Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Bộ Giao thông vận tải:


10:25

Muốn đường tốt thì... đóng phí nhiều lên!


Trên Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - TPHCM sẽ có 21 trạm thu phí BOT và khoảng cách giữa các trạm sẽ là 70 km

                             

Tại cuộc gặp gỡ báo chí thường kỳ chiều 2-4, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết Quốc lộ 1A hiện quá tải, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; nhiều khu vực có trên 20.000 - 30.000 xe/ngày đêm.

 
Tuyến đường sắt Bắc - Nam được xây dựng từ thời Pháp thuộc sẽ tiếp tục được nâng cấp Ảnh: TẤN THẠNH
Theo tính toán của Bộ GTVT, nếu dùng ngân sách để mở rộng Quốc lộ 1A từ Hà Nội đến TPHCM dài 1.700 km lên 4 làn xe sẽ tốn khoảng 120.000 tỉ đồng - số tiền không nhỏ trong thời điểm hiện nay. Chính phủ dự kiến phát hành trái phiếu nhưng theo Luật Ngân sách Nhà nước thì việc này phải đưa ra Quốc hội quyết định nên phải áp dụng hình thức xã hội hóa để thu hút nhà đầu tư. Dự kiến năm 2016 sẽ hoàn thành các tuyến có mật độ phương tiện đông và năm 2020 thông toàn tuyến.
Để thu hút đầu tư, ngân sách Nhà nước sẽ xây dựng 700 km, nhà đầu tư thực hiện 1.000 km. Các nhà đầu tư BOT sẽ được thu phí hoàn vốn trong 25 năm với mức phí cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 là cao gấp 3,5 lần so với quy định chung. “Sẽ có 21 trạm thu phí BOT đoạn Hà Nội - TPHCM và khoảng cách giữa các trạm sẽ là 70 km như quy định của Bộ Tài chính. Không có chuyện dày đặc trạm thu phí hoặc phí chồng phí” - ông Trường nói.
Bộ GTVT cùng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký thỏa thuận phối hợp triển khai kế hoạch mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Cần Thơ và các hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cấp tín dụng cho 7/18 dự án. Đến nay, đã khởi công BOT đoạn qua tỉnh Quảng Nam, huyện Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An), Bình Định - Phú Yên, TP Phan Thiết (Bình Thuận) - Đồng Nai.

“Người dân đồng tình thì mới có đường tốt để đi. Đường tốt hơn thì việc đóng phí cao hơn một chút cũng bù đắp được thời gian lưu thông trên đường xấu, mất an toàn mà chi phí lớn hơn” - ông Trường nhận định và dẫn chứng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương sau một thời gian hoạt động, dù mức phí cao nhưng doanh nghiệp vận tải vẫn lựa chọn vì rút ngắn thời gian lưu thông và an toàn cho phương tiện.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ rộng 1 m xây dựng từ thời Pháp thuộc và hiện tàu chỉ chạy được vận tốc khoảng 60-70 km/giờ. Tuy nhiên, trong thời điểm chưa đủ nguồn lực xây dựng đường sắt cao tốc thì Bộ GTVT điều chỉnh chiến lược thành xây dựng đường sắt tốc độ cao, đạt vận tốc trên 100 km/giờ. Hiện đang xây dựng 2 phương án song song trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Một là, tiếp tục nâng cấp tuyến đường hiện có bảo đảm  tốc độ 90-110 km/giờ và bằng mọi cách phải hoàn thành việc này trước năm 2020. Hai là, xây dựng một tuyến đường sắt đôi khổ 1,435 m phù hợp với đầu máy toa xe, có thể đạt tốc độ chạy tàu trên 200 km/giờ, dùng chung cho chở khách và chở hàng hóa. Theo đó, Bộ GTVT đang cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu xây dựng và sẽ báo cáo Chính phủ trong thời gian tới; nguồn lực tài chính để làm tuyến này được huy động từ các nhà thầu, làm dần từng đoạn một rồi mới thông toàn tuyến vào năm 2030.

Chính phủ cơ bản đã đồng ý với đề án tổng thể về cơ chế huy động vốn, cách thức, tiến độ nâng cấp Quốc lộ 1A lên 4 làn xe mà Bộ GTVT xây dựng.
(Theo Người Lao động) THẾ KHA
Ông Trường lẽ ra nên nói thêm câu của một ông cán bộ bên Ngân hàng Nhà nước là “…dân ta hưởng gió trời quen rồi… phải tỉnh ngộ ra là … đi đường cũng mất một vài thứ phí…” để cho người dân rõ vấn đề, đừng thắc mắc.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét