Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013


 14:03
Việt Nam cần mềm dẻo chứ không mềm yếu! 
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO QUỐC GIA:

Việt Nam cần mềm dẻo chứ không mềm yếu!

    Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - vị tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc và lý luận từ các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm - đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động về vấn đề thời sự đang được quan tâm, đó là bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc, trong bối cảnh Trung Quốc (TQ) liên tục gia tăng các động thái xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
    Tướng Thước đã đưa ra những phân tích, lập luận, chỉ ra những vấn đề cấp thiết rất đáng quan tâm. 

    TQ đang lao nhanh ra biển, thực hiện giấc mộng làm giàu

    Trung tướng có thể lý giải tại sao thời gian gần TQ đây liên tiếp gia tăng các động thái xâm phạm chủ quyền của VN ở biển Đông?
    Kinh tế TQ thời gian qua phát triển nhanh, giờ TQ đứng thứ hai trên thế giới về kinh tế (chỉ sau Mỹ). Thực ra, nếu chia theo đầu người TQ thì con số cũng chẳng bao nhiêu, nhưng TQ chọn sách lược “hy sinh trong nước” để dồn lực vào thực hiện mục tiêu, tạo thế thượng phong, quyết liệt hơn, bành trướng ra biển, bá chủ trên biển! Điều này nằm trong mục tiêu của TQ trở thành cường quốc biển, tiến ra biển làm giàu...

    TQ không chỉ muốn chiếm hầu hết biển Đông (theo cái gọi là “Đường lưỡi bò” phi lý), mà còn mưu đồ làm chủ Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương...

    Trong khi đó, theo các đánh giá thì thời điểm 2016 - 2018, TQ có thể sẽ bằng Mỹ về tiềm lực kinh tế, và thậm chí có thể vượt Mỹ trước năm 2030. Lúc này là thời điểm để chính quyền TQ quyết liệt thực hiện tham vọng. Có điều kiện, có thời cơ TQ lao nhanh hơn để thực hiện bá chủ trên biển...

    Thưa Trung tướng, thái độ như trên cùng tham vọng quá lớn của TQ đang đẩy họ vào một thế rất bất lợi? Tâm lý nghi ngại, cảnh giác, thậm chí cô lập... của quốc tế đối với TQ đang lan rộng?
    - Đúng như vậy. Ta phải đặc biệt khai thác yếu tố này để tập hợp lực lượng chống lại hành động bá quyền của TQ hiện nay... Theo tôi, phương châm của ta là phải mềm dẻo, để thế giới thấy được thiện chí của Việt Nam (VN). Tôi muốn lưu ý ở đây là mềm dẻo chứ không được mềm yếu! Mềm dẻo - thế giới thấy thiện chí của ta, còn mềm yếu - thế giới sẽ mất niềm tin vào ta.

    Sách lược của ta phải xây dựng lực lượng phòng thủ kiên cường. Một mặt tăng cường sức mạnh không quân, hải quân. Mặt khác xây dựng một hậu phương mạnh mẽ - đất liền phải dồn sức cho biển đảo, làm điểm tựa để biển đảo trụ vững, trong lúc thế giới vào cuộc bênh vực, bảo vệ chúng ta.

    “Để ngư dân bảo vệ biển đảo là chính, đánh cá là phụ”

    Trung tướng có thể nói thêm về bài học quý “miền Bắc ăn bo bo, mặc quần đùi dồn sức cho tiền tuyến miền Nam” áp dụng vào tình hình hiện nay?
    - Biển của ta có khoảng 1 triệu kilômét vuông, trong khi đất liền chỉ là 33 vạn kilômét vuông. Sứ mệnh của đất liền là phải dồn sức chăm lo để bảo vệ biển đảo, 88 triệu dân đất liền cần phải dồn sức cho khoảng 1 vạn người dân hiện nay trên biển đảo. Giống như trước đây để dốc sức cho tiền tuyến miền Nam giành chiến thắng, người dân miền Bắc ăn bo bo, mặc quần đùi; nay để dồn sức cho tiền tuyến biển đảo, người dân cũng sẽ như vậy?

    Nhà nước ta cần phải tạo dựng các hoạt động làm ăn, sinh hoạt thường nhật lâu dài trên các vùng biển tổ quốc, lấy các đảo làm điểm tựa. Phải tạo dựng để mỗi ngư dân là một chiến sĩ bảo vệ biển đảo, phải chăm lo họ xứng tầm với nhiệm vụ, để ngư dân coi trách nhiệm bảo vệ biển đảo là chính, chứ không phải đánh bắt cá là chính.

    Do vậy, vấn đề không phải chỉ là hỗ trợ ngư dân mấy can xăng, ít tiền..., mà phải nuôi họ để họ duy trì hoạt động trên trận tuyến bảo bệ biển đảo tổ quốc, mặt trận này còn khó khăn hơn mặt trận trên cạn.

    Là một nước nhỏ, luôn phải đương đầu với thế lực ngoại xâm lớn, bài học lịch sử của ta là phải tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế. Bài học này với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thế nào, thưa Trung tướng?
    - Với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là với Campuchia và Lào ta phải mềm dẻo, luôn tranh thủ kéo họ về với VN. Với các nước Châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhất là Ấn Độ cũng mềm dẻo kéo họ về với ta. Với Mỹ và các nước Châu Âu cũng như vậy. Hiện nay hành động như trên của TQ gây tâm lý e ngại, hoài nghi với TQ ở nhiều nơi. Thế nhưng ta kéo bạn bè về với mình là để tăng thêm sức mạnh ngăn chặn ý đồ độc chiếm biển Đông của TQ, chứ không phải ta theo họ để chống TQ. VN không bao giờ chống TQ; VN chỉ chống mưu đồ xấu của TQ.

    Cần nói rõ nội tình cho dân hiểu

    Gần đây, có dư luận cho rằng ta không quyết liệt với hành động sai phạm của phía TQ đối với VN ở biển Đông… Trung tướng có ý kiến gì?
    - Tôi cho rằng phải tập hợp sức mạnh của toàn dân cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, chứ không chỉ của một vài cơ quan Đảng, Nhà nước làm. Tuy nhiên mọi việc phải chủ động, tính toán và có tổ chức chứ không được manh động, vô chính phủ. Tôi phản đối các hành động manh động, vì như đã nói manh động là sai lầm, là mắc mưu kẻ địch. Còn nhớ trước đây, khi hôm qua có tin ở miền Nam đồng bào mình bị giết, hôm nay ở miền Bắc lập tức tổ chức biểu tình, những cuộc biểu tình gây rúng động thế giới, nhưng đó là những cuộc biểu tình có tổ chức, tôi cũng tham gia biểu tình.

    Tôi cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan của Đảng và Nhà nước là phải tuyên truyền, giáo dục, nói cho rõ tình hình biển đảo cho nhân dân hiểu. Khi dân biết rằng Đảng, Nhà nước ta không mềm yếu trước hành vi TQ xâm lấn chủ quyền của ta ở biển Đông, thì tôi tin người dân sẽ không còn những hiểu lầm, bức xúc nữa.

    Tôi cũng cho rằng, nên có chương trình tuyên truyền rộng rãi bằng tiếng Hoa để nhân dân TQ hiểu, như trước đây ta tuyên truyền với người dân Mỹ. Nếu người dân TQ hiểu thì ta có thêm một mặt trận phía sau. Nhân dân VN và nhân dân TQ vốn có truyền thống láng giềng hữu hảo. Chính sách thực ra chỉ là của giới cầm quyền.
    Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cựu chiến binh Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10. Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 6.
    Theo Lao Động

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét