Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013


19:53
Tội phạm “xã hội đen” lộng hành:
Có hay không sự bảo kê?
(VTV News)- Hiện nay, có nhiều băng nhóm tội phạm “xã hội đen” hoạt động một cách công khai, manh động, cho đến khi Bộ Công an vào cuộc hành vi phạm tội mới được làm rõ và xử lý. Tại sao lại có tình trạng này?
Tội phạm “xã hội đen” lộng hành: Có hay không sự bảo kê? 
Những chiếc chông mà "Tú khỉ" và đồng bọn dùng để tống tiền doanh nghiệp và tiền cưỡng đoạt của một xí nghiệp gạch vừa qua. (Ảnh: petrotimes)
Gần 10 đối tượng đầu sỏ trong băng nhóm tội phạm chuyên hoạt động theo kiểu “xã hội đen” tại địa bàn huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên vừa bị Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an bắt giữ. Trong số tang vật Cảnh sát thu được gồm nhiều loại hung khí, súng quân dụng, còn có hơn 60 chiếc chông thép phi 12. Qua điều tra, các đối tượng khai báo, dùng số chông đó để chặn xe vận chuyển vật liệu, nhằm buộc các doanh nghiệp phải “nộp phí bảo kê” nếu muốn yên ổn làm ăn.
Trước đây, cũng do không chấp nhận yêu sách trên, nên hàng loạt xe ra vào xí nghiệp gạch Sông Hồng đã bị đánh chông, sản xuất bị đình trệ suốt một thời gian dài. Trong khi đó đơn tố cáo của xí nghiệp không được các cơ quan chức năng địa phương giải quyết, xí nghiệp này đã buộc phải “nộp phí”.
Ông Nguyễn Đức Cường, cán bộ nhà máy gạch Sông Hồng kể: “Chúng tôi đã đến tận nơi gặp các đối tượng đó và lúc đó chúng nói nếu không thỏa mãn yêu cầu chúng đưa ra sẽ tiếp tục cho nhà máy vỡ nợ”.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, bộ Công an, băng nhóm tội phạm này có gần 100 đối tượng do Phạm Khắc Tú (hay còn gọi Tú khỉ) cầm đầu chuyên tổ chức bảo kê, tổ chức cá độ, đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản và đòi nợ thuê. Với hành vi đặc biệt hung hãn, băng nhóm này đã ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm mà không ai dám đứng ra tố giác. Ngay cả trưởng Công an xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu cũng bị tấn công bằng hung khí, thương tích làm giảm 4% sức lao động nhưng cũng đành làm đơn bãi nại.
Thượng tá Nguyễn Công Trứ, cục Cảnh sát hình sự, bộ Công an nói: “Khi lực lượng Công an của Bộ xuống điều tra, mọi người dân đều không dám khai báo, không dám cung cấp thông tin. Bởi vì những ai cung cấp thông tin, dù là biểu hiện thôi sẽ đều bị "Tú khỉ" và đồng bọn răn đe”.
 
Đối tượng "Tú khỉ" tại cơ quan Công an.
Người dân địa phương cho biết, đối tượng Nguyễn Khắc Tú từng bị Tòa án nhân dân huyện kết án 1 năm tù về tội tổ chức đánh bạc, nhưng chỉ bị tạm giam 5 ngày rồi được tại ngoại. Do vậy, dù rất bức xúc nhưng họ không dám tố cáo vì sợ bị trả thù. Trên thực tế, đã có một số ít người từng làm đơn tố cáo lên Công an các cấp của địa phương, nhưng kết quả là gia đình họ đều bị đe dọa và khủng bố bằng “bom bẩn”.
Cụ Nguyễn Văn Nhương, thôn Chi Lăng, xã Đại Tập dè dặt nhận định: “Công an huyện có khi cũng bảo kê cho bọn nó, nên nhiều sự việc trắng đổi thành đen và đen lại đổi thành trắng. Đội 5 chúng tôi mọi người rất bất bình, người ta bảo bây giờ còn biết tin vào ai nữa”.
“Bức xúc nhất của người dân hiện nay mà tôi được biết là ai đứng đằng sau bon "Tú khỉ". Ai che chắn, ai bênh vực, ai bị nó khống chế, bịt mồm, dây dợ với nó mà để cho bọn nó hoạt động công khai”, ông Phạm Văn Việt, thôn Tử Lý, xã Đông Ninh bức xúc nói thêm.
Theo bộ Công an, băng nhóm do "Tú khỉ" cầm đầu là điển hình về hoạt động tội phạm theo kiểu “xã hội đen”. Mỗi tàu khai thác cát không có giấy phép phải “nộp phí” 2 triệu đồng/ngày. Các doanh nghiệp làm ăn khuất tất phải nộp tiền “bảo kê” tùy theo mức độ vi phạm. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì phải “nộp phí” mới được yên ổn. Thêm vào đó, băng nhóm này cũng tổ chức đánh bạc, siết nợ, cưỡng đoạt tài sản và thanh toán lẫn nhau, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự tại địa bàn.
Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng cục Cảnh sát hình sự, bộ Công an, cho rằng, “băng nhóm của "Tú khỉ" hoạt động công khai, trắng trợn như thế trong suốt một thời gian dài. Thông qua công tác nắm tình hình chúng tôi được biết người dân ở khu vực đấy rất bức xúc, thế nên làm sao mà chính quyền cơ sở không biết được?". Ông Tiến cũng khẳng định, "Tôi cho là ở đây có sự dung túng, có sự bao che và thậm chí không loại trừ có sự bảo kê đối với băng nhóm này”.
Trong vài tháng qua, hàng loạt các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” đã bị bộ Công an triệt phá tại Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc và mới đây nhất là Hưng Yên. Điểm chung của các băng nhóm này là sự manh động và hung hãn diễn ra một cách công khai, nhưng hành vi phạm tội chỉ được phát hiện khi bộ Công an trực tiếp vào cuộc.
Vì sao các băng nhóm này có thể hoạt động ngang nhiên như vậy trong suốt một thời gian dài? Có hay không sự bao che, bảo kê cho loại tội phạm này? Đó là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm nhưng lâu nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Nhóm PV VTV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét