18:31
(TNO) “Tháng 4 về mang lại những cảm xúc trái chiều. Ở trong nước thì phe thắng trận ăn mừng “thống nhất” toàn thể đất nước và ở hải ngoại thì phe thua trận tổ chức tưởng niệm “quốc hận”…”, Nghị viên Al Hoàng - Hoàng Duy Hùng tiếp tục câu chuyện về đối thoại để hướng tới tương lai.
* Ngày trước, ông trở về và từng bị bắt, từng âm mưu đánh bom trên quê hương. Còn bây giờ, ông đến với tư cách là một chính trị gia của Mỹ. Cảm xúc khác nhau như thế nào?
- Cảm xúc của tôi rất phức tạp. Những lần trước tôi còn là người “hoạt động” mà nhà nước coi là thành phần nguy hiểm và bất hợp pháp. Thời điểm đó, tôi có cảm giác hàng ngàn con mắt theo dõi tôi để ngăn chặn việc tôi làm hoặc để bắt tôi. Cảm giác con cháu của người thua trận tìm cách phục thù nên lúc nào cũng căng thẳng. Kỳ vừa qua, tôi trở về với cương vị là dân cử Mỹ, cảm giác không phải thua trận mà cảm giác của người đã tự thắng chính mình nên tôi không có cảm giác bị theo dõi. Tôi có cảm giác an toàn và vững tâm với việc làm của tôi.
* Cuộc chiến khốc liệt đã chấm dứt gần 40 năm trước, đất nước đã thống nhất, nhưng còn lòng người dường như còn phân rẽ? Điều gì cản trở việc người ta mở lòng với nhau?
- Đúng, cuộc chiến đã chấm dứt năm 1975, gần 4 thập niên rồi, nhưng lòng người vẫn không thống nhất. Điều cản trở người ta không mở lòng ra với nhau vì ai cũng cho rằng mình đúng, mình có chính nghĩa, bên kia sai, và bên kia không có chính nghĩa. Thật ra, cuộc chiến Quốc - Cộng là một tai nạn đau thương trên mảnh đất hình chữ S của Việt Nam và đã đến lúc chúng ta cần tìm một giải pháp để khép lại chương sử đau thương đó.
Bên thắng cuộc ở trong nước cho rằng bên thua cuộc còn “có quá nhiều hận thù với Tổ quốc và Dân tộc.” Bên thua cuộc ở hải ngoại cho rằng họ không có hận thù với Tổ quốc và Dân tộc, họ chỉ muốn nhà cầm quyền chấp nhận có đa đảng để nhân quyền và dân chủ được tôn trọng và trưởng thành. Nhà cầm quyền cho rằng họ thi hành dân chủ trong một đảng như Singapore đã làm nhiều thập niên, và theo nhà cầm quyền, hiện nay cho thi hành đa đảng ngay không khéo sẽ bị xáo trộn nên cần phải ổn định phát triển kinh tế đất nước trước, những ai chủ trương lật đổ nhà nước thì cần phải trừng trị, do đó đối với nhà nước trừng trị những người này không phải là đàn áp nhân quyền hay triệt hạ dân chủ mà chỉ là thi hành pháp luật. Người hải ngoại cho rằng bắt bớ bất đồng chính kiến chính là vi phạm nhân quyền và triệt hạ dân chủ và cách hay nhất là phải có đa đảng. Người hải ngoại cho rằng đã bắt chước Singapore thì bắt chước cho trót vì Singapore đã chấp nhận đa đảng. Đảng Nhân dân Hành động của Singapore do ông Lý Quang Diệu sáng lập được lòng dân nên dầu có đa đảng, đảng này vẫn chiếm lấy tuyệt đại đa số nên nhiều người hiểu lầm ở đây có một đảng.
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc cả hai nên nói chuyện để tìm ra một giải pháp dung hòa, và phe chống đối không nên chỉ khai thác tối đa mặt trái mà không chịu công nhận những giá trị tích cực khác của đảng cầm quyền. Nếu phe chống đối cứ tiếp tục con đường đó thì tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền sẽ không bao giờ chịu nhường bước đối thoại vì họ đang ở thế mạnh nên nhu cầu để đối thoại với người bất đồng không có là bao. Phe chống đối nói rằng đã thế thì họ cứ chống và tìm cách lật đổ. Câu hỏi được đặt ra đó là có lật đổ nổi không? Cả Việt Nam Cộng hòa được Mỹ hỗ trợ đàng sau cũng không làm nổi, huống chi tình thế thay đổi và Mỹ lại hỗ trợ cho nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay! Giai đoạn 1975-1993 là thời gian Việt Nam chưa phát triển và còn bị bao vây tứ bề, dân ở trong nước có gốc gác Việt Nam Cộng hòa còn chống đối dữ dội, năm 1989 Đông Âu và năm 1991 Liên Xô sụp đổ, ấy thế chế độ Việt Nam vẫn vững mạnh, thì bây giờ phe chống đối lấy gì mà lật đổ? Lòng dân ư? Tôi tiếp xúc và tôi thấy đa phần dân chúng ở Việt Nam chỉ muốn yên ổn phát triển làm ăn và họ muốn ôn hòa đối thoại để cải tiến những mặt trái của chính trị và xã hội.
Đối với nhà cầm quyền, tôi có một số đề nghị. Tôi mong nhà cầm quyền suy nghĩ những diễn biến ở Trung Quốc như họ đã chấp thuận cho 8 đảng nhỏ sinh hoạt ở cấp thấp nhưng vẫn duy trì đảng tuyệt đại đa số ở Trung ương. Năm 2012, họ đã cho bầu cử tự do ở làng Ô Khảm tỉnh Quảng Đông như một thí điểm. Hoặc, nhà cầm quyền nên cho phép những người ngoài Đảng Cộng sản có khả năng chuyên môn về luật pháp tham gia vào Ủy ban Tu chính Hiến pháp. Đề nghị khác, kỳ bầu cử tới, nhà cầm quyền cho phép 20% không ở trong Đảng Cộng sản được tranh cử mà không phải thông qua Mặt trận Tổ quốc. Đề nghị nữa, nhà cầm quyền đã tuyên bố người Việt hải ngoại là một bộ phận không thể tách rời được của Tổ quốc thì nhà cầm quyền cho con số phần trăm tương ứng ở hải ngoại vào trong Quốc hội, như thế sẽ phản ảnh được mọi khuynh hướng. Tôi cho rằng nếu nhà cầm quyền chấp nhận thi hành một số đề nghị trên thì từ từ giúp khép kín lại những sự khác biệt để thống nhất nhân tâm trong và ngoài nước.
* Tháng 4, tháng của sự kiện “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” như lời ông Võ Văn Kiệt, ông có thông điệp gì gửi đến người Việt khắp nơi, cả những người vui lẫn những người buồn?
- Tháng 4 về mang lại những cảm xúc trái chiều. Ở trong nước thì phe thắng trận ăn mừng “thống nhất” toàn thể đất nước và ở hải ngoại thì phe thua trận tổ chức tưởng niệm “quốc hận” với những lời đanh thép “thề trở về giải phóng quê hương khỏi ách bạo tàn của Cộng sản”. Khả năng thi hành lời thế đó hầu như là con số 0 vì lấy đâu thực lực để thi hành ước vọng đó? Dầu muốn hay không, hiện tượng cảm xúc trái chiều này là sự cản ngăn kéo trì sự phát triển của đất nước.
Làm việc ở trong thành phố Houston, chúng tôi học câu “ước vọng là một chuyện, thực tế là chuyện khác. Muốn thì ai cũng muốn và muốn nhiều thứ lắm, nhưng cần phải biết điều muốn nào có thể thi hành được thì đưa ra bàn thảo, kẻo không thì đó là hoang tưởng”. Tôi xin nhắn gởi những người hải ngoại rằng hãy bình tĩnh và xem thử ước nguyện nào thực hiện được để rồi có kế hoạch kẻo không sẽ là hoang tưởng.
Tôi xin nhắn gởi những người đang cầm quyền từ xưa tới nay chính sách vương đạo đối đãi hiền tài lúc nào cũng phải là chính sách thu phục nhân tâm đoàn kết dân tộc. Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865), phe Bắc thắng phe Nam, phe Bắc đã đem vương đạo đối xử phe Nam, không bắt bớ tù đày ai, trả lại tất cả tài sản, còn hỗ trợ thêm kỹ thuật để kích thích kinh tế, do đó tướng Robert S. Lee là tướng lãnh đạo của phe Nam mới quay trở về hợp tác và từ đó Hoa Kỳ mới giàu mạnh. Tôi tin rằng nếu nhà cầm quyền Việt Nam thi hành vương đạo thì không bao lâu nữa nhiều anh tài và nhà đầu tư sẽ giúp Việt Nam để Việt Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh trong vùng.
* Là một người Việt, ông luôn nói mình có bổn phận với cộng đồng, với đồng bào, với quê hương. Là một vị dân cử của Mỹ, ông có trách nhiệm với nước Mỹ, trước hết là với địa phương mà ông sống. Hai vai trò này quan hệ với nhau như thế nào?
- Trước khi là người Công giáo thì tôi là người Việt Nam. Trước khi trở thành công dân Hoa Kỳ thì tôi là người Việt Nam. Trong tôi hiện nay là người Công giáo Mỹ gốc Việt. Vì sự chồng chéo đó, tôi phải biết ưu tiên điều nào trước điều nào sau. Ưu tiên số một của tôi là quyền lợi của cả ba được đồng hành một lúc. Thí dụ, với chuyến đi của tôi về Việt Nam, tôi vừa làm lợi cho chính phủ Mỹ là tạo sự hài hòa bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tôi cũng làm lợi cho chính sách đoàn kết xây dựng dân tộc Việt Nam và tạo thêm công việc cho Việt Nam, và trong lúc ở Việt Nam, tôi vẫn tuân giữ đức tin Công giáo của tôi đi dự các thánh lễ. Nếu trong kế hoạch mà có sự mâu thuẫn quyền lợi thì tôi không được can dự, mà trong tiếng Anh gọi là “recuse,” tức là tôi rút lui không thi hành.
Là một vị dân cử Mỹ gốc Việt, tôi phải làm việc cho quyền lợi của mọi sắc dân trong thành phố Houston, trong đó có cộng đồng người Việt. Tuy nhiên, người dân Việt ở Houston lại quá nhạy cảm về chính trị và nhiều khi họ rất chủ quan cho rằng quan điểm chính trị của họ là đúng và những người nào khác quan điểm với họ là sai hoặc là phản bội, đến độ họ gán ghép nhiều danh từ nghe rất chói tai như “tay sai, bưng bô, phản phúc, Việt gian…”.
Tôi rất hiểu và thông cảm với lòng yêu nước của họ, nhưng tôi cho rằng họ không ở trong vị trí của tôi, họ không có được thông tin, tầm nhìn và nhận định như tôi, nên họ ngộ nhận cho việc làm của tôi và gán ghép tôi đủ mọi tội trạng. Dù thế, tôi vẫn tiến hành các công việc mà tôi cho rằng đúng với chức năng và suy luận của tôi, như vụ tôi tiếp đón Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và việc tôi về Việt Nam là vì tôi nghĩ rằng, đó là cơ hội rất tốt cho người Việt trong và ngoài nước bắc nhịp cầu đối thoại, để tạo sự đoàn kết dân tộc một cách chân chính, xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về kinh tế và kỹ thuật hiện nay trên toàn thế giới.
* Xin cảm ơn những sẻ chia rất thẳng thắn của ông!
- Xin cám ơn Báo Thanh Niên đã cho tôi cơ hội trình bày những suy tư của tôi về đất nước và xin kính chúc Báo Thanh Niênlúc nào cũng được thành đạt, với số lượng độc giả yêu mến ngày càng đông ở trong cũng như ở ngoài nước.
(Theo Thanh niên) Đỗ Hùng
(thực hiện)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét