Sao
sống phè phỡn khi người dân vật vã mưu sinh
Cập nhật lúc 16:51
Cuộc sống sang chảnh, cách biệt
với cách mưu sinh của đa số người dân đã khiến một số quan chức bị
Đảng chê, dân ghét.
Tưởng như sự giàu có bất thường, cuộc sống hưởng thụ cao
sang của một số quan chức không ảnh hưởng gì đến những người xung quanh và
cộng đồng, nhưng sự thật đã để lại bao hệ lụy cho chính bản thân họ và xã hội.
Cuộc sống sang chảnh, cách biệt với cách mưu sinh vất vả
của người dân đã khiến một số lãnh đạo bị Đảng chê, dân ghét.
LTS: Trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019,
sau khi điểm lại những thành tựu, kết quả nổi bật của đất nước trong năm qua
và nêu ra những việc cần làm trong năm tới, khi nói về sự nêu gương của đội ngũ
cán bộ các cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự trăn
trở và cũng là điều cảnh báo: “Những “ông quan” nói một đằng, làm một nẻo,
kêu gọi người khác tiết kiệm trong khi bản thân xa hoa, lãng phí, chi dùng
bằng tài sản, công quỹ nhà nước, bằng tiền thuế của dân, cờ bạc, tiệc tùng vô
độ… thì chẳng những không làm gương được, mà còn làm mất uy tín của Đảng, mất
niềm tin trong nhân dân”.
Biệt thự song sinh của anh em nhà Bí thư huyện Duy Tiên (Hà Nam). (Ảnh: phapluatplus)
Bị tước quyền lãnh đạo vì đặc quyền,
đặc lợi
Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng ta nhắc
đến vấn đề này.
Cách đây 7 năm, trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ
toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số
vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được tổ chức vào tháng 2/2012 tại
Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó đã nêu câu hỏi: “Mai kia Đảng này
sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công
nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”. Trước khi đưa ra câu hỏi
đầy nỗi niềm này, Tổng Bí thư đã đặt vấn đề: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự
phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa
người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?”.
Thực ra để trả lời cho câu hỏi trên không quá khó. Bởi
trong số những người giàu lên một cách bất thường, có không ít cán bộ nắm giữ
những chức vụ quan trọng trong bộ máy công quyền các cấp. Cái sự giàu ấy
không phải là chủ yếu do tài năng, trí tuệ, mồ hôi, công sức họ bỏ ra, mà
phần lớn là do lợi dụng vị trí công tác để vun vén lợi ích cá nhân, tìm mọi
kẽ hở của cơ chế, chính sách, lôi bè cánh hẩu theo “lợi ích nhóm” để làm ăn
thiếu đàng hoàng, khuất tất với mục đích vinh thân, phì gia.
Tưởng như sự giàu có bất thường, cuộc sống hưởng thụ cao
sang của một số quan chức không ảnh hưởng gì đến những người xung quanh và
cộng đồng, nhưng sự thật đã để lại bao hệ lụy cho chính bản thân họ và xã
hội. Chính cuộc sống sang sảnh, cách biệt với sự vất vả mưu sinh của số đông
người dân đã khiến những tên quan biến chất bị Đảng chê, dân ghét.
Hệ lụy đáng nói nhất mà họ gây ra là làm đảo lộn các chuẩn
mực giá trị đạo đức xã hội, làm cho lòng người hoài nghi và ly tán, lòng tin
của dân vào Đảng và chế độ bị xói mòn và làm cho tính giai cấp, tính nhân
dân, tính dân tộc của Đảng từng bước bị một ruỗng từ bên trong và lung lay từ
gốc rễ.
Còn nhớ khi Liên Xô trong những năm tháng bên bờ sụp đổ
hoàn toàn, có một số liệu điều tra xã hội học của một học giả rất đáng suy ngẫm.
Trả lời câu hỏi “Đảng cộng sản Liên Xô đại diện cho ai”?, thì có tới 85% ý
kiến cho là đại diện của giới cán bộ quan chức nhà nước quan liêu, còn 11% cho
là đại diện của giai cấp công nhân và nhân dân lao động(1).
Một đảng cộng sản cầm quyền mà giới chức quan liêu, xa rời
quần chúng nghiêm trọng như vậy, cho nên khi gặp “sóng gió” không được nhân
dân ủng hộ và bị các thế lực khác tước quyền lãnh đạo cũng không có gì khó hiểu.
Bài học này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại trong
bài phát biểu hồi tháng 2/1012 như thêm một lần cảnh tỉnh, cảnh báo: “Sự tan
rã của Liên Xô là do nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản
chính là vì đảng cộng sản lúc đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham
nhũng, đặc quyền, đặc lợi”!
Phè phỡn khi người dân vật vã mưu sinh
Mỗi người giữ vị trí lãnh đạo và quản lý, dù to hay nhỏ,
nhưng đều là đối tượng “Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào”. Do vậy,
mọi cử chỉ, việc làm, hành vi của họ khó lọt qua được hàng triệu tai mắt của
nhân dân ở khắp nơi, mọi chốn.
Một quan chức mà có tới dăm ba biệt thự, mấy “lô đất
vàng”, vài khu trang trại; hay nay đi nhà hàng sang trọng này, mai đi khách
sạn cao cấp khác, trong khi vợ con làm ít, thậm chí không làm mà ngày ngày
chỉ xài hàng hiệu, đi xe siêu sang, tiêu tiền như nước… thì đến một người dân
thật thà, chất phác nhất cũng có quyền nghi vấn về “cái sự giàu” của họ thực
chất là do tham nhũng và làm ăn bất chính mà thôi.
Không ai muốn cán bộ phải sống trong điều kiện khó khăn,
vất vả. Vì cán bộ là người được đào tạo cơ bản, có trình độ, trí tuệ, hiểu
biết hơn người dân, được nhân dân và Đảng, Nhà nước tin tưởng gửi gắm, bầu
chọn, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, quản lý nên họ có quyền được hưởng
những quyền lợi vật chất, tinh thần tương xứng với cương vị, quyền hành được
giao. Cán bộ có một cuộc sống ổn định, sung túc, đó là mong muốn chung của
nhân dân và cũng là khát vọng của đất nước.
Nhưng sự sung túc đó chủ yếu phải do trí tuệ, tài năng,
công lao, thành tích và mức độ cống hiến của cán bộ, công chức thông qua cơ chế,
chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước và bằng những thu nhập chính đáng, hợp
pháp mới thuận lòng người, đúng đạo lý. Ngược lại, nếu cán bộ, công chức giàu
lên một cách bất thường chứng tỏ họ cũng đã có những biểu hiện “không bình thường”
về phẩm chất đạo đức, tư cách, mà nói thẳng ra là đang đi vào con đường thoái
hóa, biến chất.
“Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai”? Nếu đảng chỉ thuộc
về một số người giàu có, sống cách biệt với dân, không đồng cam cộng khổ với
dân, không kề vai sát cánh cùng nhân dân, không thấm nhuần và thực hiện mục
tiêu lý tưởng cao cả là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân,
nhân dân lao động và của dân tộc”, thì Đảng đã đứng trên, đứng ngoài lợi ích
của dân và nguy cơ Đảng bị mọt ruỗng từ bên trong rồi sụp đổ là khó có thể tránh
khỏi.
Ngược lại, nếu Đảng thuộc về đại đa số nhân dân lao động,
sống gần dân, gắn bó máu thịt với dân, biết chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng
khổ, chung sức đồng lòng với dân ở mọi lúc, mọi nơi, làm cho mọi nhà, mọi
người đều có điều kiện được tiếp cận và hưởng thụ một cuộc sống no ấm, bình
yên, hạnh phúc, thì Đảng đã và đang làm tròn bổn phận, sứ mệnh cao cả của
mình. Từ đó lòng dân với Đảng mãi mãi gắn bó thủy chung, keo sơn bền chặt.
Hướng tới một cuộc sống giàu sang, hạnh phúc là ước mơ,
khát vọng cao đẹp của mọi người. Trong khi phần đông nhân dân lao động vẫn
đang phải chắt chiu, tiết kiệm trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, nhiều
gia đình nghèo phải bươn chải mưu sinh rất vất vả, nhọc nhằn để lo từng đồng
tiền, bát gạo cho con em mình có miếng cơm, manh áo đến trường, thì một bộ
phận cán bộ do tham nhũng đã hưởng thụ một cuộc sống xa hoa, phè phỡn là một
điều vừa trái với tư cách của người cộng sản chân chính, vừa không phù hợp
với truyền thống đạo đức cần kiệm của ông cha ta.
Đừng bao giờ quên lời tiền nhân đã dạy: Đẩy thuyền là dân,
lật thuyền cũng là dân. Chính nhân dân là người làm nên lịch sử và quyết định
mọi thành bại của sự nghiệp cách mạng. Vậy nên, sống giản dị, mực thước,
thanh liêm, đề cao sự ân tình, thủy chung, thường xuyên gần gũi và chân thành
gắn bó mật thiết với nhân dân, sẻ chia với cuộc sống cần lao của bà con vừa
là yêu cầu phẩm chất đạo đức nhân cách của cán bộ, đảng viên; vừa góp phần
làm cho hình ảnh của cán bộ, đảng viên lan tỏa, lấp lánh trong lòng dân.
(Theo
Tuần Việt Nam) Thiện Văn
---------
(1)- Theo Ngô Minh Giang: “Nhận mặt suy thoái tư
tưởng chính trị, đạo đức lối sống” (Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, 6-9-2012,
mục “Diễn đàn”)
|
Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét