Cựu chủ tịch
BIDV Trần Bắc Hà tử vong
Cập nhật lúc 14:09
Ông Trần Bắc Hà
(62 tuổi) qua đời khi đang bị tạm giam để điều tra về các sai phạm thời đương
chức Chủ tịch BIDV.
"6h30 sáng nay ông Trần Bắc Hà được đưa vào Bệnh viện
quân y 105 trong tình trạng đã tử vong", Đại tá Đỗ Quang Mão - Chính uỷ
Bệnh viện quân y 105 cho VnExpress biết trưa 18/7.
Ông Hà được
người của trại giam T771 thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (Ba Vì, Hà
Nội) đưa đến viện. "Chúng tôi đã chuyển thi thể bệnh nhân vào nhà tang
lễ bảo quản, chờ làm các thủ tục", ông Mão nói và cho hay việc giám định
nguyên nhân cái chết phải chờ lực lượng pháp y do ông Hà tử vong ngoại viện.
Ông Trần Bắc Hà
làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ năm 1981, làm
Chủ tịch HĐQT năm 2008, nghỉ hưu tháng 9/2016. Hơn 8 năm giữ chức Chủ tịch
ngân hàng, ông được xem là linh hồn và có nhiều ảnh hưởng đến BIDV.
Gần 8 tháng trước, ông Bắc Hà cùng các cấp dưới gồm Trần Lục Lang
(cựu phó tổng giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh), Lê
Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh) bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt
động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình
sự 2015. Ông Hà và Hòa, Lang bị tạm giam để điều tra.
Trước khi bị
bắt, cuối tháng 6/2018, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật khai trừ
Đảng với ông Hà do làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng
BIDV, gây bức xúc trong xã hội. Ông Hà bị kết luận đã vi phạm quy trình, thủ
tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết
định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ.
Tại phiên xử ông Phạm Công Danh và đồng phạm năm
2018 tại TAND TP HCM, ông Hà ba lần được triệu tập với tư cách người có quyền
và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Tuy nhiên, ông xin vắng mặt cả ba lần
với lý do sang Singapore điều trị bệnh.
Gia Chính -
Phạm Dự
Ông Trần Bắc
Hà liên quan đến đại án Phạm Công Danh như thế nào
Ký duyệt chủ
trương cho 12 công ty do ông Danh giới thiệu vay 4.700 tỷ đồng, song ông Trần
Bắc Hà được cho là không biết các công ty đều do ông Danh thành lập.
Trong phiên xét
xử đại án Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB) diễn
ra vào sáng 8/1 và kéo dài gần một tháng, TAND TP HCM triệu tập gần 200
người, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.
Trong đó có ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân
ban rủi ro tín dụng Ngân hàng BIDV), Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang (hai phó
Tổng giám đốc phụ trách Ban khách hàng doanh nghiệp và phụ trách ban quản lý
rủi ro) cùng nhiều cá nhân khác tại BIDV. Họ là những người trực tiếp tham
gia, xử lý hồ sơ cho 12 công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng.
Theo điều tra, ngày 24/5/2013, ông Đoàn Ánh Sáng đại diện BIDV và ông Đỗ
Hoàng Linh (Phó Tổng giám đốc VNCB) ký thỏa thuận hợp tác cùng tham gia
chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách là ngân hàng của người bán (nhà
phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng).
Thỏa thuận được
đưa ra là, VNCB có khách hàng, đối tác sẽ giới thiệu cho BIDV vào chuỗi liên
kết này. Phía BIDV sẽ xem xét cấp hạn mức giao dịch liên ngân hàng cho VNCB theo
quy định.
Thời điểm này,
do cần tiền tăng vốn điều lệ theo đề án tái cơ cấu ngân hàng, ông Danh đến
hội sở BIDV gặp ông Đoàn Ánh Sáng đặt vấn đề "sẽ giới thiệu khách hàng
của VNCB (là các doanh nghiệp) sang BIDV vay vốn" kinh doanh vật liệu
xây dựng. Nếu khách hàng không đủ tài sản thì VNCB sẽ dùng tài sản của mình
để bảo đảm.
Được lãnh đạo
BIDV chấp thuận, ông Danh chỉ đạo cấp dưới lựa chọn 12 công ty, chuẩn bị hồ
sơ gửi cho nhà băng này, đề nghị vay tổng cộng 4.700 tỷ đồng.
Ông Đoàn Ánh
Sáng đã đồng ý và xin chủ trương của Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang và
Tổng Giám đốc, ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp
tín dụng. Khi có ý kiến này, Ban Quản lý rủi ro tín dụng Hội sở chính BIDV đã
thẩm định, đánh giá rủi ro theo quy định sau đó trình ban lãnh đạo về việc
phê duyệt chủ trương cho vay vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà với các
công ty.
Tờ trình này
được ông Trần Lục Lang ký duyệt và trình Ủy ban quản lý rủi ro đề nghị xem
xét, phê duyệt chủ trương theo thẩm quyền (không xin ý kiến Tổng giám đốc).
Ủy ban quản lý
rủi ro không tiến hành họp mà lấy ý kiến từng thành viên phân ban rủi ro tín
dụng thuộc Ủy ban quản lý rủi ro, sau đó lập báo cáo tổng hợp các ý kiến các
thành viên phân ban rủi ro tín dụng, đầu tư và được ông Trần Bắc Hà (Trưởng
phân ban) ký phê duyệt.
Ngày 3/10/2013,
ông Trần Bắc Hà ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu
xây dựng cho 12 công ty do Danh đề xuất. Cùng ngày, ông Trần Lục Lang đã ký
12 công văn gửi bốn chi nhánh và Ban khách hàng doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ
vay thẩm định phương án kinh doanh, quyết định cho vay đối với các phương án
có hiệu quả đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi.
Lãnh đạo BIDV
các chi nhánh Bến Thành, Gia Định, Sở giao dịch 2, Nam Sài Gòn đã lần lượt
phê duyệt và giải ngân cho các công ty của ông Danh.
Nhà chức trách cáo buộc, việc ông
Danh sử dụng tiền của VNCB đảm bảo cho các công ty vay tiền gây thất thoát
cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng.Liên quan vụ việc, ông Hoàng Long
Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (là lãnh đạo và cán bộ BIDV Chi nhánh
Gia Định) bị cho là đã cố ý làm trái quy định, giúp sức cho ông Danh trong
việc giải ngân khoản vay 430 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều
lãnh đạo, nhân viên khác của BIDV được cơ quan điều tra xác định "có sai
phạm trong việc cho các công ty của ông Danh vay" khi chỉ kiểm tra, thẩm
định đánh giá tính hiệu quả của phương án kinh doanh dựa trên hồ sơ khống.
Tuy nhiên, sai phạm này không gây thiệt hại cho BIDV và không có căn cứ xử lý
hình sự.
Về phần ông Trần Bắc Hà,
cơ quan điều tra xác định ông này đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn
theo giới thiệu của VNCB, chứ không cho Phạm Công Danh vay, và không biết các
công ty này do Danh thành lập. BIDV đã thu
đủ gốc, lãi các khoản vay.
Tương tự, nhà
chức trách cũng cho rằng ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang đã ký tờ trình
phê duyệt cho 12 công ty vay vốn nhưng không đủ căn cứ xác định những người
này có liên quan đến Phạm Công Danh, nên không xử lý hình sự. Hồi tháng
10/2017, cơ quan điều tra đã kiến nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với
các cán bộ BIDV có liên quan.
(Theo VnExpress) Hải Duyên |
Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét