15:31
Ngày mai bắt đầu từ hôm qua
(TNO) Trung thực và sòng phẳng với quá khứ luôn là cách tốt nhất để hướng đến tương lai, hàn gắn vết thương và hòa giải mọi bất đồng.
Những ngày cuối tháng 4, ông Chuck Searcy di chuyển như con thoi dọc miền Trung, tháp tùng các thành viên thuộc Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (Veterans for Peace, Mỹ) thăm lại các điểm chiến trường xưa tại Huế, Quảng Trị rồi Đà Nẵng.
Bản thân từng đóng quân tại Sài Gòn trong các năm 1967, 1968 và là một trong những cựu binh Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam từ năm 1995, ông Searcy đã thăm và gặp lại không biết bao nhiêu những cựu binh Việt Nam ở bên kia chiến tuyến, những bà mẹ Việt Nam anh hùng và cả những nạn nhân chất độc da cam.
Chuyến đi lần này, ông và đoàn cựu chiến binh Mỹ tiếp tục đi thăm lại những con người ấy. Vẫn nguyên vẹn những cảm xúc ôn cố tri tân khó tả, chuyến đi lại thêm một lần nữa xác tín niềm tin của ông Searcy về một đất nước và con người Việt Nam đang chuyển mình, 38 năm sau cuộc chiến.
“Trong mắt tôi, mọi gia đình và cá nhân từng con người Việt Nam đã tha thứ cho những quyết định và phán xét trong quá khứ từng xé toạc đất nước này và chia cắt người dân”, ông Searcy nói với Thanh Niên Online.
“Chiến tranh, muôn đời là phi nghĩa. Người Việt Nam hiểu rõ chân lý này hơn ai hết. Những người Việt Nam chiến đấu cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã có những lựa chọn mà cả họ và chính gia đình của mình phải trả giá đắt. Nhưng giờ đây, bạn bè, gia đình của cả hai phía đã đoàn tụ, đất nước đang được gầy dựng và phát triển với mồ hôi và xương máu của mọi công dân. Tất cả đang cùng vượt qua những đắng cay và tủi hổ của quá khứ để hướng đến tương lai”, ông Searcy nói.
“Lúc này đây, Việt Nam cần chuyển tải thông điệp này đến thế giới, đường hoàng và đĩnh đạc: Mọi công dân Việt Nam, cho dù có đóng vai trò nào trong cuộc chiến, đều đang là một phần không thể thiếu trong công cuộc xây dựng hòa bình, tái thiết đất nước, và hòa giải dân tộc”, ông Searcy nói thêm.
Ông Searcy hiện đang là cố vấn cho dự án RENEW nhằm khắc phục những hậu quả ác liệt bom mìn thời chiến để lại tại tỉnh Quảng Trị.
Bắt đầu từ hôm qua
Hòa giải và hòa hợp dân tộc, cho đến nay vẫn là vấn đề thời sự. Những ai đã từng đi qua cuộc chiến không thể không thống nhất với nhau rằng: Chặng đường hoàn tất sứ mệnh đó đã đang và sẽ luôn lắm gập ghềnh.
Ông Don North, cựu phóng viên chiến trường của hãng ABC News (Mỹ), cho rằng ngay trong lòng nước Mỹ, “hòa hợp dân tộc” vẫn còn là mục tiêu mà siêu cường này đang phấn đấu đạt được.
“Cuộc nội chiến Mỹ đã kết thúc từ năm 1865. Trong 150 năm qua, miền Nam nước Mỹ vẫn còn ta thán rằng vẫn chưa có một cuộc hòa giải sòng phẳng cho họ”, ông North nói.
“Tôi cho rằng, hòa giải chỉ thực sự diễn ra khi mà các bên liên quan chịu trung thực, sòng phẳng và chính xác với những gì diễn ra trong quá khứ. Chặng đường hướng tới tương lai phải được bắt đầu bằng sự trung thực với quá khứ. Theo tôi, Việt Nam đang có những bước đi hiệu quả để tiến tới hòa giải dân tộc”, ông North cho biết.
Rõ ràng, cách tốt nhất để đẩy lùi bóng ma quá khứ không gì khác ngoài việc nhận rõ những di họa nặng nề cuộc chiến để lại và từ đó, ngày qua ngày làm dịu đi những nỗi đau để lại từ nó.
Một cựu chiến binh Mỹ khác, ông Chuck Palazzo (hiện sinh sống tại Đà Nẵng), quyết định bỏ công ty phần mềm mình sáng lập đang ăn nên làm ra tại Mỹ để quay lại Việt Nam cách đây 4 năm với tâm nguyện “trả nợ Việt Nam”.
Ông Palazzo giờ đây tham gia vào nhóm hành động vì nạn nhân chất đi ô xin-da cam, lấy niềm vui của chính những con người bất hạnh ấy làm hạnh phúc cho riêng mình.
“Rất nhiều người Mỹ và Việt Nam đang rất muốn và cố quên đi cuộc chiến. Về phần mình, tôi chấp nhận nó như một phần của đời mình; bây giờ và trở về sau, tâm nguyện lớn nhất của đời tôi là cố gắng hết sức để mang những điều tốt đẹp nhất cho các nạn nhân chất độc da cam và bom mìn”, ông Palazzo nói.
“Đừng cảm ơn chúng tôi nữa”
Những ai lạc quan hơn nữa thì cho rằng vấn đề hòa giải, trong lòng Việt Nam và giữa Việt Nam với Mỹ, chỉ còn là vấn đề tương lai gần. Hoàn toàn có cơ sở để tin như vậy vì 2/3 dân số Việt Nam hiện nay sinh sau năm 1975 và mặc dù vẫn kính trọng những gì thế hệ cha anh đã hy sinh, thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay ít nhiều không bị ám ảnh bởi bóng ma cuộc chiến.
Trong khi đó, những ai tham gia cuộc chiến đều đang bước vào ngưỡng tuổi “ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời”. Ở ngưỡng cửa này của cuộc đời, theo Giáo sư sử học Mart Stewart (Đại học Western Washington, Mỹ), hầu như mỗi người đều đang tự tha thứ cho chính mình và cho cả những người không cùng chiến tuyến.
“Rất nhiều người trẻ, trong đó có thế hệ con, cháu người Mỹ gốc Việt, thậm chí bây giờ không còn cảm thấy có nghĩa vụ phải quên đi quá khứ và thứ tha nữa. Nói một cách lạc quan, hòa hợp đã đạt được rồi chứ còn gì nữa”, Giáo sư Stewart nói.
Lạc quan như thế cũng hay. Thế nhưng, như những người trong cuộc đã khẳng định, hướng về tương lai không có nghĩa là chối bỏ quá khứ. Hòa hợp trọn vẹn có đạt được hay không ở ngày mai lệ thuộc rất nhiều vào cách nhìn nhận và thái độ sòng phẳng với ngày hôm qua.
Ông Chuck Searcy chỉ rõ: “Tiếc thay, người Mỹ đã bỏ mất một cơ hội lớn để nhìn nhận lại kết thúc của cuộc chiến như một sự soi rọi vào chính mình và từ đó, tự hỏi: Chúng ta là ai, đâu là hệ quả của những gì chúng ta gây ra trên thế giới, gây ra với những con người vô tội và không làm hại gì chúng ta?".
Có vẻ những câu hỏi ấy vẫn chưa được trả lời, những bài học đó vẫn chưa được học thuộc. Ông Chuck Palazzo tâm tư: “Tôi cứ hy vọng mọi cuộc chiến sẽ kết thúc, sẽ chẳng bao giờ còn chiến tranh nữa. Thế mà, sai lầm của Mỹ ở Việt Nam nay tiếp tục được lặp lại khắp nơi trên thế giới”.
Ở bên kia đại dương, ông Bill Ehrhart, một cựu lính thủy đánh bộ được ghi nhận nhiều công trạng sau khi giải ngũ, cho biết những điều ám ảnh ông nhất sau khi trở về Mỹ lại là những điều tưởng chừng huy hoàng nhất dành cho một cựu chiến binh.
“Câu nói tưởng chừng thành kính nhất dành cho cựu binh chúng tôi là “Welcome home” (Chào mừng đã trở về nhà). Cái gì khiến mọi người nghĩ tôi đã “về nhà”? Vì tôi trở về đầy đủ 10 ngón tay, 10 ngón chân? Vì tôi đi bầu và đóng thuế? Về phần mình, tôi khó mà có cảm giác như “ở nhà” trong một đất nước mà không chịu rút ra bài học thực sự từ những thất bại thảm hại của chính mình”.
Ông Ehrhart cho biết, trong suốt một thập niên qua, bất cứ người nào ông gặp nếu biết được ông từng phục vụ trong quân đội Mỹ, đều nói “Thank you for your service” (Cám ơn vì sự phục vụ). Biết chắc người nói lời cảm ơn này đều có ý tốt, ông Ehrhart vẫn ước gì họ chịu lắng lòng lại một chút để suy ngẫm về điều mình vừa nói ra.
“Tôi được cảm ơn vì đã phục vụ trong một cuộc chiến phi nghĩa chống lại một đất nước không gây hại gì cho nước Mỹ. Một cuộc chiến không phục vụ cho lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân Mỹ, chứ đừng nói là người Việt Nam. Họ cảm ơn tôi vì sự phục vụ đó? Đó không phải là một phận sự mà tôi lấy làm tự hào”, ông nói.
“Hãy đừng cảm ơn những binh sĩ như chúng tôi vì những phận sự như thế nữa”, ông Ehrhart nói.
(Theo TNO) An Điền (Lấy từ trang KBCHN.net)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét