Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

Quan chức thật ra có mấy mặt?

Cập nhật lúc 14:42  


Những người không biết xấu hổ, tự huyễn hoặc mình, lừa dối tổ chức và nhân dân nhưng chưa đến mức phản bội, người đời gọi là “mặt mo” hay “mặt dày”.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc cho rằng:
Từ các cấp lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất đến các tầng lớp xã hội phải khắc phục bệnh thành tích, giả dối, sống hai mặt, củng cố niềm tin vào những mặt tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; mọi người đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm”. [1]
Trong phát biểu của Thủ tướng cụm từ “các cấp lãnh đạo, quan chức” được sử dụng khác với thông lệ là “cán bộ, đảng viên”.
“Cán bộ” là những người làm việc trong các cơ quan, có thể là viên chức hay công chức, không phải tất cả cán bộ đều là đảng viên và không phải đảng viên nào cũng làm cán bộ.
Riêng bộ phận “lãnh đạo, quan chức”, nghĩa là những người có chức, có quyền, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng có thể thấy gần như 100% là đảng viên.
Với bộ phận “lãnh đạo, quan chức”, Thủ tướng đề cập đến hai vấn đề:
Thứ nhất: “Làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất”;
Thứ hai: “Khắc phục bệnh thành tích, giả dối, sống hai mặt, củng cố niềm tin vào những mặt tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Để tránh những suy diễn không cần thiết, có hai điều xin được ghi chú trước:
Thứ nhất, bài viết không đề cập đến “các tầng lớp xã hội” mà chỉ giới hạn phạm vi “lãnh đạo, quan chức”.
Thứ hai, để cho gọn, cụm từ “lãnh đạo, quan chức” (được Thủ tướng sử dụng) trong bài viết này được hiểu là “Một bộ phận không nhỏ lãnh đạo, quan chức”.
Vấn đề là thói “sống hai mặt” mà Thủ tướng đề cập gắn với “các cấp lãnh đạo, quan chức” được thể hiện như thế nào?
 
Ảnh minh họa: Báo điện tử Dân Việt
Biểu hiện thứ nhất của “hai mặt”: Tầm nhìn hạn hẹp, lòng tham vô bờ.
Tham nhũng trở thành “quốc nạn”, thành “giặc nội xâm”, là nỗi nhức nhối của cả dân tộc, Đảng và Nhà nước là điều không cần nói thêm.
Hàng loạt vụ kỷ luật hoặc đại án được đưa ra xét xử trong nửa đầu nhiệm kỳ Trung ương khóa 12 cho thấy mặt “tham nhũng” của “Lãnh đạo, quan chức” không chỉ là của cải vật chất mà còn là địa vị, quyền uy và những dục vọng tầm thường.
Ngược lại, tầm nhìn của lực lượng này lại quá hạn hẹp, gần như không thoát khỏi tâm lý “lũy tre làng”.
Quy hoạch đô thị bị băm nát, đường phố chằng chịt “mạng nhện” các loại dây dẫn, phố xá bé tí tẹo, kẹt xe, ngập úng, ô nhiễm không khí,…
Cả năm thành phố trực thuộc Trung ương đều chưa thể mang dáng dấp một thành phố hiện đại. Có người đi nhiều còn nói, mấy thành phố lớn của ta so với thành phố cấp tỉnh, thậm chí cấp huyện của nhiều nước có khi cũng còn kém.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ bởi học tập một cách máy móc mô hình nước ngoài trong khi thể chế chính trị và kinh tế hoàn toàn khác nhau.
Thiết bị lạc hậu thậm chí là phế thải được nhập với giá rất cao.
Đất nước chậm phát triển, kinh tế lệ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nợ công tăng cao, đạo đức xã hội xuống cấp,… đó đều là hệ quả tầm nhìn hạn hẹp nhưng lòng tham lại vô bờ của “Lãnh đạo, quan chức” mang lại.
Nguyên nhân sự yếu kém của “Lãnh đạo, quan chức” là cách thức tuyển dụng cán bộ.
Nhiều thập niên việc tuyển dụng cán bộ, công chức theo luật bất thành văn “con cháu các cụ”, theo lý lịch (đặc biệt trong ngành công an).
Việc đề bạt lãnh đạo trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị hầu như chỉ bó hẹp trong hàng ngũ đảng viên, không phải trong phạm vi hơn 90 triệu công dân.
Nói tóm lại chúng ta đang áp dụng một nguyên lý nguy hiểm mà khoa học đã cảnh báo là “Hôn nhân cận huyết”.
Tầm nhìn thể hiện trình độ, người có tầm nhìn kém không thể lại có trình độ cao.
Biểu hiện thứ hai của “hai mặt”: Đạo đức giả, dối trá thật
Một vị cựu bí thư tỉnh ủy, ông Lê Phước Thanh trả lời báo chí về năng lực và đạo đức của con trai ông - Lê Phước Hoài Bảo - như sau:
Tôi có thể khẳng định việc đó (làm Giám đốc sở - NV) thừa sức, Bảo có uy tín để làm. Nhiều người đánh giá cách tổ chức, cách quản lý của Bảo rất tốt, từ đạo đức, phẩm chất cũng rất là tốt”.
Tuy nhiên chính ông Thanh cũng phải thừa nhận làm việc bên ngoài khó khăn nên đã hướng con trai quay về làm cho nhà nước.
Con trai ông Lê Phước Thanh sau đó bị cách chức Giám đốc sở, bị khai trừ khỏi Đảng, còn Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 nhận kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương như sau:
Buông lỏng lãnh đạo, để Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan chức năng tuyển dụng công chức, xét tuyển viên chức không qua thi tuyển, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm một số trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục, có sự ưu ái đối với con của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh”.
Những người không biết xấu hổ, tự huyễn hoặc mình, lừa dối tổ chức và nhân dân nhưng chưa đến mức phản bội, người đời gọi là “mặt mo” hay “mặt dày”.
 bà cán bộ đi ăn bún, đỗ xe ở chỗ không được phép, khi bị dân chúng phản đối thì lôi điện thoại “trò chuyện” với ai đó, lát sau thấy có người mặc sắc phục đến “đứng gần” chiếc xe của bà cán bộ, diện này dân chúng gọi là “mặt vênh váo”.
Tạp chí Xây dựng Đảng dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:
Đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình.
Vấn đề là dám nhìn thẳng vào bản thân, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục”. [2]
Vậy “Lãnh đạo, quan chức” ngày nay đã làm đúng giáo huấn của Hồ Chủ tịch hay họ nói rất hay mà làm ngược lại?
Biểu hiện thứ ba của “hai mặt”: Hợm hĩnh, nịnh trên nạt dưới
Người Việt có câu “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, “mặt phải” của “Lãnh đạo, quan chức” - tức là mặt “khoe ra” - là nói rất hay, rất hùng hồn, rất đúng đường lối, rất đúng quy trình, rất là … lãnh đạo.
Bài viết "Thương vụ AVG – Khi Ban Cán sự Đảng bị vô hiệu hóa" của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương được Vov.vn trích dẫn có đoạn đánh giá về cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son  như sau:
“Độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ đã vô hiệu hóa cả Ban cán sự Đảng (Bộ Thông tin và truyền thông - NV)”. [3]
Trần Bắc Hà, một “ông trùm” khét tiếng ngành ngân hàng, từng có thời là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng BIDV, được báo Infonet.vn mô tả như sau:
Theo chia sẻ của một cựu lãnh đạo ngân hàng cổ phần đã từng có thời gian làm việc dưới trướng Trần Bắc Hà, lan truyền nhiều nhất là chuyện Trần Bắc Hà "gạt tay trúng má" một quan chức cấp tỉnh khi trái ý”. [4]
Trên mạng xã hội, không khó tìm bức ảnh ông Trần Bắc Hà khom lưng rót nước mời một vị bề trên.
Nhìn thấy vị Phó tổng giám đốc một tập đoàn tư nhân có quy mô tổng tài sản lên tới hàng tỷ USD đeo chiếc đồng hồ trị giá 1,8 tỷ đồng, ngay trước mặt cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh bảo người này:
Mày đeo cái này (chiếc đồng hồ Patek Philippe) làm đếch gì. Cái này đưa cho bọn lái xe đeo".
Chiếc đồng hồ mà Trịnh Xuân Thanh đeo có giá 1,7 triệu USD, tương đương 39 tỷ đồng.
Mới đây, Vũ Huy Hoàng và Nguyễn Bắc Son đều bị cách chức “nguyên Bộ trưởng”, Trịnh Xuân Thanh ngồi tù, Trần Bắc Hà bị khai trừ khỏi Đảng đang bị tạm giam.
Loại người như những người này, không có từ “mặt” nào tương xứng cho dù có nói “mặt mẹt” hay “mặt mo”.
Vậy nên xin đăng ký bản quyền “phát minh sáng tạo” trong ngôn ngữ Việt một loại mặt mới là “Mặt Cách”, đây là loại “mặt” dùng cho những ai bị “cách” hết chức vụ trong Đảng hay “cách” các chức “nguyên” sau khi tưởng là hạ cánh an toàn.
(còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/quan-chuc-phai-khac-phuc-benh-doi-tra-song-hai-mat-500991.html?fbclid=IwAR165T-BM8OjFDJgUw6NMAHAOqfBPfw58m3e2F2z1fT5yLpQ5_5nQzJay0c
[2]http://www.xaydungdang.org.vn/Home/MagazineStory.aspx?mid=121&mzid=1266&ID=2897
[3] https://vov.vn/chinh-tri/khi-ban-can-su-dang-cua-bo-bi-vo-hieu-hoa-812420.vov
[4] https://infonet.vn/tran-bac-ha-doc-doan-tai-tieng-vi-pham-den-muc-bi-khoi-to-post283336.info
(Theo GDVN) XUÂN DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét