Hàng
loạt ngân hàng cảnh báo chiêu lừa đảo mới dịp lễ, Tết
Cập nhật lúc 15:38
Một số ngân hàng vừa ghi nhận nhiều kịch bản lừa đảo mới nhằm đánh
cắp thông tin tài khoản giao dịch trực tuyến, lừa tiền của khách hàng.
Vietcombank vừa gửi một loạt email cảnh báo khách hàng về
các biện pháp phòng tránh rủi ro, lừa đảo khi giao dịch trực tuyến. Theo Vietcombank,
dịp Tết Nguyên Đán sắp tới là mùa mua sắm của khách hàng, nhất là mua sắm
online và cũng là thời điểm các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra
phức tạp.
Đối với khách hàng là chủ đơn vị bán hàng trực tuyến, đối
tượng sẽ giả mạo đang ở nước ngoài cần mua hàng hóa dịch vụ, trực tuyến cho
người thân. Sau đó, yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ
chuyển tiền (Moneygram, Western union,..), rồi gửi người bán tin nhắn có link
truy cập vào webiste giả mạo. Khi chủ cửa hàng truy cập vào sẽ được yêu cầu
cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử, đối tượng sẽ lợi dụng rồi thực
hiện giao dịch gian lận.
Các ngân hàng
tiếp tục cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo mới, khuyến cáo khách hàng cẩn trọng
khi giao dịch online dịp cuối năm. Ảnh: Linh Anh
Với khách hàng đang sử dụng ví điện tử như Zalo, MoMo,
Payoo... đăng tải câu hỏi lên website, fanpage của nhà cung cấp, đối tượng
lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ khách
hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng. Sau đó, đối tượng lừa khách hàng cung
cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là 1 bước yêu cầu để khắc
phục lỗi rồi lợi dụng thông tin này thực hiện giao dịch gian lận.
Một thủ đoạn lừa đảo khác là với khách hàng có nhu cầu vay
tín dụng trực tuyến, đối tượng giả mạo là người cho vay trực tuyến, yêu cầu
khách hàng cung cấp hồ sơ và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử rồi lợi
dụng các thông tin này để thực hiện giao dịch gian lận.
Những thủ đoạn mới này được kẻ gian áp dụng bên cạnh hàng
loạt chiêu thức cũ thường gặp như chủ động liên hệ với khách hàng qua điện
thoại, mạng xã hội hoặc email với nội dung giả mạo cơ quan điều tra thông báo
liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ
điều tra; giả mạo thông báo trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn;
giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ. Thậm chí, kẻ gian có thể giả
mạo cán bộ của ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu hoặc mã PIN để
xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc thẻ.
Techcombank cũng cảnh báo thủ đoạn kẻ gian thực hiện hành
vi lừa đảo, chiếm đoạt thông tin khách hàng bằng cách giả mạo nội dung thư
điện tử, giả danh cán bộ, nhân viên của ngân hàng để gửi thông báo nợ tới
khách hàng. Thực tế đây là một đường dẫn đến ứng dụng khác, chứa mã độc sẽ
được tải về máy tính của người dùng nhằm đánh cắp thông tin bảo mật cá nhân
của khách hàng.
Còn Maritime Bank cảnh báo thủ đoạn giả mạo thông báo tài
khoản E-Banking của khách hàng bị xâm nhập trái phép hoặc sắp hết hiệu lực
và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại thông qua
đường link độc hại. Hoặc kẻ gian giả mạo màn hình ứng dụng, màn hình đăng
nhập có giao diện tương tự website thật bằng cách gửi email từ một địa
chỉ email mạo danh ngân hàng tới khách hàng, trong đó chứa đường link giả mạo
nhằm lừa khách hàng đăng nhập, từ đó chiếm đoạt các thông tin bảo mật sử dụng
dịch vụ...
Do đó, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối giữ
bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng điện tử bao gồm mã PIN thẻ,
mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ
email cá nhân cho bất cứ ai và bằng bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời
điện thoại, tiết lộ trực tiếp...).
(Theo Người Lao Động) Thái Phương
|
Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét