Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Bứng cả 'phố hoa sữa' lên bãi rác Nam Sơn, chuyên gia lên tiếng

Cập nhật lúc 09:18                

Trước thông tin Hà Nội bứng hạ hàng chục cây hoa sữa để trồng lại tại bãi rác Nam Sơn, các chuyên gia cho rằng, trồng cây xanh ở các đô thị phải gắn liền với quy hoạch đô thị chứ không thể cảm tính. Có như vậy, chuyện tốn chi phí để trồng cây rồi chặt bỏ mới không tái diễn.

Giữa tháng Bảy vừa qua, người dân ở phố Trích Sài (phường Bưởi, quận Tây Hồ) bất ngờ khi hàng chục cây hoa sữa bị cắt cành, bọc rễ để chuyển đi.
Theo kế hoạch, hơn 100 cây hoa sữa lần lượt được chuyển về vườn ươm trước khi trồng lại tại vùng đệm của bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn). Việc di chuyển cây hoa sữa khiến cho đoạn phố không còn bóng mát giữa nắng hè oi ả. Nhiều người tham gia giao thông bức xúc vì mất bóng mát khi đi đường nhưng với người dân khu vực thì đây là việc vui.
Bà Đỗ Thị Nga (50 tuổi) cho biết, hoa sữa rất nhiều phấn, lông, mỗi mùa hoa rụng bay khắp nơi. Bà Nga kiến nghị thành phố nên trồng thay thế loại cây khác phù hợp hơn tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.


Không chỉ hoa sữa, Hà Nội còn trồng cây ở nhiều địa điểm “không giống ai”, khiến cho người dân có cảm giác trồng cây lấy chỉ tiêu. Ví dụ, hàng trăm cây bàng lá nhỏ được trồng dưới gầm đường sắt trên cao dọc phố Hoàng Cầu, Yên Lãng, khiến người dân lo lắng về an toàn hành lang đường sắt. Hay hàng trăm cây bàng lá nhỏ khác trồng ngay dưới đường điện cao thế trên tuyến đường Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Các chuyên gia cũng đánh giá rằng việc trồng hàng loạt cây dưới đường điện cao thế (110kV) là sai quy định và tiềm ẩn những mối nguy hiểm về cháy, nổ. Có thời điểm, những tán cây bàng đã phát triển chạm vào đường điện cao thế.
Theo Ban quản lý dự án lưới điện thành phố Hà Nội, tháng 12/2018 đơn vị đã hoàn thành hạ ngầm đường dây điện 110kV Yên Phụ - Trần Hưng Đạo nên những cây xanh này không còn ảnh hưởng đến đường dây điện cao thế. Tuy vậy, trong quá trình hạ ngầm, cơ quan chức năng cũng phải di chuyển 11 cây xanh trồng trước đó để xây dựng hào cáp.
Ông Nguyễn Thanh Lâm (chuyên gia cây xanh) cho biết, hoa sữa không phải là loại cây xanh đô thị vì mùi rất hắc dễ gây dị ứng cho người. Chưa kể khi hoa sữa tàn, tàn hoa bay rất xa theo gió, hoa rụng gây tắc cống thoát nước.
Theo ông Lâm, Hà Nội đã trồng được 1 triệu cây xanh trong năm 2018, sắp tới là 600.000 cây xanh nữa nên cần có quy hoạch cây xanh và tuân thủ quy hoạch chứ không phải trồng theo ý chí lãnh đạo hay các doanh nghiệp tài trợ. Có các tiêu chí để lựa chọn cây đô thị như: Đảm bảo không gian cảnh quan tuyến phố; đảm bảo đặc trưng văn hóa tuyến phố; lựa chọn dựa trên đặc trưng sinh học của từng loài cây…
KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Trồng cây xanh ở Thủ đô từ hàng chục năm nay đang thừa cảm xúc, thiếu tính chuyên nghiệp”. Nó thể hiện sự thiếu hiểu biết về cây xanh đô thị.Theo ông Ánh, đây là bộ môn khoa học xuất hiện đồng thời với quy hoạch đô thị.


Hàng cây hoa sữa tại phố Trích Sài giờ đã được chuyển về khu bãi rác Nam Sơn Ảnh: Mạnh Thắng

Đại diện Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cho biết, thành phố vẫn đang triển khai trồng cây xanh theo Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên mục tiêu phát triển đạt 70% không gian xanh, 30% phát triển đô thị. Trong đó, tiêu chí cụ thể các loại cây cũng được đề ra cụ thể như: Cây thân gỗ sống lâu năm; sức chống chịu cao, chịu được tác động của đô thị; ít sâu bệnh hại; cây dẻo dai ít bị gió bão đổ gẫy… Với những tiêu chí này và phù hợp với thổ nhưỡng Hà Nội được liệt kê khoảng 74 loại cây phù hợp gồm: Cây sưa, sấu, long não, ban, chò chỉ, sao đen, sấu…
Về câu hỏi có hay không việc lãng phí khi trồng nhiều hàng cây rồi đánh chuyển đi, trong buổi tiếp xúc cử tri Hoàn Kiếm mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Không có việc trồng cây rồi đánh chuyển gây lãng phí.
Theo ông Chung, thông thường thành phố mua cây là mua cả vườn. Hiện nay ở các ngã 5, ngã 6 đường Võ Nguyên Giáp đều được giâm nhiều cây ở đó để cây quen với thổ nhưỡng, khí hậu Hà Nội. Một hai năm sau khi các nơi khác cần thì sẽ chuyển cây về, cây sẽ phát triển tốt ngay. Hay như tuyến phố Liễu Giai cây chỉ quy hoạch trồng 1 hàng nhưng cũng được trồng 3 hàng.
“Khi di chuyển vẫn còn 1 hàng cây như ban đầu. Đây không phải làm để tính phí”, ông Chung khẳng định.


Chuyển cây vì ảnh hưởng sức khỏe người dân?
Tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội (ngày 23/7), ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thông tin về việc di chuyển hàng cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài, phường Bưởi.
Ông Hoàng cho hay: trên vỉa hè tuyến đường Trích Sài có tổng cộng 102 cây hoa sữa được trồng từ năm 2014. Qua thời gian, rễ cây nổi gây bong bật, hư hỏng bồn cây, gạch lát vỉa hè. Ngoài ra, vào mùa hoa sữa nở rộ, mùi hương ngào ngạt và nồng nặc đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Do vậy, nhân dân đã nhiều lần có ý kiến về việc di chuyển hàng cây hoa sữa này.
Cuối năm 2018, quận Tây Hồ có văn bản báo cáo và đề xuất việc chuyển hàng cây hoa sữa này. Đến đầu năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đồng ý. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, quận Tây Hồ đã kết hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá hiện trạng để đề xuất phương án di chuyển hàng cây hoa sữa trên phố Trích Sài.
Theo đó, sẽ di chuyển gần 96 gốc hoa sữa trên phố Trích Sài (gần hồ Tây) về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Quận Tây Hồ sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc, duy trì 2 năm, bảo đảm các cây hoa sữa này sinh trưởng, phát triển tốt và sẽ bàn giao cho đơn vị vận hành Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn quản lý. “Quận Tây Hồ đã tiến hành họp công khai lấy ý kiến nhân dân phường Bưởi về việc chuyển hàng cây hoa sữa trên phố Trích Sài và 100% người dân tham gia cuộc họp đều đồng tình, ủng hộ”, ông Hoàng nói.

KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Trồng cây xanh ở Thủ đô từ hàng chục năm nay đang thừa cảm xúc, thiếu tính chuyên nghiệp”. Nó thể hiện sự thiếu hiểu biết về cây xanh đô thị. Theo ông Ánh, đây là bộ môn khoa học xuất hiện đồng thời với quy hoạch đô thị.

Trồng cây hoa giáng hương, muồng hoàng yến thay thế
Quận Tây Hồ đã tiến hành di chuyển cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài về trồng tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn. Tại vị trí các cây hoa sữa đã di chuyển, quận Tây Hồ đang tổ chức thực hiện việc chỉnh trang, cải tạo hạ tầng, tổ chức lát lại vỉa hè và báo cáo, đề xuất với thành phố và Sở Xây dựng việc trồng cây thay thế bảo đảm đúng chủng loại cây xanh đô thị, phù hợp với khu vực này. Cụ thể, có hai phương án đề xuất, một là sử dụng cây hoa giáng hương, hai là chủng loại sen thân gỗ hoặc muồng hoàng yến. Việc trồng cây hoa sữa trên Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, quận sẽ sớm có báo cáo đánh giá hiệu quả và công khai với cơ quan báo chí.

Thực ra việc đánh chuyển 102 cây hoa sữa tại phố Trích Sài đã không được tính toán kĩ. Tại Hà Nội rất nhiều phố có trồng cây hoa sữa, chẳng lẽ có ý kiến người dân nhà gần cây đó kêu ca thì ta lại nhổ đi? Vấn đề ở đây là người ta đã trồng mật độ quá dày, chưa đến 500m mà trồng hơn 100 cây. Lẽ ra chỉ cần đánh tỉa, để khoảng cách 50-60m có một cây cũng chẳng sao rồi trồng xen cây loại khác vào. Hàng cây này trồng từ khi tuyến đường này hình thành (cách đây chừng 15 năm) chứ không phải mới trồng năm 2014 như ông Nguyễn Lê Hoàng nói trong bài viết. Để có được những cây to như thế lại phải đợi cả chục năm nữa.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét