Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

17:31
Dự án khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà

Lãng phí hàng trăm tỉ đồng

SGTT.VN - Sau lễ khởi công rầm rộ năm 2007, “siêu dự án” khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) với quy mô 4.988ha đến giờ vẫn nằm bất động.

“Siêu dự án” khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà vẫn ngổn ngang, chưa có lối thoát.
 Dự án dở dang khiến hàng trăm tỉ đồng đã chi vào việc “xẻ núi, lấp biển” trở thành công cốc, gây lãng phí rất lớn.
Tiền tỉ bị cuốn trôi!
Khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà do công ty Đầu tư phát triển kinh tế Hải Hà (thuộc tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam – Vinashin) đầu tư, được khởi công vào tháng 3.2007. Theo quy hoạch, “siêu dự án” này gồm nhiều hợp phần như: cảng biển, nhà máy đóng tàu, nhà máy luyện thép, luyện than cốc, nhà máy nhiệt điện, kho chứa dầu… Trong đó, cảng Hải Hà nằm trên diện tích 768ha, có tổng công suất bốc dỡ hàng hoá lên tới 35,1 triệu tấn/năm, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 30.000 – 80.000 tấn.
Cuối tháng 3.2013, chúng tôi có mặt tại dự án khu công nghiệp này và chỉ thấy một vùng đồi núi bị đào phá, ngổn ngang đất đỏ. Từ quốc lộ 18 vào khu vực này chỉ có một con đường đất nhỏ. Đường công vụ dẫn vào dự án cảng Hải Hà mới san lấp được một phần nền bằng đất đỏ, dài chừng 2km (toàn tuyến là 9km). Toàn bộ khu vực xây dựng cảng Hải Hà hiện chỉ là những dãy núi bị bóc xẻ nham nhở, vùng bãi triều cũng được san lấp dở dang.
Ông Đỗ Ngọc Lân, ở núi Lò Chum, xã Quảng Phong – người bị thu hồi đất tại dự án cảng Hải Hà, cho biết: “Năm 2007, diện tích san lấp đã ăn ra đến chân đảo Hòn Miều, có thể đi bộ ra đảo. Tuy nhiên, suốt mấy năm nay dự án bỏ không nên sóng biển, thuỷ triều đã cuốn trôi hết đất cát san lấp, giờ lại trở thành bãi triều như trước đây”. Theo ông Lân, việc san lấp được làm cấp tập trong vòng 40 ngày, do công ty Vinashin Cái Lân thực hiện, thế nhưng, sau lễ khởi công, không thấy thi công nữa. Đến năm 2010, người dân lại thấy máy móc, công nhân ầm ầm kéo đến làm đường công vụ, song cũng chỉ được vài tháng thì dừng hẳn. Hiện nay, tại công trường, người dân không còn thấy lực lượng công nhân và xe máy thi công. Tại những dãy lán trại, nhà ở dành cho công nhân ngày xưa bây giờ chỉ còn vết tích là bể chứa nước, bếp ăn đã bị phá tan hoang.
Ông Phùng Danh Đài, phó trưởng ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Công ty cổ phần Đầu tư phát triển kinh tế Hải Hà nói là đã chi hơn 280 tỉ đồng vào dự án, nhưng chưa có cơ quan nào kiểm chứng con số này đúng hay không. Trong khi thực tế, họ mới đổ được ít đất cát và chưa đầu tư gì cả”. Theo một báo cáo của ban Logistics (Vinalines) khi tổng công ty này nhận chuyển giao dự án từ Vinashin (năm 2010) thì “rất khó kiểm chứng con số 281 tỉ đồng đã chi, vì toàn bộ khối lượng cát đổ ra biển mênh mông, đến giờ, do sóng gió thuỷ triều, một khối lượng lớn đất cát đã bị cuốn trôi”.
Hơn nữa, theo ông Đài, Vinashin hay công ty cổ phần Đầu tư phát triển kinh tế Hải Hà chưa được ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án này, bởi vì theo quy định, chủ đầu tư phải có vốn sở hữu tối thiểu bằng 20% giá trị đầu tư của dự án. Thế nhưng, doanh nghiệp không chứng minh được năng lực tài chính để triển khai dự án.
Sẽ chia nhỏ cảng biển
Do Vinalines gặp khó khăn về tài chính, nên cuối năm 2011, dự án khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà lại được đổi chủ sang công ty cổ phần tập đoàn Indevco (Quảng Ninh). Từ đó đến nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần họp bàn với Indevco để hối thúc đẩy nhanh tiến độ dự án. Thực tế, theo ghi nhận của chúng tôi, đến cuối tháng 3.2013 vẫn không có bất cứ nhân lực, máy móc, thiết bị nào của Indevco trên công trường.
Để tìm lối thoát cho “siêu dự án”, ngày 6.2.2013, bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án điều chỉnh đầu tư cảng biển tại đây. Theo đó, bộ Giao thông vận tải đang hướng dẫn xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) lập dự án cảng nổi nước sâu đa năng với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.898 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Dự án gồm hai hợp phần: phần bến nổi phục vụ bốc dỡ hàng container, với công suất 230.000 TEU/năm; phần bến cứng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải tới 30.000 tấn.
Theo ông Đài, hiện nay Indevco đang làm dự án theo quy hoạch đã duyệt (năm 2010, Vinashin đã điều chỉnh các hạng mục), để trình các bộ, ngành và Chính phủ phê duyệt. Ở hợp phần cảng biển, sẽ được chia nhỏ cho cả Indevco và xí nghiệp cơ khí Quang Trung cùng tham gia đầu tư. Tuy nhiên, “việc chuyển giao dự án vẫn chưa hoàn thành vì chưa đủ hồ sơ tài liệu của Vinashin, hiện dự án này vẫn đang nhùng nhằng lắm”, ông Đài nói.
Trao đổi về phương án làm cảng nổi nước sâu đa năng của xí nghiệp cơ khí Quang Trung, ông Đài cho biết: “Đến giờ, họ chưa gửi hồ sơ dự án sang ban quản lý, nên chưa thể đánh giá gì về dự án, cũng như năng lực của chủ đầu tư. Riêng năng lực tài chính của doanh nghiệp, cần phải có nhiều cơ quan của tỉnh, thậm chí của trung ương xem xét, thẩm định”. Trong khi đó, bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ cho xí nghiệp cơ khí Quang Trung được hưởng cơ chế ưu đãi đặc biệt như: miễn tiền thuê đất, mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp… cho đến khi dự án hoàn vốn. Để đầu tư dự án này, xí nghiệp cơ khí Quang Trung còn xin được vay vốn với lãi suất chỉ… 3%/năm trong vòng 15 năm (!?)
Việc thu hút các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia đầu tư cảng biển có thể là lối thoát cho dự án khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà. Nhưng điều mà nhiều người quan tâm là cơ sở để đưa ra phương án đầu tư cảng Hải Hà của hai doanh nghiệp này hình như vẫn dựa trên các đánh giá về nguồn hàng, điều kiện giao thông cũ của Vinashin, mà chưa có nghiên cứu, đánh giá lại trong điều kiện kinh tế hiện nay. Điều này đã làm cho nhiều người lo ngại về tiến độ triển khai và tính hiệu quả của dự án.
(Theo SGTT)  Phương Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét