ra hàng loạt vấn đề trong quá trình triển khai,
hoạt động các dự án BOT như “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, “miếng bánh
ngọt”… với cách làm trên, liệu các dự án BOT có thêm “nhóm lợi ích mới” khi
triển khai thu phí không dừng?
Không khẳng
định sẽ có nhóm lợi mới trong các dự án BOT, nhưng ông Nguyễn Văn Quyền, nêu
vấn đề: Hiện tại đơn vị lắp đặt công nghệ thu phí không dừng yêu cầu nhà đầu
tư các dự án BOT phải trích từ 3 đến 4% tổng doanh thu hằng tháng cho việc
thực hiện nội dung này là quá cao so với thực tế. Theo ông Quyền, mức này
tương đương với mức các nhà đầu tư BOT được hưởng khi vận hành trạm thu phí.
“Đơn vị
triển khai lắp đặt thiết bị thu phí bằng công nghệ, phần mềm hiện đại thì
đúng ra số con người, bộ máy vận hành phải giảm và từ đó giảm chi phí. Nay
đơn vị lắp đặt thiết bị lại đòi mức phí bằng hoặc cao hơn mức nhà đầu tư vận
hành trạm là quá vô lý”, ông Quyền nói.
Chiều
3/7, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng Cục trưởng, Tổng cục ĐBVN cho biết: Quy
định của Chính phủ trong việc triển khai thu phí không dừng không thể chậm
trễ. Trước các thông tin của nhà đầu tư và dư luận về những nội dung thực
hiện, TCĐB và Bộ GTVT đã có chủ trương sớm triển khai, trong quá trình thực
hiện nếu có trở ngại, bất cập gì sẽ từng bước điều chỉnh.
Về việc
đơn vị đầu tư chỉ lắp đặt thiết bị yêu cầu nhà đầu tư BOT phải bàn giao trạm,
ông Thắng cho rằng, quyết định thì như thế nhưng Tổng cục vừa có thông báo
đến các cơ quan triển khai và nhà đầu tư BOT chỉ bàn giao một phần của trạm.
“Phần bàn giao này chủ yếu liên quan đến công tác vận hành của hệ thống thu
phí không dừng, chứ không phải bàn giao tất cả trạm”, ông Thắng khẳng định.
Có lời bỏ túi, thua lỗ trả Nhà
nước là vô lý
Đề cập
đến việc thu phí BOT tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ
ngày 3/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ GTVT báo cáo xin ý kiến
Chính phủ cụ thể phương án điều chỉnh giá dịch vụ BOT. Đặc biệt, Bộ GTVT phối
hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đấu tranh phát hiện
và xử lý nghiêm những tiêu cực, gian lận trong quản lý và hạch toán doanh thu
của các dự án BOT.
“Không để
lặp lại trường hợp để ngoài sổ sách rất nhiều tiền như dự án cao tốc thành
phố Hồ Chí Minh - Trung Lương. Nhà nước, nhà đầu tư cũng phải minh bạch. Kịp
thời làm việc với chủ đầu tư, không để tình trạng chủ đầu tư bỏ dự án, xã hội
nói anh có lời thì bỏ túi, thua lỗ thì trả Nhà nước là vô lý. Vấn đề này liên
quan đến trật tự, an ninh, an toàn, cố tình phá hoại phải xử lý nghiêm”, Phó
Thủ tướng nêu rõ.
Đối với giá
điện, Phó Thủ tướng lưu ý, việc điều hành giá điện vào ngày 20/3 vừa qua còn
chưa tốt ở khâu truyền thông, là thiếu sót cần được các bộ, ngành rút kinh
nghiệm trong các lần điều hành tới. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh
tra Chính phủ sớm hoàn thành thanh tra về giá điện, đề xuất hình thức xử lý
nghiêm nếu có sai phạm. Trong năm 2020, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà
nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về giá điện.
Văn Kiên
(Theo Tiền Phong) ANH TRỌNG - AN AN
|
Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét