Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013


14:54
 thức ăn chăn nuôi bị “phù phép” như hàng đa cấp

 Thức ăn chăn nuôi bị “phù phép” như hàng đa cấp!

Nông dân đang phải chịu giá thức ăn chăn nuôi quá đắt do phụ thuộc vào nguyên liệu thế giới. Ảnh: D.H  


Đã từng có người nông dân ví von rằng, mỗi vụ chăn nuôi đi qua là một lần họ như “cá nằm trên thớt”. Đơn giản bởi họ không thể biết được thức ăn chăn nuôi (TACN) sẽ tăng thêm bao nhiêu tiền!

Giá cả TACN như có ai “phù phép”. Bài toán về thị trường TACN vẫn luôn là nỗi canh cánh của ngành nông nghiệp, khi mà hơn 90% lượng TACN đều phải phụ thuộc vào thế giới.

3 tỉ USD nhập khẩu mỗi năm 

Một con số khá ấn tượng mà mới đây Hiệp hội TACN vừa công bố, hằng năm VN phải nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn nguyên liệu (khô dầu đậu tương, lúa mì, ngô, cám...) với tổng kim ngạch trên 3 tỉ USD để sản xuất ra khoảng 15,5 triệu tấn TACN. Riêng ngô - loại nguyên liệu TACN chủ đạo - mỗi năm nước ta phải nhập khoảng 1,6 triệu tấn. 

Chủ tịch Hiệp hội TACN Lê Bá Lịch cho hay: “Giá TACN Việt Nam hiện cao hơn các nước trong khu vực từ 20 - 25%. Nông dân là người phải chịu thiệt thòi cuối cùng khi phải mua TACN với giá quá cao”. Theo ông Lịch, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đồng nghĩa với việc DN phải “gánh” thêm chi phí về vận chuyển, kiểm định, thuế, chưa kể rủi ro tái xuất do chất lượng hàng không đạt chuẩn. Một bao TACN “đi” từ nhà máy đến được tay bà con, ông Lịch cho rằng đã bị “phù phép” qua mấy tầng nấc chi phí không khác gì hàng đa cấp!

Từ nhiều năm qua, với lý do thiếu quỹ đất, Bộ NNPTNT thừa nhận, nguyên liệu TACN là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong các mặt hàng nông nghiệp. Việc thiếu chiến lược phát triển vùng nguyên liệu dẫn đến phụ thuộc vào thị trường thế giới là vấn đề đã quá cũ từ 20 năm nay. Các loại nguyên liệu giàu năng lượng (ngô, cám, lúa mì...) thiếu 30-40%, thức ăn giàu đạm (đậu nành, bột xương thịt, bột cá...) thiếu 70-80%, các loại khoáng chất, vi lượng, phụ gia... phải nhập khẩu 100%. Tính trung bình, lượng nguyên liệu TACN nhập khẩu lên tới 90%. Thiếu đất chỉ là lý do khách quan, bởi theo Hiệp hội TACN, khó khăn trong nước không hề nhỏ khi DN lao đao vì thiếu vốn, bỏ mặc DN FDI thâu tóm, kiểu làm ăn chụp giật, manh mún khiến giá thành vốn đã cao lại càng bị đội lên gấp nhiều lần. 

40% số doanh nghiệp TACN đóng cửa 

Hiệp hội TACN đã nhiều lần nói vui rằng, do TACN luôn quá đắt một cách vô lý nên không ít người nông dân vốn đã sẵn sự sáng tạo nên tìm cách tự “chế” lấy TACN bằng các nguyên liệu thô. Trong khi đó, hàng chục nhà máy TACN do thiếu vốn đã phải vội vàng nhường đất cho DN nước ngoài “nhảy” vào thâu tóm. Năm ngoái, có đến 40 nhà máy sản xuất TACN đóng cửa do thua lỗ kéo dài. 

Đến cả DN khá “đình đám” như Cty Proconco cũng thừa nhận hai tháng đầu quý I/2013 phải giảm sản lượng từ 10 – 15%, thu hẹp sản xuất. Lý do lớn nhất vẫn là sức ép quá lớn từ nguyên liệu TACN nhập khẩu cao ngất ngưởng. Bộ NNPTNT thì vẫn tỏ ra quá e dè với phương án trồng ngô biến đổi gene cho năng suất cao mà không tiêu tốn quá nhiều quỹ đất (điều này đã được làm khá thành công ở Philippines, biến nước này từ nước nhập khẩu ngô trở thành nguồn xuất ngô cho cả VN). 

Bằng cách này hay cách khác, DN trong nước vẫn loay hoay với bài toán TACN trước sức ép của thế giới. Nhiều DN mạnh dạn tự cung ứng sản phẩm cho mình bằng cách chủ động nhập các dây chuyền sản xuất hiện đại, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất. Vùng nguyên liệu sữa Mộc Châu (Sơn La) trở thành nơi đầu tiên có dây chuyên chế biến TMR (khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh). Theo Cty CP giống bò sữa Mộc Châu, với quỹ đất quá hạn hẹp, việc tự cung tự cấp nguyên liệu TACN cho bò sữa toàn vùng là điều không thể. 

Vẫn phải nhập nguyên liệu, song tự sử dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí nhằm hạ áp lực giá thành cho bà con là điều mà Cty này buộc phải làm trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, theo Hiệp hội TACN, mọi cách DN xoay xở chỉ là phương án trước mắt.

“Bộ NNPTNT sớm có kế hoạch chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang trồng ngô phục vụ chăn nuôi. Các DN đầu tư công nghệ thiết bị tốt, tự nhập khẩu nguyên liệu thay vì qua trung gian. Đó là những phương án lâu dài để giảm gánh nặng cho bà con nông dân vốn dĩ đã quá nặng nề lâu nay” - ông Lịch nói.
(Theo Lao Động) Dương Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét