Bộ GTVT đề xuất tăng phí tại 49 dự án
BOT: Lửa đổ thêm dầu?
Cập nhật lúc 15:38
Bộ GTVT vừa đề xuất, từ nay tới năm 2021 sẽ
thực hiện tăng phí tại 49 dự án BOT đường bộ theo hợp đồng bộ này đã ký với
nhà đầu tư. Trong khi đó, theo phân tích kỹ của các chuyên gia, lộ trình thu
phí này cần giảm thay vì mỗi 3 năm tăng 1 lần.
Dự án BOT Quốc lộ 91 (Cần Thơ) theo Hợp đồng BOT ký với Bộ GTVT, nhà
đầu tư sẽ được tăng phí 18% vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, việc này đang phải
dừng lại, vì các lái xe phản đối Ảnh: PV
Ðòi tăng phí
hoặc cấp ngân sách bù 3.000 tỷ
Trước đó, Bộ GTVT đã lấy ý kiến
các bộ, ngành, địa phương về Dự thảo báo cáo Thủ tướng về việc sụt giảm doanh
thu so với phương án tài chính ban đầu tại các dự án BOT.
Theo số liệu của Bộ GTVT, năm
2018, có 31/52 dự án có lưu lượng phương tiện thực tế cao hơn dự báo trong
hợp đồng BOT; có 11/52 dự án có lưu lượng thực tế đạt 80-100% so với dự báo
và khoảng 10 dự án có lưu lượng thực tế thấp (dưới 80%) so với dự báo trong
hợp đồng.
Về nguyên nhân hụt lưu lượng xe so
với dự báo của 1 số dự án BOT, Bộ GTVT nêu: Một số địa phương phát triển kinh
tế - xã hội chưa đạt kỳ vọng; Một số trạm thu phí có số lượng xe sử dụng vé
tháng, vé quý cao hơn dự báo; Một số địa phương đầu tư tuyến đường mới song
song, giao cắt đường BOT nên các xe trốn tránh trạm thu phí; Thực hiện giảm
mức phí chung và miễn giảm cho chủ xe sống quanh trạm thu phí. Do đó, nhiều
nhà đầu tư có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho tăng phí theo hợp đồng.
Về lộ trình tăng phí, bộ này đề
xuất: Theo quy định trước ngày 1/1/2017, phí đường bộ chưa chuyển thành giá,
nên Bộ Tài chính quy định lộ trình tăng 3 năm 1 lần, mỗi lần tăng 12-18% tùy
từng dự án. Bộ GTVT đã theo đó ký hợp đồng với nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo
chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tháng 5/2016, và tháng 5/2017, trong
điều hành giá, Bộ GTVT chưa tăng phí theo lộ trình trong các hợp đồng BOT
(dừng tăng phí tới năm 2021). Do đó, tới hết năm 2019, có 37 dự án phải tăng
phí theo hợp đồng, năm 2020 có 10 dự án, năm 2021 có 2 dự án.
Sau khi đánh giá, Bộ GTVT đã báo
cáo Thủ tướng 2 phương án xử lý để các dự án BOT giao thông không bị phá vỡ
phương án tài chính, khoản vay đầu tư trở thành nợ xấu. Bộ này phân tích và
cho hay, nghiêng về chọn phương án cho tăng phí trong giai đoạn 2019-2021.
Trong 49 dự án theo hợp đồng BOT, trước mắt chỉ tăng với một số dự án có
doanh thu thấp. Với phương án thứ 2, cho tăng phí từ năm 2021, sẽ khiến 9 dự
án rơi vào nguy cơ phá vỡ phương án tài chính, ngân sách phải cấp bù 3.000 tỷ
đồng. Do đó, phương án này khó khả thi.
Không nên cho tăng phí với BOT đang gây bức xúc
Trao đổi với
PV Tiền Phong, chuyên giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà
Xuất bản GTVT) cho rằng, các tồn tại của BOT đường bộ do 1 thời gian phát
triển “nóng”, chưa lường hết tác động. Theo đó, nhà nước cho làm BOT trên các
tuyến đường độc đạo, cải tạo đường hiện có, đặt trạm thu phí "ưu
ái" cho nhà đầu tư. Trong khi đó, công tác giám sát vẫn thực hiện thủ
công, dựa theo báo cáo nhà đầu tư là chủ yếu… nên thời gian qua, một số trạm
thu phí bị người dân phản ứng.
“Đặc biệt, mức phí phải tính toán
lại, đáng ra phí phải giảm theo thời gian, vì phương tiện gia tăng (mỗi năm
tăng bình quân 20%); chi phí đầu tư, khấu hao, lãi suất giảm. Tuy nhiên, điều
kỳ lạ ở ta lại làm ngược lại, khi Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư cho phép
mỗi 3 năm tăng phí 1 lần”, ông Thuỷ nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô
Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đề nghị không nên tăng phí với: Những dự án BOT có
trạm thu đặt chưa phù hợp, gây bức xúc cho người dân; Các dự án BOT cải tạo,
nâng cấp đường đã có hoặc trên tuyến đường độc đạo. “Bộ GTVT nên: Làm việc
với nhà đầu tư để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại tại các trạm thu phí
bị tài xế phản ứng. Quyết toán dứt điểm các dự án, triển khai thu phí tự
động, giám sát thu phí hiệu quả… Sau đó, Bộ GTVT mới đặt vấn đề về tăng mức
phí, khi đó mới được dư luận đồng thuận”, ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, khi các vấn đề
trên chưa được giải quyết, thì chỉ nên đặt vấn đề tăng phí với các dự án BOT
tuyến đường hoàn toàn mới, không phải đường độc đạo (theo Nghị quyết 437/2017
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Đồng thời, cần làm rõ nguyên nhân thu phí
không đạt phương án tài chính, do lượng xe ít hay do chi phí thường xuyên của
trạm thu phí quá lớn, cách thức tổ chức không hợp lý… Đặc biệt, khi kinh tế
phát triển, lượng xe gia tăng, đáng ra phí phải giảm mới hợp lý.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ
tướng chỉ đạo các địa phương khi thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường mới
ảnh hưởng tới các dự án BOT phải báo cáo và được sự thống nhất của Bộ GTVT và
nhà đầu tư. Với các tuyến đường hiện hữu, Bộ GTVT đề xuất kiểm soát chặt tải
trọng xe, phân luồng phương tiện qua trạm thu phí, nhằm ngăn chặn xe đi đường
địa phương để tránh trạm thu phí.
(Theo Tiền Phong) Lê Hữu Việt
Làm ăn BOT kiểu này khác chi
một doanh nghiệp Nhà nước? Lãi lớn thì họ ỉm đi, khi khó khăn thì họ đẩy rủi ro
cho người dân, thế thì ai chẳng kinh doanh được? Bộ GTVT xem ra chỉ nhăm nhăm
bảo vệ doanh nghiệp BOT.
Thương Giang
|
Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét