ĐỪNG NGHĨ GỘP TẾT THÌ CÓ THỂ ‘VĂN MINH’
Cập nhật lúc 15:46
Giải quyết được chút ít yêu cầu để “cho hợp với xu
thế thời đại” nhưng lại làm mất đi những giá trị tinh thần to lớn, nó có thật
sự đáng cho một cuộc đánh đổi?
Huỷ
bỏ, thay đổi hay gìn giữ một truyền thống văn hoá là một vấn đề mang tính
nhận thức luận và quyết định luận mà cha ông chúng ta từng trải qua trong
suốt chiều dài lập nước.
Những cơn mưa
Âu gió Á cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi "sự đụng chạm với phương Tây
làm tan rã không biết bao nhiêu bức tường thành kiên cố" thì cha ông
chúng ta đã từng đứng trước một trong những câu hỏi quan trọng nhất của lịch
sử: Sử dụng hệ ngôn ngữ nào?
Theo nhà nghiên
cứu văn hoá Vũ Thế Khôi (con trai cố giáo sư Vũ Đình Hoè) thì thời ấy, thoạt
tiên người Pháp cho tiền các nhà Nho để nhờ phổ biến chữ quốc ngữ, nhằm có
thể dễ bề triển khai những chính sách khai thác thuộc địa của mình. Nhưng
phần lớn các nhà Nho đã kiên quyết chống lại, vì cho rằng mất chữ Hán là mất
đi cái văn tự căn cốt làm nên sức sống tinh thần của một dân tộc.
Sau
này, khi những cuộc đụng chạm Đông-Tây diễn ra ở cấp độ mạnh hơn, và khi thấy
chữ quốc ngữ quả nhiên có thể giúp dân tộc tiệm cận gần hơn với xu thế phát
triển của văn minh phương Tây thì rất nhiều nhà Nho lại chủ động tuyên truyền
chữ quốc ngữ trong lòng dân tộc. Xin nhấn mạnh là họ chủ động làm điều đó,
chứ không phải làm vì ai đó đưa tiền cho mình cả.
Hẳn nhiên vẫn
có những nhà Nho chống lại điều này đến cùng, nên trên cả diễn đàn văn
chương, báo chí thời ấy, chúng ta vẫn bắt gặp những lời cảm thán về những
người "vứt bút lông đi, viết bút chì".
Bây giờ, dòng
thời gian đủ dài để nhận chân nhiều chiều các giá trị, ai cũng thấy bỏ chữ
Hán chuyển sang chữ quốc ngữ, là một quyết định, một chọn lựa mang tính lịch
sử của ông cha chúng ta, và quyết định này đem lại rất nhiều cái được.
Nhưng bỏ chữ
Hán, chuyển sang chữ quốc ngữ lại khiến rất nhiều thế hệ cháu con người Việt
sau đó bị đứt đoạn văn hoá với ông cha. Bằng chứng là bây giờ đông đảo người
Việt không thể trực tiếp đọc được sách cổ, cũng không thể trực tiếp cảm thấu
tư tưởng của ông cha thể hiện trong từng câu đối ở từng đình chùa miếu mạo…
Mà đã không hiểu - không thấu thì cái gọi là "Gìn giữ, phát huy bản sắc
dân tộc" chắc chắn diễn ra không dễ dàng.
Thay đổi một
định dạng văn hoá - một truyền thống văn hoá - một di sản văn hoá, vì thế
phải được nhìn nhận một cách thận trọng, nhiều chiều, và tuyệt đối tránh xa
kiểu tư duy đơn tuyến. Người Trung Quốc vẫn giữ chữ của người Trung Quốc.
Người Hàn Quốc vẫn giữ chữ của người Hàn Quốc. Nhưng nếu vì thế mà bảo đất
nước họ bây giờ hội nhập với phương Tây chậm hơn chúng ta, và vì thế có tốc
độ phát triển kém hơn chúng ta thì e là không mấy người đồng ý.
Giữ
Tết hay gộp Tết cổ truyền cũng như vậy. Không nên đơn tuyến nghĩ rằng chỉ nhờ
những việc mang tính hiện tượng như "gộp Tết" mà có thể bắt kịp xu
thế văn minh nhân loại. Trong khi "gộp Tết" chắc chắn sẽ làm mất đi
những giá trị tinh thần vốn có của dân tộc mình.
Những người ủng
hộ chuyện nhập Tết ta vào Tết tây thường vin vào quãng thời gian nghỉ lễ làm
căn cứ luận cho mình. Họ bảo, nếu Tết tây chỉ diễn ra trong một ngày thì Tết
ta lại diễn ra trong nhiều ngày, và đặt trong bối cảnh của thời đại công nghiệp
hoá-hiện đại hoá, và bây giờ là "số hoá", thì việc nghỉ nhiều ngày
(trong khi thế giới phương Tây không nghỉ) tạo nên sự lệch pha ghê gớm.
Thêm vào đó,
những mặt trái vốn có của Tết ta như phải mất quá nhiều thời gian cho việc đi
mua quà, biếu xén, phải tham dự hết bữa ăn nhậu này đến bữa ăn nhậu khác
khiến một bộ phận người tưởng là được nghỉ Tết để "chơi", để
"đón xuân", để "tái sáng tạo" nhưng thực chất nghỉ Tết mà
lại đâm ra mệt mỏi, sợ hãi cứ hệt như bị "trời đày".
Mặt trái này có
thật không? Theo tôi là có thật, cho dù đã được khắc phục rất nhiều so với
trước.
Tuy nhiên, nhìn
trên diện rộng thì có lẽ cái tâm lý háo hức đón Tết vẫn là dễ thấy. Bởi Tết
cổ truyền vẫn chứa đựng trong nó những giá trị vốn được xác lập và bồi đắp từ
cả ngàn năm. Ba ngày Tết là dịp để con cháu hướng đến tổ tiên ông bà, một đạo
hiếu sâu đậm trong lòng một dân tộc luôn lấy đạo hiếu làm kim chỉ nam hành
động cho mình.
"Mồng
một Tết cha - Mồng hai Tết mẹ - Mồng ba Tết thầy", cách ăn Tết ấy đã
được bảo truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia, và đặt trong bối cảnh mà hồi
chuông báo động về sự xuống cấp đạo đức xã hội không ngừng được gióng lên thì
nét văn hoá ấy càng phải được nhấn mạnh hơn bất cứ khi nào.
Không quá lời
khi nói Tết cổ truyền là một di sản văn hoá, gìn giữ trong nó đầy đủ những
giá trị tinh thần đặc trưng của con người và đất nước Việt Nam. Mà ở bất cứ
giai đoạn lịch sử nào thì những giá trị tinh thần đặc trưng của một đất nước
cũng có vai trò quan trọng trong việc giúp đất nước đó có đủ chiều sâu tư
tưởng và nội lực để hy vọng có được một ngày "cất cánh".
Dưới góc nhìn
vật chất thuần tuý, nhập tết Ta vào tết Tây đúng là có thể tiết kiệm được
"những ngày nghỉ quá dài", đúng là có thể làm giảm bớt lượng của
cải vật chất thâm hụt cho xã hội. Nhưng dưới góc độ tinh thần luận,
"nhập hai làm một" kiểu ấy rất có thể sẽ làm tổn hại đến những giá
trị tinh thần của một dân tộc vốn được tạo dựng từ cả ngàn năm truyền thống.
Giải quyết được
chút ít yêu cầu để thực hiện cái gọi là “cho hợp với xu thế thời đại” nhưng
lại làm mất đi những giá trị tinh thần to lớn, nó có thật sự đáng cho một
cuộc đánh đổi hay không?
(Theo Zing.vn) Phan Đăng
|
Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét