Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

Chặn xe vào bãi rác Nam Sơn:

Bao giờ giải quyết dứt điểm khúc mắc của dân?

Cập nhật lúc 10:49  

Từ nhiều năm nay, hơn 1.000 hộ dân sinh sống quanh Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chịu cảnh ruồi muỗi bám quanh nhà, hứng trọn mùi rác bốc lên hôi thối. TP.Hà Nội đã có chủ trương di dời người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét của bãi rác. 

Người dân chặn không cho xe vào bãi rác Nam Sơn. Ảnh: PV 
Người dân chặn không cho xe vào bãi rác Nam Sơn. Ảnh: PV

Tuy nhiên, mỗi lần gặp những vấn đề vướng mắc kéo dài, bần cùng, người dân phải làm lều lán, ăn trực nằm chờ không cho xe rác vào khu vực này để mong chính quyền lắng nghe, giải quyết vấn đề đang tồn tại.
Người dân trăn trở
Trao đổi với PV, những người dân ở xã Nam Sơn cho biết, nguyên nhân khiến người dân chặn xe rác được đưa ra là do các cơ quan chức năng nói về việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho dân nhưng chậm tiến độ, giải quyết đền bù không thỏa đáng về đất di dời. Do vậy, ngay từ chiều 1.7 đến ngày 2.7, hàng trăm người dân xã Nam Sơn gồm các thôn Liên Xuân, Xuân Bảng, Xuân Thịnh, Đông Hạ đã ra đường chặn xe rác.
Trước tình trạng này, sáng 3.7, tại Nhà văn hóa thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội), chính quyền địa phương và lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã có buổi đối thoại với khoảng gần 100 người dân để mong muốn người dân đồng thuận việc đưa rác vào bãi Nam Sơn.

 Người dân 3 xã ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đối thoại với chính quyền địa phương về vấn đề chậm đền bù, giải phóng mặt bằng. Ảnh: PV
Người dân 3 xã ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đối thoại với chính quyền địa phương về vấn đề chậm đền bù, giải phóng mặt bằng. Ảnh: PV

Tại buổi đối thoại, nhiều hộ dân cũng cho biết, trong những năm qua, TP.Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến đời sống của người dân quanh khu vực bãi rác bằng những văn bản cụ thể, giao cho các sở, ngành liên quan thực hiện theo lộ trình, để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, các vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng như hạn mức đất ở; công trình xây dựng trên đất ao vườn liền kề; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm với đất ao vườn liền kề và đất ở; bồi thường hỗ trợ tái định cư với diện tích đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường; giá thu tiền sử dụng đất khu tái định cư.
Ông Hoàng Văn Đức (tổ 18, thôn Đông Hạ, Nam Sơn) nêu ý kiến: “Đề nghị TP, huyện thực hiện đúng lộ trình giải phóng mặt bằng đã cam kết với nhân dân. Trước đó, tại biên bản làm việc giữa Thường trực Huyện uỷ, UBND huyện Sóc Sơn với lãnh đạo sở, ngành TP đã nêu rõ, UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện, các ngành, UBND xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ thực hiện lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng trong quý 1, trả tiền cho dân trong quý 2.2019. Tuy nhiên, trong quý 2 chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường”.
Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn) - phản ánh: “Chúng tôi quan tâm về chính sách đất ở và công trình xây dựng trên đất. Điều đáng nói, hai hộ ở gần nhau cùng thời điểm, nhưng một hộ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được trên 400m2theo Quyết định 65, hộ còn lại “sổ đỏ” theo Quyết định 117. Đề nghị sở, ngành quan tâm xem xét, nghiên cứu tránh tình trạng có nhà được cấp “sổ đỏ” với diện tích đất ở lên đến 2.000m2, nhà chưa được cấp “sổ đỏ” với đất ở lại bị quy sang đất vườn”.
Trong buổi đối thoại, rất nhiều người dân kiến nghị về mức giá bồi thường hỗ trợ đất ở, tài sản trên đất hiện hành thấp, nhân dân không chấp nhận. Do vậy, nếu không sớm được giải quyết thì người dân vẫn sẽ tiếp tục dựng lều bạt ngủ ngoài đường chặn xe rác.
Lãnh đạo địa phương xin lỗi
Cũng tại buổi đối thoại, ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của người dân các xã bị ảnh hưởng bởi bãi rác Nam Sơn và cho biết, sẽ sớm báo cáo Thủ tướng để có những cơ chế, chính sách đặc thù cho người dân huyện Sóc Sơn.
Ông Phạm Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn - cho biết: “Trước kiến nghị của người dân di dời cả khu vực đất ở và đất nông nghiệp, chúng tôi đã báo cáo và được TP.Hà Nội chấp thuận đối với các hộ trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét của bãi rác Nam Sơn. Hôm nay, rất nhiều kiến nghị, tâm tư của người dân chúng tôi thấy rất chính đáng. Ngày 28.6, TP.Hà Nội có quyết định cấp vốn. Sau đó, UBND huyện, UBND xã thông báo và có giấy mời đến các hộ gia đình. Người dân có mong muốn được trả tiền trong quý 2 và huyện cũng vậy, tuy nhiên quy trình thủ tục đảm bảo nghiêm ngặt nên có thể chậm”.
“Hôm nay, người dân có phê bình về việc chính quyền địa phương còn có nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, chúng tôi xin nhận lỗi”, ông Minh nói.
Theo chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, về đất nông nghiệp với các xã đã hoàn thành chuyển hồ sơ để hỗ trợ tiền đền bù. Đối với đất thổ cư, UBND huyện sẽ tập trung phê duyệt, chuyển tiền đợt 1. Sóc Sơn chỉ đạo mỗi xã thành lập 1 tổ công tác, tháo gỡ ngay từng kiến nghị của người dân. Mong muốn người dân ủng hộ, tiếp tục cho xe môi trường đổ rác vào bãi rác Nam Sơn.

Nội đô Hà Nội ngập rác
Tình trạng các xe chở rác không thể đưa vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) từ ngày 1.7 khiến nhiều quận nội thành bị tồn đọng lượng rác lớn. Nhiều khu vực như khu đất trống bên đường Phạm Văn Bạch (đoạn đối diện Viện Huyết học Truyền máu Trung ương), phố Dương Quảng Hàm, Trần Thái Tông... xuất hiện tình trạng rác thải bị ùn ứ, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Ông Triệu Tuấn Đức - Giám đốc Chi nhánh Nam Sơn (URENCO8) - cho biết, mỗi ngày bãi rác Nam Sơn tiếp nhận 5.000 tấn rác. Trước sự việc trên, TP.Hà Nội cũng có chủ trương tạm gác tại các xe chở rác, bãi trung chuyển, chờ xử lý. Trong 3 - 4 ngày tới, trong nội đô vẫn đảm bảo được vệ sinh môi trường”.
Ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn - cho biết, trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét của bãi rác Nam Sơn có 1.100 hộ dân của 3 xã: Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn bị di dời giải phóng mặt bằng với số tiền đền bù dự kiến khoảng 3.400 tỉ đồng. Trong đó, Nam Sơn có 186 hộ có đất nông nghiệp, tổng diện tích hơn 28,6ha với số tiền bồi thường trên 182 tỉ đồng; riêng thôn Đông Hạ có diện tích đất phải bàn giao mặt bằng lớn nhất (trên 14ha) với số tiền bồi thường hơn 90 tỉ đồng.
Từ ngày 2.7, UBND huyện Sóc Sơn đã bắt đầu chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng đối với những hộ dân có nhà, ruộng trong phạm vi bán kính 500 mét tính từ tường rào bãi rác Nam Sơn ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Mức đền bù tại phương án dự thảo được đưa ra như sau: Giá đền bù đất nông nghiệp cộng với hỗ trợ chuyển đổi việc làm là 630.000 đồng/m2; đối với giá lúa tẻ, mức đền bù là 7.000 đồng/m2, lúa nếp là 10.000 đồng/m2. Sau khi nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng khỏi khu vực bán kính 500 mét, người dân có thể mua đất ở khu tái định cư hoặc tìm chỗ ở mới. Theo đó, xã Nam Sơn sẽ được bố trí đất tái định cư ở 3 khu vực.
(Theo Lao Động) ANH THƯ - PHẠM ĐÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét