Vụ bắt giam "đại
gia" Trịnh Sướng: Bán hàng chục triệu lít xăng giả ra thị trường
Cập nhật lúc 10:23
Các đối tượng khai đã chi khoảng 3.000 tỉ đồng để mua dung
môi làm xăng giả; bình quân mỗi tháng, các doanh nghiệp sản xuất và buôn bán
xăng giả tung ra thị trường 6 triệu lít
"Đại gia" Trịnh Sướng
Ngày
6-6, Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra ban đầu
của vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả" là xăng ở nhiều tỉnh, thành
trong cả nước.
Đặc biệt nghiêm trọng
Thượng
tá Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết qua
trinh sát, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và một số
tỉnh, thành với thủ đoạn rất tinh vi, nên xác lập chuyên án mang bí số 018SM
để điều tra.
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu
được, ngày 13-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố vụ án, khởi tố bị
can đối với 9 đối tượng về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Các đối tượng
này đều ngụ ở tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đồng Nai.
Quá trình đấu tranh và công tác
điều tra nhận thấy đây là một vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy
ra tại nhiều tỉnh, thành nên Công an tỉnh Đắk Nông báo cáo Bộ trưởng Bộ Công
an để xin ý kiến chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Công an đã thành lập ban chuyên án, do
Thứ trưởng Lê Quý Vương làm trưởng ban, giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cùng
nhiều cục trưởng của bộ này tham gia làm phó ban.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công
an, Công an tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai đồng bộ
biện pháp xác minh, làm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng. Từ ngày
28-5 đến 2-6, ban chuyên án đã chỉ đạo các tổ công tác phối hợp Cục Cảnh sát
Kinh tế, Cục CSGT… bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi pha trộn
dung môi với chất kích RON, bột màu tạo thành xăng giả.
Lực lượng công an khám xét tại 6
địa điểm là nơi các đối tượng đang tổ chức pha trộn và cất giấu dung môi, các
chất pha trộn thành xăng giả ở TP HCM, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng. Từ đó,
tạm giữ trên 3 triệu lít dung dịch các loại, trong đó có hơn 2 triệu lít hỗn
hợp đã pha chế thành xăng giả, trên 430.000 lít dung môi chưa pha, 3 tàu
thủy, 6 xe bồn, 5 máy bơm...
Bắt giam "đại gia" Trịnh Sướng và 22 đối tượng khác
Từ các chứng cứ thu thập được,
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã tiếp tục khởi tố bị can và thực hiện
lệnh bắt tạm giam đối với 14 bị can, chủ yếu ngụ
TP HCM, nâng tổng số lên 23 bị
can. Trong đó có "đại gia" xăng dầu Trịnh Sướng - Chủ tịch HĐTV
kiêm Giám đốc Công ty Mỹ Hưng (Sóc Trăng).
Thông tin thêm về vụ án, đại tá
Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết trước đó, Công an
tỉnh Đắk Nông phát hiện có 3 cơ sở tiêu thụ xăng giả tại huyện Đắk R’lấp,
huyện Đắk G’long và thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) rồi mở rộng chuyên án.
Ngoài Công ty Mỹ Hưng, công an còn bắt quả tang một số doanh nghiệp như Công
ty TNHH A Quang của Nguyễn Ngọc Quang (SN 1970, ngụ TP HCM), Công ty TNHH
Đinh Chí Dũng của Đinh Chí Dũng (SN 1979, ngụ TP HCM), Công ty TNHH Gia Thành
(ở Sóc Trăng)... cũng có hành vi sản xuất và buôn bán xăng giả.
Trả
lời câu hỏi của phóng viên Báo Người
Lao Động về mối liên hệ
giữa Công ty Mỹ Hưng của "đại gia" Trịnh Sướng với các công ty sản
xuất xăng giả khác, đại tá Lê Vinh Quy cho biết 23 đối tượng bị khởi tố là
thuộc nhiều công ty chứ không riêng gì công ty của ông Trịnh Sướng. Tuy
nhiên, cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ các công ty này có mối liên
kết gì hay không.
Các
mẫu tang vật được công bố tại họp báo
Xăng giả được pha chế ra sao?
Đại tá Lê Vinh Quy cho biết các
doanh nghiệp pha chế, sản xuất xăng giả hoạt động khép kín, kho chứa không
bảng hiệu, quá trình pha chế diễn ra rất nhanh, có người cảnh giới, người lạ
không thể tiếp xúc nên lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp
cận, bắt quả tang. Đặc biệt, Công ty Mỹ Hưng dùng tàu cỡ lớn để vận chuyển
dung môi bằng đường thủy. Khi cập bến, các đối tượng nhanh chóng bơm xăng A95
thật xuống tàu để pha trộn, sản xuất xăng giả.
Về phương thức pha trộn, theo
đại tá Lê Vinh Quy, các đối tượng sử dụng dung môi sản phẩm trong quá trình
chưng cất của dầu mỏ, có chỉ số octan (RON) rất thấp, rồi pha với xăng A95 và
chất tạo màu thành xăng giả. Cụ thể, sử dụng dung môi trộn với 30%-50% xăng
A95 thật và chất tạo màu để tạo ra xăng A95 giả rồi tung ra thị trường.
Cũng theo đại tá Lê Vinh Quy,
các đối tượng khai từ năm 2017 đến nay đã chi khoảng 3.000 tỉ đồng để mua
dung môi. Mỗi tháng, các cơ sở tung ra thị trường 6 triệu lít xăng giả, tiêu
thụ tại nhiều địa phương như: Đắk Nông, Đắk Lắk, TP HCM, Sóc Trăng, Khánh
Hòa...
Đại tá Lê Vinh Quy cũng nói cơ
quan chức năng đã kết luận có khoảng 100 mẫu xăng giả có hàm lượng methanol,
hydrocarbon vượt quá quy định. Việc người tiêu dùng mua phải xăng giả khi sử
dụng sẽ làm cho hiệu suất động cơ giảm, có thể gây hư hỏng động cơ hoặc cháy
nổ.
"Thực tế đã xảy ra cháy nổ
rất nhiều phương tiện và đây có thể là một trong số nguyên nhân. Hiện Công an
tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Bộ Công an thông báo cho công an toàn quốc rà soát
lại các phương tiện cháy nổ trong 3 năm gần đây để làm rõ có phải do xăng giả
hay không" - đại tá Lê Vinh Quy kết luận và cho biết chuyên án vẫn đang
trong quá trình mở rộng điều tra.
Trinh sát trong thời gian dài
Để triển khai
chuyên án mang bí số 018SM, Công an tỉnh Đắk Nông đã cử khoảng 100 cán bộ,
chiến sĩ phối hợp các lực lượng của Bộ Công an tiến hành trinh sát trong thời
gian dài, vừa để đạt mục tiêu triệt xóa được nhiều công ty, doanh nghiệp sản
xuất xăng giả vừa phải bắt quả tang quá trình pha chế tạo ra xăng giả.
Trước thành
tích này, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã khen thưởng các lực lượng tham gia
chuyên án.
Công ty TNHH Gia Thành từng
bị phạt 50 triệu đồng
Công ty TNHH
Gia Thành do em vợ ông Trịnh Sướng đứng tên (thực chất là của ông Sướng) từng
bị Công an tỉnh Sóc Trăng phạt 50 triệu đồng vì "Mua bán xăng dầu với
các đối tượng ngoài hệ thống phân phối".
Vụ việc xảy
ra vào rạng sáng 27-6-2015. Khi đó, trinh sát của Phòng Cảnh sát Kinh tế Công
an tỉnh Sóc Trăng phối hợp lực lượng CSGT đường thủy phát hiện trên sông Hậu
có tàu mang tên Đông Hải, tải trọng lớn neo đậu và bơm xăng cho một tàu khác.
Kiểm tra giấy tờ, cơ quan chức năng xác định Công ty Gia Thành mua 2 triệu
lít xăng theo hóa đơn từ Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hoàng Lê Khang
(gọi tắt là Công ty Hoàng Lê Khang; trụ sở tại xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn,
TP HCM) rồi thuê tàu Đông Hải của một doanh nghiệp khác để chở hơn 1,2 triệu
lít xăng A92 từ kho cảng Nhà Bè (TP HCM) về Sóc Trăng.
Theo giấy
phép đăng ký kinh doanh, Công ty Hoàng Lê Khang có đăng ký mua bán xăng dầu
nhưng không phải là đại lý hay tổng đại lý xăng dầu nên không có giấy chứng
nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh
Sóc Trăng sau đó kết luận Công ty Hoàng Lê Khang không có kho bãi, chi nhánh
hay cửa hàng xăng dầu nên không cần thiết phải có giấy chứng nhận đủ điều
kiện kinh doanh xăng dầu. Do đó, không xử lý vi phạm hành chính đối với Công
ty Hoàng Lê Khang mà cho làm cam kết.
Đối với Công
ty TNHH Gia Thành, doanh nghiệp này có ký hợp đồng làm tổng đại lý cho chi
nhánh của Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM tại Cần Thơ (Saigon Petro) nên việc
mua bán xăng dầu với Công ty Hoàng Lê Khang là sai quy định, bị phạt 50 triệu
đồng.
PH.Khê
(Theo
Người Lao Động) Cao Nguyên
|
Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét