Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

"Quyền tài sản của chúng ta còn rất yếu"

Cập nhật lúc 09:20      

Các cải cách nhằm bảo vệ đầu tư tư nhân theo thị trường còn rất nhiều không gian để hoàn thiện.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập và Tiến sỹ Võ Trí Thành, thành viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) góp ý về việc thực thi hợp đồng.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập:
Các quốc gia phát triển trong khu vực luôn có cách tiếp cận riêng để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Ở Nhật Bản, nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp về kỹ thuật, công nghệ. Hàn Quốc thì hỗ trợ tài chính, bơm tiền cho các tập đoàn. Đài Loan thì hỗ trợ trung dung hơn, tập trung cho công nghiệp và tài chính.
Các chính sách này đưa lại những kết quả tương đối khác nhau. Nhật Bản có các tập đoàn lớn nhưng rất đa dạng, được quốc tế hóa. Trong khi đó, Hàn Quốc lại có các cheabol thống lĩnh nền kinh tế và trong nhiều trường hợp, một số chủ tịch tập đoàn bị truy tố; còn Đài Loan có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển bền vững.
Việt Nam chúng ta đã theo kinh tế thị trường, thu hút thêm nhiều nguồn lực trong dân cho phát triển. Chúng ta cải cách nhiều lĩnh vực bao gồm thứ nhất là mở cửa thị trường, cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ giấy phép con; thứ hai là tăng cường thực thi hợp đồng; thứ ba là đảm bảo tự do kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng; thứ tư là cải cách doanh nghiệp nhà nước và thứ năm là bảo vệ sở hữu tư nhân.
Cả năm trụ cột đó chúng ta đã luôn cố gắng cải cách, bồi bổ nhiều năm nay, nhưng có một số trụ cột chưa được cải thiện.
Khảo sát gần đây của Bộ Tư pháp về thực thi hợp đồng cho thấy, trụ cột này của chúng ta còn có vấn đề, tương tự như xếp hạng của Việt Nam trong các báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
 'Quyền tài sản của chúng ta còn rất yếu'
Đất đai được chuyển cho khu vực tư nhân mà trong một số trường hợp, không qua đấu giá, hoặc với giá rẻ
Tôi muốn nhấn mạnh trụ cột thực thi hợp đồng. Theo dõi vài năm nay, chúng ta thấy rõ xu hướng sử dụng các mệnh lệnh hành chính để can thiệp thị trường thay vì để các công cụ thị trường vận hành. Xu hướng này đang ngày càng có các tác động rõ nét trong đời sống kinh tế xã hội.
Thông thường trước đây các doanh nghiệp nhà nước hợp tác với doanh nghiệp tư nhân bằng góp đất, đất đó có thể là “đất vàng”, vì họ không có vốn. Bên cạnh đó, đất đai được chuyển cho khu vực tư nhân mà trong một số trường hợp, không qua đấu giá, hoặc với giá rẻ, hoặc chưa đúng về quy trình thủ tục.
Trong một số trường hợp, những vụ việc này bị điều tra về tiêu cực và thường có kết luận hành chính giống nhau là yêu cầu thu hồi đất đó về. Thực tế là hợp đồng bị hủy, việc thực thi hợp đồng không thành dù đất đó đã được chuyển nhượng, mua bán, sang tên cho nhiều chủ đầu tư, hay được thế chấp ngân hàng.
Dưới sức ép hành chính đã có một số vụ doanh nghiệp đã trả lại đất trên thực tế. Đây là điều chưa từng có trước đó và như vậy, cách can thiệp hành chính là rất có hiệu quả.
Hơn nữa, trước đây việc sử dụng các biện pháp hành chính thường chỉ liên quan đến khu vực nhà nước nhưng gần đây đã lan sang khu vực tư nhân. Trước đây, các biện pháp hành chính thường gói gọn trong lĩnh vực ngân hàng thì nay mở rộng ra nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Đây là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước đang rất quan tâm.
Tuy nhiên, tôi cho là cần tách bạch các quan hệ, các công đoạn ra. Cần tách bạch trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm pháp nhân; tách bạch quan hệ kinh tế, dân sự, hình sự ra rõ ràng vì nếu không việc này sẽ làm đứt đoạn hệ thống pháp lý.
Trước đây, chúng ta có xu thế hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự và sau nhiều thảo luận, chúng ta đã giảm được rất nhiều các vụ việc này. Song đến nay tôi muốn cảnh báo về xu hướng sử dụng các biện pháp hành chính trong việc thực thi hợp đồng.
Chúng ta đang xây dựng ngôi nhà pháp luật, ban hành các nghị quyết về cải cách môi trường kinh doanh nhằm hiện thực hóa thể chế kinh tế thị trường. Đó là điều rất đáng hoan nghênh.
Chúng ta theo kinh tế thị trường thì nên thụ lý ở tòa. Nhân tiện, tôi là thành viên của VIAC, chúng tôi đã nỗ lực làm trọng tài hòa giải nhiều vụ việc, nhưng đến nay các vụ việc giải quyết qua VIAC chỉ dưới 1% trong khi các nước thì trên 90%. Bên cạnh đó, khi đã có hòa giải của trọng tài rồi nhưng có tới 22% phán quyết của trọng tài vẫn bị tòa án hủy. Ngoài ra, trong các vụ án (tranh chấp kinh tế) đã xử xong thì có tới 60% không thi hành được.
Những điều đó có nghĩa là các cải cách nhằm bảo vệ đầu tư tư nhân theo kinh tế thị trường còn rất nhiều không gian để hoàn thiện.
Tiến sỹ Võ Trí Thành:
Liên quan đến việc can thiệp của nhà nước thì thế giới có nhiều cách nhìn. Thứ nhất là Nhà nước can thiệp trực tiếp vào thị trường, mà biểu hiện cực đoan nhất là mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhà nước quyết định mọi thứ. Thứ hai là mô hình hỗn hợp, nhà nước can thiệp vừa phải vào thị trường mà Ngân hàng Thế giới gọi là nền kinh tế nhà nước thân thiện với thị trường; nhà nước để nền kinh tế vận hành đúng quy luật thị trường, chỗ nào cần can thiệp mới can thiệp. Và cuối cùng là các nền kinh tế hoàn toàn thị trường.
Việt Nam ta có sáng tạo là phát triển bền vững và bao trùm. Chúng ta mở cửa thị trường, tham gia hội nhập, tham gia mạng, chuỗi sản xuất của thế giới. Chúng ta không hẳn là thế này, hay thế kia.
Tức là khi nói về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thì có một số quan điểm như thế.
Quá trình chuyển đổi ở Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường về bản chất là mở rộng cơ hội, đặc biệt là cơ hội kinh doanh, cho người dân và nâng cao năng lực tận dụng cơ hội. Chúng ta đã làm tương đối tốt ở góc độ tạo cơ hội cho người dân qua việc mở cửa thị trường, hội nhập nhưng về nâng cao năng lực tận dụng cơ hội thì chưa làm tốt vì những yếu kém về thể chế, về chất lượng nhân lực.
Quá trình chuyển đổi đó thực chất là quá trình phân chia, phân bổ lại tài sản, cụ thể là doanh nghiệp nhà nước và tài nguyên đất đai. Trong đó, quá trình tích lũy tư bản đầu tiên là phân bổ lại tài sản, từ tài sản thuộc sở hữu của tất cả người dân được Nhà nước đại diện chuyển sang cho khu vực tư nhân,…  Tài sản, nguồn lực được phân bổ, chia lại cho đến khi có sở hữu rõ ràng đến mức giao dịch theo đúng thị trường.
Sau khi tích lũy, xác định rõ sở hữu thì doanh nghiệp mới đi được vào khâu đổi mới sáng tạo, giá trị gia tăng,… Tuy nhiên, theo Báo cáo Việt Nam 2035, quyền tài sản của chúng ta còn rất yếu.
Liên quan chuyện thực thi hợp đồng, gần đây tôi gặp rất nhiều câu hỏi, liệu có chuyện hồi tố hay không, liệu có đảm bảo không chia lại sau chục năm nữa hay không, liệu thể chế chia lại hiện nay có đảm bảo tạo ra sở hữu rõ ràng để nó không bị chia lại hay không?
Nếu lại đòi chia lại thì không có phát triển. Lý do, một đất nước chỉ loay hoay đòi chia cái đang có thì không thể phát triển; phát triển phải là từ cái đầu, từ chất xám, từ sáng tạo mà những yếu tố này, như tôi đã nói, thường chỉ có được sau khi đã tích lũy, có sở hữu rõ ràng.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi là cân bằng, có sai phạm thì phải xử nhưng nền tảng phát triển là tối quan trọng.
(Theo VietNamNet) Tư Giang, Lan Anh lược ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét