Nghị viên TP.Houston (Mỹ) Hoàng Duy Hùng: (TNO) Cùng gia đình rời Việt Nam vào đêm 30.4.1975 trên tàu HQ-08, ông Al Hoang - Hoàng Duy Hùng đã trải qua một hành trình rất dài trước khi trở thành nghị viên thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas (Mỹ). Câu chuyện của ông, từ âm mưu đánh bom tới nỗ lực đối thoại, minh họa sống động cho những hận thù, chia rẽ và hàn gắn giữa những con người Việt Nam. Mời quý vị theo dõi phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn do Thanh Niên Online thực hiện.
* Sau thời gian “nói chuyện bằng bom” là đến đối thoại thực sự, sự xoay chuyển này có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi chuyển qua đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam vì nhiều lý do:
Thứ nhất, đó là tôi phải theo nguyện vọng của đa số trong nước. Lúc tính đặt bom ở Sài Gòn, tôi thấy đa số dân chúng muốn yên ổn làm ăn để phát triển và họ muốn sự thay đổi ôn hòa để điều chỉnh những mặt trái của xã hội và chính trị hơn là bạo loạn. Tôi cho rằng tôi đi đấu tranh là đấu tranh cho nguyện vọng của những người trong nước, không phải đấu tranh cho bản thân tôi hay cho những người ở hải ngoại. Tiếp xúc với dân trong nước, tôi thấy đa số họ muốn như vậy thì tôi làm theo nguyện vọng của họ.
Thứ hai, tôi không muốn Trung Quốc lấy lý do Việt Nam có xáo trộn để đưa quân vào can thiệp. Khi quân Trung Quốc đã vào Việt Nam rồi thì họ khó mà rút ra và đó là một đại họa cho dân tộc.
Thứ ba, tôi muốn dân tộc Việt Nam sớm có những cơ sở kinh tế vững mạnh cạnh tranh với các quốc gia khác. Tôi từng nghe Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore trình bày tại Houston rằng thời đại này là thời đại cạnh tranh về kỹ thuật và kinh tế hơn là chính trị, nước nào có kỹ thuật hay thương hiệu trước thì nước đó có lợi thế. Người hải ngoại có cái hay cái dở của người hải ngoại, người trong nước có cái hay cái dở của người trong nước, chúng ta cần đóng lại chương sử đau thương ý thức hệ Quốc gia - Cộng sản, để cùng chung tay nhau dùng “cái hay” hay “sở trường” của mỗi người xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Nếu chúng ta cứ còn tranh chấp nhau, không chịu hợp tác với nhau, thì chúng ta để thời gian vụt qua đi, để các quốc gia khác nắm cơ hội nhanh chóng xây dựng thương hiệu, kỹ thuật của họ còn chúng ta thì mất lợi thế cạnh tranh mang lại quyền lợi cho con cháu. Như vậy là chúng ta cũng có lỗi với lịch sử.
Thứ tư, tôi thấy tôi cũng cần phải điều chỉnh tư duy của chính tôi cho hợp với bối cảnh ở trong nước. Tôi trưởng thành trong hoàn cảnh coi Đảng Cộng sản và chế độ Cộng sản là kẻ thù không đội trời chung. Truyền thông và báo chí làm món ăn tinh thần của tôi ở bên hải ngoại khai thác tối đa những sai trái của Đảng và chế độ Cộng sản. Truyền thông hải ngoại né tránh, không nhắc đến những ưu điểm hay những cái tốt ở trong nước vì họ cho rằng đã là Cộng sản thì cái gì cũng xấu. Truyền thông trong nước có lề phải và lề trái thì truyền thông ở hải ngoại cũng như vậy. Những thành tựu và phát triển kinh tế của Đà Nẵng nói riêng và của Việt Nam nói chung cho thấy có nhiều sự tích cực cần phải cổ súy và thông tin cho hải ngoại nhưng ở hải ngoại lại không nói đến. Mới cổ súy những điểm tích cực như sự phát triển của Đà Nẵng thôi thì tôi đã bị người hải ngoại cho rằng là tuyên truyền cho Cộng sản. Ngược lại, nói chuyện với những người trẻ trong nước, họ cho tôi nhiều thông tin mặt trái của người hải ngoại. Tôi nhận ra cần phải có thông tin hai chiều cho người trong nước lẫn người ngoài nước. Tôi chuyển sang đối thoại là muốn đi tìm sự thật và nói lên sự thật với hy vọng một phần nào đó tạo nhịp cầu cảm thông cho những người trong và ngoài nước.
Tôi biết khi tôi xoay chuyển từ bạo động sang đường hướng cùng làm việc trên những đồng thuận và ôn hòa đối thoại để giải quyết những bất đồng thì có một số người đã từng ủng hộ tôi, giờ họ không ưa, họ chụp cho tôi cái nón “Việt gian phản bội” hoặc nhiều từ ngữ dơ bẩn khác. Tuy nhiên, tôi không e sợ vì tôi biết tôi làm đúng với lương tri của mình và đúng với sở nguyện của đa số người dân trong nước. Tôi cũng biết khi tôi thay đổi như vậy, có những người hăm he tìm bằng mọi cách “cắt huyết mạch kinh tế” của tôi cũng như vận động làm cho tôi thất cử chức nghị viên nhưng tôi không bị chao đảo vì tôi đã làm theo đúng lương tâm của mình. Tôi cho rằng yêu nước là phải bằng cả tấm lòng cộng với tri thức thì mới góp được phần nào xây dựng quê hương; nếu không thay vì xây dựng thì là phá hoại. Nếu vì làm đúng với lương tri góp phần xây dựng cho đất nước mà mất chức nghị viên hoặc bị thiệt hại những chuyện khác nữa thì tôi vẫn làm vì “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” và tôi là người Việt có chút kiến thức thì tôi phải có bổn phận xây dựng đất nước của tôi.
* Trong nỗ lực đối thoại, ông và Thị trưởng Houston đã gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, và ông cũng đã sắp xếp để ông Sơn gặp những người được coi là chống đối nhà nước Việt Nam ở đấy. Cụ thể thì các nỗ lực đối thoại ấy đã đem đến kết quả gì?
- Đánh giá kết quả chuyến đi của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, chúng ta lược qua cuộc hội luận của 8 đảng phái ở hải ngoại với tôi ở trên Đài BYN về chuyến đi của Thứ trưởng Sơn. Trong cuộc hội luận, Việt Tân vẫn nhất định chủ trương đấu tranh bất bạo động để dùng sức mạnh quần chúng lật đổ nhà nước. Tất cả các đảng phái khác như Vì Dân hoặc Khối 8406 đều cho rằng đã đến lúc phải ôn hòa đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam. Nhưng một số đảng phái đặt một số điều kiện trong đối thoại, như Hà Nội cần trả tự do cho những người bất đồng chính kiến. Riêng Liên Minh Dân Chủ cho rằng không cần có một điều kiện nào hết để đối thoại với Hà Nội. Đây là một hiện tượng chưa bao giờ có ở hải ngoại.
Về mặt tích cực, cuộc hội luận nêu trên cho thấy chuyến đi của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đến Houston đã tạo một bước ngoặt động não đối với những người chống đối nhà nước Việt Nam; đó làm sao cho hải ngoại và trong nước san bằng được những dị biệt và cộng tác xây dựng đất nước trên những đồng thuận. Có lẽ đây sẽ là hướng đi của đa số cho những năm tháng kế tiếp.
Dẫu vậy cũng có mặt tiêu cực vì có một số người quá khích biểu tình và có người đặt bom trước cửa nhà Nghị viên Al Hoàng với lời hăm dọa sẽ giết cả nhà Hoàng Duy Hùng nếu tôi đi Việt Nam. Chuyến đi của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đến Houston là một bước thử lửa khuynh hướng nào thắng thế và rõ ràng khuynh hướng ôn hòa đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam đang bắt đầu mọc rễ ở hải ngoại.
* Mới đây nhất, hồi tháng 3.2013, ông đã về Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực đối thoại, hợp tác. Chuyến đi ấy đã mở ra những điều gì? Ông đánh giá các động thái của nhà nước Việt Nam như thế nào?
- Dầu bị đặt bom và bị hăm dọa sẽ giết cả nhà tôi nếu tôi đi Việt Nam, nhận lời mời của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, từ ngày 22.3 đến 8.4, với tư cách Nghị viên Khu vực F thành phố Houston, tôi đã dẫn phái đoàn 4 người vào Việt Nam. Phái đoàn gồm có bà xã tôi, anh Tony Topping làm chánh văn phòng cho tôi và anh Phạm Ngọc Trung, phụ tá cho văn phòng của tôi. Tôi nhất quyết yêu cầu bà xã tôi đi về Việt Nam chung vì để tránh lời ong tiếng ve rằng tôi về Việt Nam bị nhà nước gài độ gái rồi nói tốt cho chế độ.
Mục đích chính của phái đoàn về Việt Nam là để làm việc theo Ý Định Thư ký kết ngày 12.7.2012 giữa Thị trưởng Houston Annise Parker và ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Ngoài mục đích chính làm việc cho thành phố Houston ra, chuyến đi cũng là cơ hội để một phần nào đó thúc đẩy cho sự đối thoại, tạo sự cảm thông cho người Việt ở trong và ngoài nước.
Đánh giá chuyến đi, tôi cho rằng tôi đã nhìn ra nhiều sự thật ở Việt Nam làm cho tôi khẳng định một cách vững vàng rằng con đường đối thoại với Việt Nam là con đường đúng và tốt đẹp nhất cho dân Việt Nam.
Dầu có một vài trục trặc kỹ thuật với công an ở phi trường lúc vào cũng như lúc ra hoặc một vài khó dễ của công an địa phương với gia đình nhà vợ của tôi, tổng quát chuyến đi, tôi thấy nhà nước và dân Việt Nam đã đón tiếp tôi cách rất cởi mở chân tình. Sự rộng mở của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cũng như việc cựu Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và phu nhân đón tiếp phái đoàn ở tại tư gia theo kiểu người miền nam chân chất và thấm đậm tình người cho thấy có sự thay đổi mạnh trong chiều hướng đi lên của chính trị. Tôi thấy Việt Nam đang phát triển vùn vụt, dầu còn thua Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Hàn Quốc, nhưng quả thật đang thay da đổi thịt, đang phát triển thật sự. Sài Gòn nay đã phát triển thành một khu vực đô thị với nhiều nhà chọc trời, và khu vực đô thị hóa của Sài Gòn bây giờ rộng có lẽ gấp 10 lần trước năm 1975. Đà Nẵng với 9 con cầu mới bắc qua sông Hàn, đường sá thoáng mát sạch sẽ là nơi rất xứng đáng để sống. Tôi tiếp xúc với Đức cha Châu Ngọc Tri của Đà Nẵng và linh mục Vũ Dần là lãnh đạo của Giáo xứ Cồn Dầu thì tôi được thông tin không có vấn đề đàn áp tôn giáo trong vụ Cồn Dầu mà chỉ là tranh chấp giá cả đền bù đất đai. Thông tin này rất quan trọng đối với tôi vì Houston kết nghĩa với Đà Nẵng mà thành phố kết nghĩa lại có đàn áp tôn giáo thì còn mặt mũi nào cho Houston.
Tóm lại, đối với tôi, Việt Nam đang thay da đổi thịt, phát triển kinh tế và Đà Nẵng có cơ hội trở thành Singapore thứ hai ở Châu Á. Đối với tôi, nhà nước Việt Nam cũng đang có những điều chỉnh chính trị và những điều chỉnh này có chiều hướng đi lên. Đương nhiên, cũng còn những mặt trái nhưng chúng ta cần giải quyết một cách ôn hòa trong đối thoại chớ không phải chửi rủa nhau. Tôi hiểu người Việt ở hải ngoại muốn ngày mai có đa đảng và dân chủ ngay. Tôi hiểu người Việt ở hải ngoại hừng hực ký ủng hộ Kiến nghị thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam và tôi cũng đã và đang ủng hộ Kiến nghị thư Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nhưng từ đây cho đến lúc những mục tiêu của Kiến nghị thư đó được thực hiện thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta cần xây dựng những khía cạnh khác làm cho dân chủ được trưởng thành mạnh mẽ, đó là: 1. Xây dựng nền kinh tế vững mạnh; 2. Cổ súy cho phát triển giáo dục và ý thức trách nhiệm công dân cao; 3. Phát động mạnh mẽ tôn trọng sự thật và thông tin hai chiều; 3. Ủng hộ các cơ sở dân sự và tổ chức phi vụ lợi để phát triển lòng nhân ái trong xã hội như giúp đỡ các em tàn tật ở Làng Hòa Bình hoặc đóng góp cho nhà thương ung thư ở Đà Nẵng.
Tôi biết, tôi nói như vậy thì một số người ở hải ngoại nói tôi bị gạt hay bị ăn bả đậu tuyên truyền cho Cộng sản, nhưng tôi chủ trương nói sự thật và chính sự thật là nền tảng vững chắc nhất cho sự đối thoại. Khi tôi trở về lại Hoa Kỳ, có những người áp lực tôi nói rằng tôi không nên nói cái tốt của Cộng sản vì làm như vậy sẽ phá đám những người đang chống Cộng, tôi trả lời là phải nói sự thật vì sự thật mới tạo được đổi thay. Tôi thấy sao nói vậy, tốt nói tốt, xấu nói xấu vì chính Chúa Giêsu cũng dạy: “Có nói có, không nói không, mọi sự khác thì do lòng tà mà ra”. Tôi cũng nói: “Tôi hiểu quý vị trong đấu tranh chỉ muốn khai thác tối đa mặt trái của đối thủ và không bao giờ nói mặt tốt của họ. Nhưng đó là thời xưa chớ thời nay có mạng thông tin toàn cầu mà không nói sự thật thì chính quý vị làm hại quý vị hơn là đối thủ làm hại quý vị. Quý vị nói đi đấu tranh là làm tốt hơn Cộng sản cho dân nhờ, nhưng tại sao lại không dám đương đầu với sự thật để dân biết mà nhờ?” (còn tiếp)
(Theo Thanh niên) Đỗ Hùng (thực hiện)
|
Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013
17:06
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét