“Made in” hay “made by”
Vietnam?
Cập
nhật lúc 16:40
Những
hành vi nhập hàng nước ngoài rồi dán nhãn “made in Vietnam” không chỉ là hành
vi lừa dối mà đó còn là sự phản bội niềm tin của khách hàng. Bởi vậy, dễ hiểu
những phản ứng quyết liệt của xã hội khi những hành vi này bị phát giác.
Người tiêu dùng tẩy chay không chỉ sản phẩm bị phát hiện mà cả các sản phẩm
khác liên quan thương hiệu của doanh nghiệp, như trường hợp của thương hiệu
Asanzo mới đây.
Nhưng câu
chuyện chiếc ti vi Asanzo cũng đang gây ra những tranh luận liên quan việc
một sản phẩm được tạo ra từ hầu hết linh kiện nhập khẩu lại dán nhãn “made in
Vietnam”. Các cơ quan quản lý có cần xây dựng các quy chuẩn đối với hàng hóa
được quyền gắn nhãn “made in Vietnam”? Và liệu việc đặt ra các tiêu chuẩn này
có thực sự thúc đẩy nền sản xuất trong nước?
Thế nào là
“hàng Việt”?
Liên quan khái
niệm “hàng Việt” có ba cách tiếp cận cơ bản: hàng có xuất xứ Việt Nam (of
Vietnam origin), hàng sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam), và hàng của
Việt Nam (product of Vietnam) hay do Việt Nam sản xuất (made by Vietnam).
Hàng xuất xứ
Việt Nam thường được xác định bởi các cơ quan quản lý nhà nước nhằm mục đích
cho phép nhà xuất khẩu hưởng thuế quan ưu đãi của nước nhập khẩu. Các tiêu
chí xác định một mặt hàng có được coi là có xuất xứ từ Việt Nam hay không
được quy định cụ thể trong các hiệp định thương mại với các quốc gia liên
quan. Các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào các tiêu chí này để cấp chứng
nhận xuất xứ Việt Nam cho các lô hàng xuất khẩu vào thị trường đối tác ký kết.
Có nhiều tiêu
chí và phương pháp xác định xuất xứ. Thông thường một mặt hàng sẽ được công
nhận xuất xứ khi tối thiểu 30-40% hàm lượng chế biến được thực hiện tại quốc
gia. Ngoài ra, với từng nhóm hàng có thể có những quy định riêng. Ví dụ, nông
sản chỉ được chứng nhận xuất xứ khi được nuôi, trồng, còn thủy sản phải được
đánh bắt tại vùng biển quốc gia đó. Hoặc hàng dệt may có thể phải được làm từ
vải hoặc sợi, hoặc đơn giản chỉ cần cắt may trong nước, tùy quy định trong
hiệp định.
Tóm lại việc
xác định một mặt hàng xuất xứ Việt Nam đã được quy định chặt chẽ trong các
hiệp định quốc tế. Việc chứng nhận được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm
quyền và đơn thuần vì mục đích thương mại.
Trong khi đó,
việc một sản phẩm như thế nào sẽ được quyền dán nhãn sản xuất tại Việt Nam
(made in Vietnam) chưa được quy định bởi các cơ quan quản lý nhà nước. Các
quốc gia cũng thường chỉ dành quan tâm tới việc xây dựng các tiêu chuẩn đối
với một sản phẩm được sản xuất và lưu hành trên thị trường mình.
Việc gắn nhãn
địa điểm sản xuất theo thông lệ thể hiện địa điểm nơi sản phẩm được hoàn tất
để đưa ra thị trường. Ký hiệu này chỉ có giá trị cung cấp thông tin về nơi
sản phẩm được hoàn thiện những khâu cuối, lắp ráp, bao bì đóng gói thành sản
phẩm hoàn chỉnh. Nó không gắn với những lợi ích thương mại như chứng nhận
xuất xứ. Một sản phẩm gắn nhãn “made in Vietnam” nhưng nếu không đáp ứng tỷ
trọng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thì cũng không được hưởng các ưu đãi
thuế khi xuất khẩu vào các thị trường đối tác theo hiệp định đã ký.
“Made in” không
còn nhiều ý nghĩa
Trước kia, khi
các nền sản xuất vẫn còn bị giới hạn trong đường biên giới quốc gia, hàng hóa
thường được sản xuất gần như toàn bộ trên lãnh thổ của quốc gia. Cụm từ “made
in” ngày đó hàm chứa nhiều thông điệp hơn là chỉ dẫn xuất xứ của hàng hóa. Nó
đại diện những giá trị sản xuất truyền thống của quốc gia, tiềm lực công
nghệ... khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đồng thời chính những sản phẩm
có chất lượng này sẽ hình thành nên thương hiệu quốc gia.
Tuy nhiên, toàn
cầu hóa đã khiến một sản phẩm là kết quả của một chuỗi cung ứng từ nhiều quốc
gia và kết thúc ở bất kỳ một quốc gia nào trong chuỗi cung ứng đó mà nhà sản
xuất thấy phù hợp. Người tiêu dùng giờ đây quan tâm chủ yếu tới thương hiệu
của sản phẩm hay nói cách khác là sản phẩm được tạo ra bởi nhà sản xuất nào.
Người dùng điện thoại iPhone, Samsung... không quan tâm nhiều việc chúng được
làm ra ở Trung Quốc hay Việt Nam. Tương tự như vậy, việc Việt Nam mỗi năm
xuất khẩu lượng điện thoại di động trị giá mấy chục tỉ đô la Mỹ không khiến
chúng ta được coi là “nhà sản xuất thiết bị di động” mà chỉ đơn thuần là cơ
sở sản xuất lớn nhất thế giới của Samsung.
Hoặc ngược lại,
hiện Asanzo nhập gần như toàn bộ linh kiện từ Trung Quốc để tạo ra sản phẩm
ti vi mang thương hiệu này. Nhưng giả sử, phần lớn số linh kiện đó được sản
xuất trong các nhà máy do Asanzo đầu tư tại Trung Quốc thì có lẽ người tiêu
dùng không có phản ứng phẫn nộ như hiện nay khi dùng một sản phẩm mà mình
đinh ninh là hàng Việt Nam nhưng hóa ra chỉ là lắp ráp từ linh kiện nước
ngoài.
Trong nền kinh
tế toàn cầu hóa, người tiêu dùng thường không quan trọng sản phẩm được làm ra
ở đâu mà quan trọng là nó được phân phối ở thị trường nào hoặc tạo ra bởi nhà
sản xuất nào. Hàng hóa tiêu thụ trên thị trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn
kỹ thuật về vệ sinh, an toàn, môi trường... bất kể nó được sản xuất trong
nước hay nhập khẩu. Các tập đoàn đa quốc gia cũng thường đưa ra cam kết chất
lượng toàn cầu để đảm bảo hàng hóa của họ có thể tiếp cận mọi thị trường bất
kể được sản xuất tại đâu. Đó là lý do ta thấy các cửa hàng “đồ nhập”, “đồ
xách tay” từ Mỹ, Nhật, EU... nhan nhản trên mạng lẫn trên đường phố mặc dù
những sản phẩm bán ở đó được sản xuất tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia...
Có thể sắp tới,
các cơ quan quản lý sẽ đưa ra các quy định quản lý nhằm xác định những mặt
hàng thế nào thì được gắn mác “made in Vietnam”. Nhưng như phân tích ở trên,
công việc phức tạp và sẽ khá tốn kém này mang giá trị tinh thần nhiều hơn là
thương mại, cũng như không có nhiều ý nghĩa trong việc tạo thêm động lực phát
triển sản xuất trong nước. Bản chất của chuỗi phân công lao động toàn cầu
ngày nay là sản phẩm được làm ra bởi ai (made by) chứ không phải ở đâu (made
in). Một thời gian dài, chúng ta đã đánh đồng hai khái niệm này.
Chúng ta hy
vọng “đi tắt đón đầu”, thực hiện “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” dựa vào
nguồn lực bên ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực công nghệ
được chiều chuộng bằng các chính sách ưu đãi, với hy vọng họ sẽ chuyển giao
công nghệ cho chúng ta. Tuy nhiên, các nhà sản xuất điện tử, xe máy, ô tô...
đến rồi bỏ đi ngay khi các hàng rào bảo hộ thuế quan bị dỡ bỏ mà không hề có
chuyển giao công nghệ như chúng ta chờ đợi.
Sau 30 năm thực
hiện nội địa hóa với bao nguồn lực xã hội, ngành công nghiệp ô tô của Việt
Nam vẫn chưa nắm bắt được công nghệ động cơ. Chiếc xe du lịch thương hiệu
Việt đầu tiên sắp ra đời bằng vốn và sức lao động của người Việt nhưng hoàn
toàn bằng công nghệ, máy móc nước ngoài từ các khâu kỹ thuật tới quản lý.
Những chiếc xe, ti vi, điện thoại... kể trên đều là những sản phẩm có giá trị
thương mại cao, tạo công ăn việc làm và đóng góp cho ngân sách. Nhưng không
thể nhìn vào kim ngạch thương mại và dòng chữ “made in Vietnam” để tự hào
rằng đó là những sản phẩm Việt Nam.
* * *
Bóng đá Việt
Nam đã chật vật và thất bại trong việc tìm đường tắt đến vinh quang bằng cách
mua, nhập tịch cầu thủ. Những gì chúng ta đạt được giờ đây là thành quả bền
bỉ đầu tư chiều sâu thông qua xã hội hóa, đầu tư cho công tác đào tạo một
cách bài bản, chuyên nghiệp. Bài học từ bóng đá cho thấy con đường trở thành
một nước công nghiệp phát triển phải được hoạch định dựa trên việc khai phá
các tiềm năng tri thức, sáng tạo của xã hội để làm chủ khoa học công nghệ.
Các sản phẩm “made in Vietnam” giúp chúng ta có công ăn việc làm, thoát
nghèo. Nhưng để thành ông chủ và gia nhập câu lạc bộ các thành viên phát
triển, chúng ta cần nhiều sản phẩm chất lượng “made by Vietnam”.
(Theo TBKTSG) Chi Mai
|
Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét