Việt Nam là quốc gia đông dân thứ
15 trên thế giới, thứ 3 Đông Nam Á
Cập nhật lúc 14:52
Tổng dân số Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 là
96.208.984 người; trong đó, dân số nam là hơn 47,8 triệu người (chiếm 49,8%)
và dân số nữ là hơn 48,3 triệu người.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. (Ảnh:
Nguyễn Dân/TTXVN)
Ngày 11/7,
tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã tổ chức
hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và
nhà ở năm 2019.
Theo kết quả tổng điều tra được
công bố, tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 (thời
điểm bắt đầu thực hiện tổng điều tra) là 96.208.984 người; trong đó, dân số
nam là hơn 47,8 triệu người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là hơn 48,3 triệu người
(chiếm 50,2%).
Với số dân này, Việt Nam là quốc
gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
So với năm 2009, vị trí của Việt
Nam tại khu vực Đông Nam Á giữ nguyên và giảm 2 bậc so với các quốc gia, vùng
lãnh thổ trên thế giới. Sau 10 năm từ năm 2009, quy mô dân số Việt Nam tăng
thêm 10,4 triệu người, tỷ lệ tăng bình quân là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với
giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm).
Kết quả tổng điều tra cho thấy,
Việt Nam có mật độ dân số cao với mức 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với
năm 2009.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh
là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398
người/km2 và 4.363 người/km2.
Trong 10 năm qua, quá trình đô
thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương làm gia tăng dân số ở
khu vực thành thị. Năm 2019, có hơn 33 triệu người sống ở khu vực thành thị
(chiếm 34,4%), ở khu vực nông thôn là hơn 63,1 triệu người (chiếm 65,6%).
Trên phạm vi cả nước, tỷ lệ dân
số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%. Trong số đó, dân số đang có
vợ chồng chiếm 69,2%; dân số có tình trạng ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1%;
dân số góa vợ/chồng chiếm 6,2%.
Nữ giới có
xu hướng kết hôn sớm và phổ biển hơn nam; tỷ lệ dân số nam từ 15 tuổi trở lên
đã từng kết hôn thấp hơn so với nữ, tương ứng là 73,4% và 81,5%. Toàn quốc có
khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỷ lệ
này của nữ cao hơn so với nam.
Trong vòng 20 năm qua, tỷ trọng
dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học giảm đáng kể, từ
20,9% (năm 1999) xuống còn 16,4% (năm 2009) và còn 8,3% (năm 2019). Cả nước
có 95,8% người dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết.
Tại thời điểm tổng điều tra, cả
nước có hơn 26,8 triệu hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009. Bình
quân mỗi hộ có 3,5 người, thấp hơn 0,3 người so với năm 2009. Hầu hết hộ dân
đều đang sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%).
Diện tích nhà ở bình quân là
23,5m2/người, cao hơn 6,8m2/người so với 10 năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn
4.800 hộ không có nhà ở.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng
cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy
trải qua 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng chậm hơn so với giai đoạn 10 năm
trước.
Điều kiện nhà ở của các hộ dân cư
được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà
ở và sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình
quân đầu người tăng lên đáng kể sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở
quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ
Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban chỉ đạo
Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị cho biết, tổng điều
tra dân số và nhà ở năm 2019 là một trong 3 cuộc tổng điều tra lớn nhất theo
quy định của pháp luật về thống kê và được tiến hành 10 năm một lần.
Kết quả tổng điều tra là nguồn
thông tin chủ yếu, tin cậy về tình hình dân số, nhân khẩu học, tình hình nhà
ở, dân cư, đáp ứng mục tiêu thống kê, phục vụ nhu cầu thông tin của Đảng, Nhà
nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp
luật, chiến lược, chính sách về kinh tế-xã hội, đặc biệt về dân số và nhà ở.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh
giá, quá trình tổ chức thực hiện tổng điều tra lần đầu tiên đã áp dụng triệt
để, rộng rãi công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời, hiệu
quả, sớm cho ra kết quả, số liệu.
Với cách làm này, có thể cập nhật
dữ liệu hằng năm và 10 năm sau có thể không cần tổ chức cuộc tổng điều tra
dân số và nhà ở nữa, hạn chế tốn kém thời gian, kinh phí.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu
của cuộc Tổng điều tra là không để ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, cần có chính
sách phù hợp với những đối tượng khó khăn tại khu vực nông thôn, những người
chưa có nhà ở hoặc nhà ở thiếu kiên cố.
Từ nay đến khi công bố số liệu
chính thức, Tổng cục Thống kê cần có những bảng phân tích, đánh giá số liệu
để có kiến giải chính sách phù hợp, bởi kết quả Tổng điều tra không chỉ là
những con số.
Công việc
tiếp theo của tổng điều tra là phân tích, đánh giá chi tiết số liệu để đưa ra
báo cáo chính thức và sẽ công bố báo cáo này vào tháng 12/2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng
lưu ý, mặc dù Việt Nam đang trong tình trạng dân số vàng nhưng cũng đang
trong tình trạng già hóa nhanh chóng, các chính sách dân số phải làm sao
tránh được tình trạng "chưa giàu đã già"./.
|
Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét